Phát triển chăn nuôi gia súc – con đường xóa đói, giảm nghèo ở Đường Hồng
BHG- Cách trung tâm huyện Bắc Mê hơn 30km về phía Đông, xã Đường Hồng còn gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, giao thương; trình độ nhận thức của người dân chưa cao; thiếu đất và nước sản xuất... khiến cho những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao. Theo rà soát đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 30,4%. Chủ tịch UBND xã Hoàng Trọng Minh cho biết: Với trình độ sản xuất của người dân hiện nay và điều kiện thổ nhưỡng, diện tích đất sản xuất nông – lâm nghiệp hàng năm của xã cơ bản chỉ có thể đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói. Vì vậy, xã xác định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc mới hy vọng giúp các hộ dân thoát nghèo.
Hiện xã Đường Hồng có 803 hộ dân, phân bố trên 10 thôn, bản. Tuy nhiên, toàn xã chỉ có 172 ha lúa (trong đó lúa Xuân 34ha, lúa Mùa 138 ha), hơn 500 ha ngô (trong đó ngô xuống ruộng 455ha, ngô Hè - thu 68ha) và hơn 340 ha đậu tương canh tác được trong năm. Số diện tích này có thể dao động thấp hơn, hoặc cao hơn tùy vào điều kiện thời tiết mỗi năm. Nhưng con số dao động cũng không đáng kể, vì vậy sản xuất lương thực khó có thể giúp người dân thoát nghèo được. Với những điều kiện khó khăn như vậy, theo rà soát đến hết năm 2014, xã còn 244 hộ nghèo, chiếm 30,4%; 212 hộ cận nghèo, chiếm 26,4%, còn lại đa phần là hộ trung bình.
Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp các hộ nghèo xã Đường Hồng có điều kiện phát triển chăn nuôi để thoát nghèo. Trong ảnh: Lãnh đạo xã kiểm tra công tác chăm sóc đàn bò của Nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò sinh sản thôn Lùng Cuối. |
Từ kinh nghiệm thực tế XĐGN của các địa phương khác trong tỉnh và một số hộ thoát nghèo những năm qua trên địa bàn xã, cấp ủy, chính quyền xã Đường Hồng nhìn nhận: Chỉ có phát triển chăn nuôi, mới giúp các hộ có hy vọng thoát nghèo. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, tận dụng lợi thế địa hình chủ yếu là đồi núi đất, với những diện tích đồi núi có độ dốc lớn, kém màu mỡ, không thể trồng ngô, xã vận động nhân dân tích cực chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. Đến nay, toàn xã có hơn 160 ha cỏ (tăng 155 ha so với năm 2010). Cùng với đó vận động người dân mạnh dạn vay vốn ưu đãi của các chương trình như Chương trình 135; chính sách ưu đãi của Ngân hàng Chính sách... Từ năm 2010 đến nay, đàn gia súc của xã có sự tăng trưởng đáng kể, tổng đàn hiện nay đạt trên 9.400 con. Trong đó, đàn trâu hơn 2.000 con, đàn bò trên 600 con, đàn dê trên 3.000 con, còn lại là lợn. Sự tăng trưởng ổn định của đàn gia súc trong những năm qua ở Đường Hồng có sự đóng góp không nhỏ trong việc tích cực tuyên truyền, vận động bà con, nhân dân phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho gia súc trong mùa Đông. Bên cạnh đó, giá trị của gia súc, nhất là đại gia súc ngày một cao khiến người dân quan tâm, chăm sóc và bảo vệ cẩn thận đàn gia súc hơn. 2 năm gần đây, Đường Hồng không có trâu, bò bị chết rét trong mùa Đông.
Cùng với những cố gắng của xã trong việc tuyên truyền, vận động người dân trú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của huyện, tỉnh cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đẩy mạnh chăn nuôi đàn gia súc. Trong năm 2013, xã được hỗ trợ 6 con trâu đực giống để cải tạo thể trạng đàn trâu của xã; năm 2014, 15 hộ nghèo của xã chưa có trâu, bò được cho vay ưu đãi 22 triệu đồng/1 hộ không lãi suất trong 3 năm theo danh sách phê duyệt từ Quyết định 2054 ngày 4.7.2014 của UBND tỉnh... Bên cạnh đó, theo chủ trương của tỉnh, được sự nhất trí của huyện, năm 2014, xã Đường Hồng thành lập 3 nhóm sở thích chăn nuôi trâu, bò nhốt sinh sản ở 3 thôn Lùng Cuối, Khuổi Hon và Nà Nưa 2 với 16 hộ nghèo tham gia. Ngay sau khi chuẩn bị xong chuồng trại và cam kết mỗi hộ trồng 300 m2 cỏ làm thức ăn cho gia súc, 16 con bò cái đã được hỗ trợ cho các hộ trong các nhóm sở thích. Anh Bồn Văn Quý, thôn Lùng Cuối, Trưởng nhóm sở thích chăn nuôi của thôn vui mừng chia sẻ: Chúng tôi trước khi vào nhóm đều chưa có trâu, bò để nuôi và cũng là hộ nghèo cả. Được Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện thế này chúng tôi rất vui. Hi vọng sang năm, trâu, bò sinh sản sẽ có điều kiện thoát nghèo”.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Đường Hồng hiện còn cao, tuy nhiên con số này đã giảm hơn 50% so với năm 2010 (khi đó xã có trên 80% hộ nghèo). Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Quá trình XĐGN của xã những năm qua chủ yếu nhờ vào phát triển chăn nuôi gia súc. Chính vì vậy, trong những năm tiếp theo, hy vọng thoát nghèo của người dân chỉ có thể dựa vào chăn nuôi gia súc mà thôi”.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc