Trung Thành xóa nghèo bền vững nhờ phát huy nội lực sức dân
BHG - Với tiềm năng, lợi thế về đất đai cũng như giao thông thuận lợi để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; người nông dân chịu thương, chịu khó và có trình độ sản xuất nông nghiệp tiên tiến; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được người nông dân áp dụng hiệu quả, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mang lại thu nhập cao. Những điều đó đã và đang đưa xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên đổi thay từng ngày, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, là cơ sở, tiền đề để xã Trung Thành hướng tới đạt chuẩn về phát triển nông thôn mới của tỉnh trong năm 2015.
Về Trung Thành những ngày này, ai cũng sẽ bị choáng ngợp trước những cánh đồng được phủ một màu xanh bạt ngàn của lúa, lạc và ngô. Người dân trong xã đang tập trung chăm sóc, vun đất, bón phân cho các loại cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật thâm canh nghiêm ngặt, quyết tâm nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp của những cánh đồng quê mình. Chính nhờ đó mà giờ đây cơ bản các cánh đồng của xã đã được bà con thâm canh hiệu quả và đạt tới 3 vụ/năm. Thật không ngoa khi anh bạn đồng nghiệp cùng đi trong đoàn nhận xét, đi khắp xã Trung Thành mà chả thấy một vạt đất nào bỏ hoang không trồng cấy.
Bà con Thôn Đồng, xã Trung Thành chăm sóc cây lạc đỏ - loại giống có hiệu quả kinh tế cao mới được đưa vào trồng đại trà trên địa bàn xã vụ Xuân năm 2015. |
Xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy xã Trung Thành đã tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây trồng, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã tận dụng tối đa các nguồn vốn, các chương trình dự án, phương án và chương trình nông nghiệp trọng tâm để tổ chức thực hiện; tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp thâm canh, đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Xây dựng 2 cánh chuyên canh ngô, lạc tại Bản Tàn; ngô, đậu tương tại Hai Luồng có diện tích từ 3 ha trở lên. Tăng cường trồng và phát triển cây vụ 3, chuyển một số diện tích đất ruộng không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây ăn quả có múi và trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Theo đồng chí Phạm Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện Trung Thành tập trung chỉ đạo bà con trồng cỏ nuôi trâu hàng hóa theo hướng bán chăn thả. Hàng năm trâu, bò giao thương toàn xã ước đạt khoảng 500 con (gần 15 tỷ đồng).
Xuất phát từ nền kinh tế nội tại của xã Trung Thành chủ yếu từ nội lực trong dân, trong năm 2015 huyện Vị Xuyên đã quyết tâm đăng ký với tỉnh đưa xã Trung Thành là một trong các xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh, điều quan trọng nhất để huyện Vị Xuyên có cơ sở để quyết tâm như vậy là tiêu chí thu nhập của người dân. Tính đến hết năm 2014 thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 10,07%. Đồng chí Lương Văn Đoàn, Phó Bí thư Huyện Ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, đánh giá: Trong xây dựng NTM tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là khó đạt nhất, tuy nhiên Trung Thành đến thời điểm hiện tại đã đạt được bằng nội lực và tư duy sản xuất tiến bộ của người dân. Điều đó được thể hiện qua việc chăn nuôi trâu hàng hóa theo hình thức bán chăn thả cho thu nhập. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, người dân Trung thành có tính độc lập cao, nhiều gia đình đã tự tìm tòi cây có giá trị kinh tế để đưa vào trồng, như cây sơn lấy mủ, cây cỏ voi trồng ở các thửa ruộng khó khăn về nước tưới, cây ngô lai để làm lương thực cho trâu, bò… phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, điều kiện đất đai của từng vùng, từng thôn bản. Theo tính toán của nhiều gia đình trồng ngô làm thức ăn cho trâu, bò cho biết: Trên cùng một diện tích đất trồng ngô, nếu trồng để làm thức ăn cho trâu thì giá trị kinh tế mang lại ít nhất là bằng hoặc hơn thu hoạch bắp lấy hạt. Khi cây ngô cho hạt ở độ mẩy là có thể thu hoạch và bán cho các hộ nuôi trâu, vừa rút ngắn thời vụ chăm sóc vừa chủ động đất cho mùa vụ mới. Từ ý thức phát triển nông nghiệp mang lại kinh tế như vậy mà tiêu chí này được huyện đánh giá cao trong xây dựng nông thôn mới của người dân Trung Thành, đây cũng là một tiêu chí khó nhưng Trung Thành có thể đạt được và vượt mức chỉ tiêu của chương trình mục tiêu phát triển NTM đề ra. Cùng với đó tính cần cù, chịu khó người dân Trung Thành khi tham gia vào các chương trình, đề án của huyện phát động rất hiệu quả như Chương trình trồng chanh leo được người dân đầu tư chăm sóc và sản xuất bước đầu đã có thu nhập. Hiện nay toàn xã có 27 hộ gia đình đăng ký tham gia trồng cây tranh leo với diện tích là 23ha, tính hết năm 2014, có ½ diện tích đã cho thu hoạch, năng xuất ước đạt 4 tạ/ha. Bên cạnh đó mô hình sản xuất tổng hợp của người dân trong xã được nhiều gia đình áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy hết diện tích đất hiện có, từ chăn nuôi thủy sản cho đến chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi gia súc, chăn nuôi gia cầm và trồng cây ăn quả cho đến sản xuất nông nghiệp. Từ mô hình sản xuất tổng hợp này nhiều hộ gia đình trong xã có tổng thu nhập từ 200-300 triệu/năm.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, người dân luôn tự chủ, ý thức sản xuất cao để nâng cao giá trị kinh tế hộ gia đình, hướng tới phát triển bền vững, tin tưởng rằng Trung Thành sẽ về đích sớm đạt xã chuẩn về xây dựng NTM của tỉnh, thiết thực hướng tới đại hội Đảng bộ xã Lần thứ 14, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Đức Dũng - Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc