Khó khăn của ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng Mangan

09:47, 11/04/2015

BHG- Từ nhiều tháng nay, hàng loạt các dự án khai thác, chế biến quặng Mangan hoạt động cầm chừng, hoặc phải đóng cửa, đã ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua giảm, sản phẩm làm ra không bán được, các nhà đầu tư chót đổ tiền vào khai thác, chế biến Mangan giờ chỉ biết... mơ về một thời đã xa!

Tham dự hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 31, phần thảo luận tổ về tình hình phát triển KT-XH, nhiều đại biểu đã nêu thực trạng hoạt động kém hiệu quả của các dự án khoáng sản thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng ngành công nghiệp. Điều này được minh chứng bởi từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác, chế biến Mangan giảm trên 82% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc Nhà máy luyện Feromangan tại KCN Bình Vàng vừa tuyên bố đóng cửa khiến công nghiệp khai thác, chế biến quặng Mangan càng thêm ảm đạm, nhiều nhà đầu tư cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến sâu cũng lâm cảnh cơ hàn.

Cột khói Nhà máy Feromangan.
Cột khói Nhà máy Feromangan.

Theo lý giải của Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc - chủ quản Nhà máy luyện Feromangan, kết thúc năm 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà máy đã hoàn thành, công tác chuẩn bị sản xuất được tiến hành tích cực. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm kinh tế trong, ngoài nước bị suy thoái trầm trọng, giá bán sản phẩm gang của nhà máy giảm 45%, từ 7,2 triệu đồng/tấn khi phê duyệt kế hoạch sản xuất xuống còn 5,2 triệu đồng/tấn thời điểm đầu tháng 2.2015. Trong khi đó, giá các chi phí khác như tiền lương, điện, chi phí vận chuyển đều tăng, hơn nữa sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ do sức mua giảm mạnh.

Để chuẩn bị nguyên vật liệu, vật tư, hoàn thiện hệ thống máy móc, Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc đã bố trí 175 tỷ đồng vốn lưu động. Nếu tiến hành sản xuất, Công ty sẽ phải thu xếp khoản tài chính trên 47 tỷ đồng cho 5 tháng vận hành nhà máy, tương đương 9,5 tỷ đồng/tháng cho các chi phí trực tiếp, số tiền trên doanh nghiệp không được trả chậm dù chỉ một ngày, còn sản phẩm là ra chưa có nơi tiêu thụ. Qua phân tích, đánh giá tình hình, diễn biến kinh tế trong nước, kinh tế ngành luyện kim và chế biến khoáng sản, Tổng Công ty khoáng sản Việt - Công ty mẹ của Mangan Việt Bắc, sở hữu 99,5% cổ phần quyết định tạm dừng khai thác, sản xuất và chế biến trong một năm. Quyết định này khiến nhiều người hết sức bất ngờ, bởi trước đó không lâu, doanh nghiệp thông báo tuyển hàng loạt lao động với mức lương hấp dẫn, chế độ đãi ngộ cao.

Chúng tôi trở lại Nhà máy luyện Feromangan chỉ vài ngày sau quyết định đóng cửa được ban hành. Trái với không khí tấp nập trước đây, một cảnh đìu hiu đập vào mắt, toàn bộ khu vực nhà máy với những cỗ máy đồ sộ, khu vực tập kết quặng hàng chục vạn tấn không một bóng người. Mới ngày nào, nhà máy có hàng trăm lao động, cả công trường ào ào tiếng người, tiếng máy... nay chỉ còn vài người bảo vệ đứng gác cổng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi nhà máy quyết định đóng cửa, có 22 người được tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ chờ việc; 150 người chấm dứt hợp đồng lao động, được hỗ trợ tiền lương. Trong số này, có 55 người được Công ty liên hệ chuyển sang các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang, 42 người chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN Bình Vàng, 23 người được giữ lại nhà máy làm công việc hành chính, bảo vệ và bảo quản máy móc.

Nhà máy luyện Feromangan Việt Bắc một thời được coi là biểu tượng ngành công nghiệp chế biến sâu của tỉnh. Năm 2010, Công ty Cổ phần Mangan Việt Bắc được tỉnh đồng ý cho xây dựng cụm đồng bộ, liên hoàn các nhà máy luyện kim, chế biến quặng Sắt, Mangan và Feromangan để sản xuất gang, các sản phẩm Feromangan, Silicomangan, Mangan kim loại điện giải, xỉ giầu Mangan tại KCN Bình Vàng. Cụm đồng bộ và liên hoàn các nhà máy luyện kim gồm hệ thống lò quay thiêu kết quặng 300 nghìn tấn/năm, lò cao sản xuất gang và xỉ giầu công suất 120 nghìn tấn/năm, lò điện hồ quang sản xuất Feromangan và Silicomangan 40 nghìn tấn/năm; dây chuyền sản xuất Mangan kim loại điện giải  20 nghìn tấn/năm... tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Nhiều lần tìm hiểu quá trình đầu tư, xây dựng, chúng tôi vẫn nhớ lời khẳng định chắc “như đinh đóng cột” của Tổng Giám đốc Phạm Văn Hoan: Các sản phẩm luyện kim hiện đại, chế biến sâu khoáng sản gang, Feromangan, Silicomangan, Mangan kim loại có chất lượng cao do nhà máy sản xuất, hiện trong nước chưa có, hoàn toàn phải nhập khẩu. Khi đi vào hoạt động, cụm công nghiệp, các dây chuyền thuộc dự án có nhu cầu sử dụng quặng Sắt và Mangan với số lượng rất lớn. Việc xây dựng thành công Nhà máy sản xuất Feromangan và Silicomangan đã đưa Hà Giang trở thành một trong mười địa phương có nền công nghiệp luyện kim, chế biến sâu khoáng sản đứng đầu Việt Nam với nhà máy sản xuất gang và xỉ giầu Mangan lớn nhất Đông Nam Á. Khi đi vào sản xuất, cụm công nghiệp sẽ có doanh thu 3 nghìn tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 2 nghìn lao động, hàng năm đóng góp trên 300 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.

Những ý tưởng tốt đẹp, ra đời vào hoàn cảnh khó khăn đã không có cơ hội lớn mạnh, không những vậy nó còn làm khó nhiều doanh nghiệp khác. Công ty Mangan VB (Vị Xuyên) là một điển hình, thời điểm Nhà máy luyện Feromangan thu mua sản phẩm, công nhân Công ty Mangan VB hoạt động liên tục, sản phẩm làm ra đến đâu được bao tiêu đến đây nhưng nay Mangan đổ tràn hàng đống, chẳng ai thèm ngó ngàng. Nhìn đống quặng tồn không tiêu thụ được, ông T - Giám đốc Công ty Mangan VB than, số tiền đọng trong khoáng sản đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, còn Công ty TNHH SL chuyên khai thác, chế biến Mangan cung cấp cho nhà máy luyện Feromangan, nay sản phẩm làm ra không biết bán đi đâu, số lượng tồn kho cũng xấp xỉ 30 tỷ đồng. Ông N - Giám đốc Công ty TNHH SL cho biết, thực hiện chủ trương cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến sâu tại KCN Bình Vàng, toàn bộ quặng khai thác, qua tuyển doanh nghiệp đưa cả vào đây, nay nhà máy đóng cửa, doanh nghiệp cũng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Khoáng sản, một thời là niềm tự hào của tỉnh khi sở hữu trong tay hàng trăm mỏ, điểm mỏ, có loại trữ lượng rất lớn. Cũng đã có thời, nhiều doanh nghiệp tranh giành nhau quyền sở hữu, khai thác mỏ, nhưng kinh tế khó khăn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá bán sản phẩm không đủ chi phí sản xuất khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào khai thác, chế biến Mangan giờ chỉ biết tiếc nuối một thời đã xa!

Bài, ảnh: Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị trực tuyến về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN&PTNT

BHG- Ngày 9.4, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm bàn các giải pháp, cơ hội và thách thức của ngành Nông nghiệp khi nước ta hội nhập quốc tế. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Tại điểm cầu Hà Giang có đại diện các ngành: NN&PTNT, Công thương và Tài chính…

10/04/2015
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh họp giao ban quý I và triển khai nhiệm vụ quý II

BHG- Ngày 9.4, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức họp giao ban quý I và triển khai nhiệm vụ quý II. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có các thành viên Ban đại diện HĐQT. 

10/04/2015
Trung Thành xóa nghèo bền vững nhờ phát huy nội lực sức dân

BHG - Với tiềm năng, lợi thế về đất đai cũng như giao thông thuận lợi để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; người nông dân chịu thương, chịu khó và có trình độ sản xuất nông nghiệp tiên tiến; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được người nông dân áp dụng hiệu quả, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mang lại thu nhập...

10/04/2015
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Agribank Hà Giang với Công ty TNHH MTV TM Tấn Long và Công ty TNHH TM ô tô Vina Hòa Bình

BHG- Ngày 8.4, Agribank Hà Giang đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV TM Tấn Long và Công ty TNHH TM ô tô Vina Hòa Bình. 

09/04/2015