Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

06:54, 07/04/2015

BHG- 434 tỷ đồng vốn ODA của các tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), JICA Nhật Bản... đầu tư vào lĩnh vực giao thông trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 đến nay đã góp phần quan trọng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Thông qua nguồn vốn ODA, nhiều tuyến đường đã, đang được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, tạo được niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

Gói thầu thi công đường Vĩnh Tuy - Yên Bình do Công ty TNHH Hiệp Phú đảm nhiệm đã đạt 70% khối lượng.
Gói thầu thi công đường Vĩnh Tuy - Yên Bình do Công ty TNHH Hiệp Phú đảm nhiệm đã đạt 70% khối lượng.

Công trường xây dựng đường từ thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đi Yên Bình (Quang Bình) có chiều dài gần 34km từ nhiều tháng nay luôn rộn rã tiếng người, tiếng máy. Tuyến đường trên chính thức được khởi công tháng 4.2014, tổng mức đầu tư trên 274 tỷ đồng từ nguồn vay ADB và vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam. Sau gần một năm triển khai, nhiều gói thầu trên tuyến đã đạt 70% khối lượng thi công. Trúng thầu thi công gói số 1 đoạn km0 +747 -  km16, Công ty TNHH Hiệp Phú đang tập trung máy móc rải cấp phối nền đường. Nhằm mục tiêu đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, Công ty TNHH Hiệp Phú đã huy động máy móc, thiết bị kỹ thuật và nhân công lành nghề, thi công liên tục, hoàn thành các hạng mục theo thiết kế và tiến độ đề ra. Anh Nông Đại Thắng - chỉ huy trưởng, phụ trách dự án của nhà thầu thi công cho biết, ngay khi trúng thầu, Công ty TNHH Hiệp Phú đã điều về công trường những máy móc tốt nhất, đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề nhất nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, tiến độ. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Công ty đã triển khai công việc, bỏ qua quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đến nay đã mở được 70% nền đường, hoàn thành 90% hệ thống cống, rãnh, rải lớp đá 1 được 5/16km. Anh Thắng cho biết thêm, công tác giải phóng mặt bằng được chính quyền địa phương thực hiện rất tốt, người dân ủng hộ nên Công ty huy động nguồn nhân lực, phương tiện kỹ thuật cao nhất, phấn đấu 30.9 tới sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu, vượt kế hoạch 10 tháng.

Công ty Cổ phần xây dựng 559, nhà thầu đến từ Nghệ An hiện đang tổ chức thi công các hạng mục gói thầu chạy qua địa phận xã Vĩ Thượng (Quang Bình) của tuyến đường nối Vĩnh Tuy - Yên Bình. Anh Nguyễn Danh Đông, Phó Giám đốc phụ trách công trường chia sẻ: Công ty Cổ phần xây dựng 559 có kinh nghiệp thi công các tuyến đường giao thông trên địa bàn cả nước, nhiều dự án trọng điểm đều có sự góp mặt của những người thợ 559. Khi quyết định dự thầu, Công ty đã nghiên cứu rất kỹ địa hình, thời tiết và xác định rõ địa bàn gói thầu doanh nghiệp đảm nhiệm nằm trong vùng “rốn mưa” của Hà Giang nên đã đề ra các biện pháp thi công phù hợp. Hiện tại, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, Công ty đã tổ chức thi công liên tục trên công trường, đẩy nhanh tiến độ, chạy đua với thời gian khi mùa mưa đang đến gần. Theo anh Đông, việc thi công tại đây rất thuận lợi, ngoài sự ủng hộ của chính quyền, người dân địa phương, hàng tháng các nhà thầu trên toàn tuyến đều tổ chức họp, đánh giá tiến độ triển khai công việc, những vấn đề vướng mắc đều được các đưa ra và có biện pháp xử lý, không để ảnh hưởng tiến độ của toàn dự án.

Từ nhiều năm nay, tuyến đường Vĩnh Tuy - Yên Bình xuống cấp. Đặc biệt, thời gian đầu triển khai cân tải trọng, các xe quá tải né trạm cân nên liều lĩnh lao vào tuyến đường này khiến kết cấu bề mặt nhanh chóng bị phá hủy, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Hệ thống giao thông xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa của nhân dân các xã Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Đông Thành (Bắc Quang), Vĩ Thượng, Tiên Yên, Xuân Giang, Bằng Lang (Quang Bình), khiến vùng vựa lúa của hai huyện gặp nhiều khó khăn. Ông Vũ Đình Vân, năm nay 60 tuổi, người dân thôn Trung, xã Vĩ Thượng vui mừng nói: Trước đây, Đảng, Nhà nước đã đầu tư con đường nhựa chạy qua trung tâm xã, nhưng thời gian gần đây nó đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân. Nay được Nhà nước quan tâm, đầu tư cho con đường lớn hơn, tốt hơn, người dân chúng tôi rất phấn khởi, mọi người bảo nhau tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công triển khai dự án được nhanh chóng.

Nằm ở cực Bắc Tổ quốc, điều kiện kinh tế của tỉnh ta còn nhiều khó khăn, những năm qua Đảng, Nhà nước đã chú trọng đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, hầu hết các tuyến đường đang trong tình trạng xuống cấp, năng lực phục vụ không đáp ứng được yêu cầu. Để tu sửa, nâng cấp đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi ngân sách đang rất eo hẹp nên việc thu hút ODA là một giải pháp quan trọng, đang được tỉnh ta xúc tiến, kêu gọi với nhiều hình thức khác nhau. Tính từ năm 2009 đến nay, các tổ chức như JICA, WB, ADB đã đầu tư vào địa bàn tỉnh ta trên 434 tỷ đồng thực hiện các dự án giao thông.

Từ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhiều tuyến đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tích cực như: Dự án Cải tạo nâng cấp đường Sủa Nhè Lử đi UBND xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) tổng vốn đầu tư trên 29 tỷ đồng, trong đó vốn WB trên 21,8 tỷ đồng; Dự án Cải tạo nâng cấp đường Minh Ngọc - Mậu Duệ đoạn Km38 + Km73 (Yên Minh) tổng giá trị trên 106 tỷ đồng, vốn vay ADB trên 74,9 tỷ đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp đường từ ngã ba Ngọc Linh - Linh Hồ đi xã Phú Linh (Vị Xuyên) tổng vốn trên 33,6 tỷ đồng trong đó vốn JICA trên 21,8 tỷ đồng; Dự án Cải tạo nâng cấp đường Đồng Văn - Tả Lủng - Sủng Trà (Đồng Văn) tổng vốn trên 43,3 tỷ đồng, vốn WB trên 34,7 tỷ đồng... Ngoài ra, Sở GT-VT đang phối hợp cùng các ngành liên quan để tỉnh ta được tham gia thực hiện Dự án Quản lý tài sản đường địa phương. Theo dự thảo đề cương dự án, tỉnh ta là 1 trong 17 địa phương tham gia với tổng mức đầu tư 300 triệu USD, trong đó vốn vay WB 250 triệu USD.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, tỉnh ta luôn xác định, giao thông đi trước một bước, tạo tiền đề vững chắc cho các hoạch định phát triển nên đã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông. Nhằm xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy kinh tế và giao thương, trong bối cảnh “bầu sữa” ngân sách eo hẹp, tỉnh rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành, tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Đồng thời cam kết, những đồng vốn đầu tư đều được sự dụng hợp lý, phát huy hiệu quả cao nhất, phục vụ đắc lực cho phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh...

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án phát triển sản xuất thảo quả năm 2015

BHG- Sáng 31.3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh phối hợp với Tổ chức Phát triển Phần Lan (SNV) tổ chức Hội nghị Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án phát triển sản xuất thảo quả tỉnh Hà Giang, năm 2015. 

31/03/2015
Cần xây dựng thương hiệu "Bò vàng vùng cao"

BHG- Với các tỉnh miền xuôi, "con trâu là đầu cơ nghiệp" gắn với người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nhưng với người vùng cao Hà Giang, đặc biệt là đồng bào Mông vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc), con bò mới thực sự là vật nuôi gắn bó và đem lại nhiều hữu ích cho đồng bào. Và đồng bào quen gọi chúng với cái tên giống bò Mông hay bò vàng vùng cao...

31/03/2015
Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản: Đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu năm

BHG- Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí & Khoáng sản, anh Trịnh Ngọc Hiếu, cho biết: Đúng mồng 6 Tết Nguyên đán, toàn bộ cán bộ, công nhân Công ty đã ra quân đầu năm trồng cây xanh và bắt tay vào sản xuất theo kế hoạch năm 2015. Quyết tâm trồng trên 30.000 cây xanh và đạt doanh thu trên 120 tỷ đồng.

31/03/2015
Quảng bá thương mại – du lịch Hà Giang tại Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132

BHG - Trong các ngày 27-29.3, tỉnh Hà Giang tham gia trưng bày các gian hàng giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển thương mại – du lịch; quảng bá về Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tại Đại hội đồng Liên nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ chức tại Hà Nội.

30/03/2015