Vực dậy thị trường nông thôn
BHG- Trong những năm gần đây, KT – XH của tỉnh có bước phát triển tương đối ổn định, nhu cầu mua sắm hàng hoá tiêu dùng của dân cư, nhất là lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng lên ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn. Tuy nhiên, thực trạng phát triển thị trường, đặc biệt ở địa bàn vùng sâu, vùng xa còn chậm. Điều đó đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết cả về phương diện kinh tế cũng như xã hội.
Chợ phiên xã Lũng Pù (Mèo Vạc) thu hút đông đảo người dân trao đổi hàng hóa. |
Những năm gần đây, tỉnh ta luôn coi việc xây dựng, phát triển thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thúc đẩy kinh tế, phát triển sản xuất và tiêu dùng, tăng thu nhập cho nhân dân, nâng cao đời sống xã hội, đẩy nhanh công cuộc XĐGN ở địa phương. Qua đó, đã góp phần đưa các chỉ KT – XH phần lớn đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định, hệ thống mạng lưới thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, đã xuất hiện các tổ chức thương mại mới hoạt động theo mô hình trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng chất lượng cao của người dân. Tuy nhiên, thị trường ở địa bàn nông thôn, miền núi còn kém phát triển, tình trạng tự cung, tự cấp còn nặng, thu nhập và sức mua của dân cư rất thấp, số hộ nghèo, đói còn nhiều... Vì vậy, tỉnh ta xác định phát triển thị trường này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, xoá bỏ nền kinh tế tự cung, tự cấp. Tính đến năm 2011, mạng lưới dịch vụ, thương mại đã phát triển đến các xã, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước về cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thu mua nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển. Tính đến cuối tháng 12.2011, trên địa bàn Hà Giang có 11.740 cơ sở hoạt động thương mại, du lịch, khách sạn nhà hàng, trong đó có 113 cơ sở bán buôn, 11.627 cơ sở bán lẻ thuộc mọi thành phần kinh tế. Đến nay, các cơ sở thương mại ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.
Qua trao đổi với lãnh đạo Sở Công thương được biết, để định hướng phát triển ngành thương mại, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1928, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2015; Quyết định số 5279, phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Nhằm khai thác các lợi thế sẵn có, tạo dựng lợi thế mới thông qua việc liên kết thu hút các nguồn lực bên ngoài, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh thương mại phát triển, tỉnh ta xác định phát triển thị trường nội địa, đặc biệt là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội; xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các chợ nông thôn; phấn đấu đến hết năm 2015 đạt 100% số xã có chợ, hình thành mạng lưới chợ biên giới, chợ cửa khẩu ở các xã biên giới và tại các cửa khẩu, chợ đầu mối nông sản đa ngành, chợ đầu mối gia súc và chợ đầu mối rau quả... Bên cạnh giải pháp tăng cường công tác quản lý và triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển thương mại, dịch vụ, tỉnh ta cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại, từng bước cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hoá tập trung vào một số lĩnh vực có ưu thế, khai thác tối đa lợi thế, nhằm tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, chủ động tìm kiếm nguồn vốn ngân sách T.Ư để tạo lập nguồn vốn xây dựng hạ tầng thương mại. Đồng thời, tìm kiếm thêm nguồn vốn từ các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh; lồng ghép giữa nguồn vốn thuộc chương trình phát triển chợ với các chương trình phát triển KT-XH khác...
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc