Thanh Sơn - những bước "chuyển mình"
BHG- Theo Quốc lộ 2 Hà Giang – Thanh Thủy, đến km 15 rẽ trái là đến thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Nơi đây, cuộc sống của bà con nông dân đang từng ngày thay da, đổi thịt; diện mạo nông thôn đang chuyển biến tích cực; nhiều mô hình phát triển KT-XH được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Bằng sự nỗ lực của mỗi hộ dân trong thôn, sự hỗ trợ của xã, của huyện, thôn Thanh Sơn đã có những đổi thay rõ nét trong công cuộc phát triển trên mọi lĩnh vực.
Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại thôn Thanh Sơn. |
Nằm thoai thoải xếp mình dưới ngọn núi Nà Thẳm, 74 nóc nhà sàn xen lẫn 22 ha cánh đồng lúa xanh tốt sẽ mang đến cho những ai đến thăm Thanh Sơn một cảm giác trong lành ở một vùng quê thanh bình. Theo lời Trưởng thôn Nguyễn Văn Dụng, toàn thôn có 74 hộ với 371 khẩu đang tích cực hưởng ứng thực hiện Đề án xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch tiêu biểu gắn Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện. Người dân đã huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực theo tinh thần xã hội hóa để thực hiện đề án, từ đó đời sống tinh thần, vật chất được cải thiện; ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa, tài nguyên, du lịch, cảnh quan môi trường... được nâng lên. Năm 2014, lương thực bình quân của thôn đạt 600kg/người/năm, thu nhập bằng tiền bình quân 13 triệu đồng/người/năm. Với tinh thần đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau; với tinh thần vì sự phát triển chung của thôn, thời gian qua đã có 31 hộ hiến đất làm đường giao thông với tổng diện tích 15.000 mét vuông, tương ứng 270 triệu đồng. Diện tích trên góp phần hoàn thành con đường bê – tông chính của thôn rộng 6 m, dài 1,1 km; đường liên gia 350 m, rộng 1,2 m vào tất cả các hộ. Thông qua tuyên truyền, người dân đã ý thức được việc vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan nên các hộ tự giác trồng, chăm sóc cây xanh dọc các tuyến đường và xung quanh nhà ở, tạo nên môi trường xanh, trong lành. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, hiện nay trong thôn đã có 32 hộ chăn nuôi lợn tự lắp đặt hệ thống Biôga, 24 hộ có công trình vệ sinh khép kín, 30 hộ đạt tiêu chuẩn “Nhà sạch, vườn đẹp”. Nhằm thực hiện được mục tiêu đảm bảo phục vụ khách lưu trú đến tham quan, nghỉ ngơi, huyện lựa chọn được 12 hộ đủ điều kiện để hỗ trợ mua sắm màn, rèm, chăn, ga, gối, đệm... phục vụ du khách và lựa chọn 3 người tham gia tập huấn hướng dẫn viên du lịch do tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, thôn cũng đã thành lập 1 Đội văn nghệ dân gian với 24 người, thường xuyên tập luyện, sẵn sàng phục vụ du khách với những tiết mục đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc.
Cánh đồng mẫu 5 cùng của thôn. |
Đến với Thanh Sơn, điều đặc biệt cần được nhân rộng ở những vùng nông thôn đó là mô hình chuồng trại gia súc tập trung. Tập quán nhốt gia súc gần nhà hoặc dưới gầm sàn tồn tại từ rất lâu đối với người dân ở các vùng nông thôn với mục đích thuận tiện cho việc bảo vệ và chăm sóc. Tập quán này đã được bà con nông dân tỉnh ta loại bỏ dần khi thực hiện Phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình xây dựng NTM. Đến nay, về cơ bản, chuồng trại gia súc, gia cầm đã được di dời khỏi gầm sàn hoặc xa nhà ở, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống. Nhưng hiệu quả sẽ cao hơn nếu mỗi khu vực dân cư chăn nuôi gia súc thực hiện được mô hình chuồng trại gia súc tập trung như ở thôn Thanh Sơn. Cũng với tinh thần vì lợi ích chung của cộng đồng, 3 hộ dân đã hiến 2.500 mét vuông đất với trị giá 45 triệu đồng để xây dựng 2 khu vực chuồng trại tập trung. Tại khu vực Cốc Phay (đầu thôn), thôn đã quy hoạch và xây dựng 24 ô chuồng gia súc tập trung. Khu vực Pù Khà (cuối thôn) xây dựng 30 ô. 54 ô chuồng gia súc được UBND huyện hỗ trợ vật liệu trị giá hơn 300 triệu đồng, nhân dân đóng góp công lao động vận chuyển và xây dựng chuồng trại. Có thể nói, mô hình này là mô hình đầu tiên trong tỉnh được nhân dân thôn Thanh Sơn thực hiện và cần được nhân rộng ở những địa phương có điều kiện phù hợp. Từ khi có khu nuôi nhốt gia súc tập trung, tình trạng ô nhiễm môi trường được hạn chế đến mức tối thiểu, đàn gia súc được chăm sóc tốt hơn. Hàng đêm, thôn phân công Công an viên, dân quân, trưởng thôn thay phiên nhau trực bảo vệ khu vực chuồng trại.
Trong phát triển nông nghiệp, với diện tích 22 ha lúa 2 vụ, nông dân trong thôn tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, ngoài việc trồng các loại lúa lai có năng suất và giá trị kinh tế cao, bà con còn trồng giống lúa nếp thơm đặc sản phục vụ nhu cầu của tại chỗ và thị trường, cũng mang lại nguồn thu đáng kể.
Với ý thức tự gìn giữ, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình bằng những nỗ lực cao nhất; bên cạnh đó, được sự hỗ trợ, giúp đỡ không nhỏ của xã, của huyện, thôn Thanh Sơn từng bước đổi thay rõ nét với những bước đi đúng hướng, vững chắc trong phát triển KT-XH và đặc biệt trong việc thực hiện Đề án xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch tiêu biểu gắn Chương trình xây dựng NTM.
Chuồng trại gia súc tập trung tại khu Cốc Phay. |
AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc