Toàn tỉnh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ
BHG- Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho chương trình năm 2014 tăng hơn hai lần so với năm 2013. Tổng nguồn lực huy động đầu tư cho chương trình gần 566 tỷ đồng từ các nguồn: Trái phiếu Chính phủ, vốn sự nghiệp, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố, vốn lồng ghép, nguồn huy động của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân và đóng góp của người dân. Đặc biệt, nhân dân đã hiến 636.218 m2 đất, đóng góp 714.357 ngày công lao động... Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân, toàn tỉnh đã làm mới 327,424 km đường bê tông nông thôn; nâng cấp 674,594 km, mở mới 375,446 km đường giao thông nông thôn; láng bó nền nhà cho 4.597 hộ; xây nhà tắm 3.969 công trình; xây 5.988 nhà vệ sinh; di dời 5.530 chuồng trại; xây 4.680 bể bể nước gia đình; 103 nhà văn hóa thôn; 187 phòng học; kiên cố hóa 46.783m kênh mương... Đến hết năm 2014, toàn tỉnh đạt 1.086 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 6,2 tiêu chí; có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM gồm xã Việt Lâm (Vị Xuyên); xã Phương Độ và Phương Thiện (thành phố Hà Giang). Theo đánh giá của các địa phương trong toàn tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy, các tiêu chí khó thực hiện nhất là: Số 2 (giao thông), số 5 (trường học), số 6 (cơ sở vật chất văn hóa), số 9 (nhà ở dân cư), số 17 (môi trường) và tiêu chí số 18 (hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh). Hiện rất ít xã thực hiện được các tiêu chí này.
Để đẩy nhanh tiến độ XDNTM, hiện Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia của tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực, phấn đấu năm 2015 hoàn thành 8 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã hoàn thành XDNTM lên 11 xã; các xã còn lại phấn đấu hoàn thành từ 1-2 tiêu chí trở lên. Đồng thời triển khai thực hiện các nội dung Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016; tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình “Hội đồng quản lý, phát triển thôn”; “Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp”; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đồng thời triển khai thực hiện phong trào “Làng mới” tại một số thôn của các xã đạt chuẩn NTM. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn liên quan đến XDNTM để triển khai thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực. Tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về Chương trình XDNTM với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tạo thành phong trào, khí thế thi đua thật sự trong nhân dân, giữa các thôn bản và các địa phương với nhau. Biên soạn tài liệu về về các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình XDNTM; tăng cường các tin, bài, văn bản trên trang tin điện tử NTM; làm phim tài liệu, tổ chức thi tìm hiểu về Chương trình XDNTM bằng hình thức sân khấu hóa...; tăng cường ham quan học tập kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình, các mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong XDNTM của các tỉnh bạn.
Có thể thấy, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, được sự hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của nhân dân, bộ mặt nông thôn tỉnh ta đã đổi thay rõ rệt, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, các hủ tục từng bước được xóa bỏ, bản sắc văn hóa độc đáo của từng dân tộc được gìn giữ và phát huy; tình làng, nghĩa xóm ngày một gắn kết, đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH, AN-QP của tỉnh.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc