Hằng... "Nông thôn mới"
BHG- Trước mắt tôi là cô gái có đôi mắt “biết nói”. Một thân hình mỏng tang nếu đặt lên cân có lẽ không nặng quá 40 kg. Tên cô gái là Lưu Thị Hằng, sinh viên thuộc Đội trí thức trẻ thuộc Đề án số 07/ĐA/TU về công tác tại xã Nà Chì (Xín Mần) từ tháng 3.2014. Nhiệm vụ chính được UBND xã giao cho Hằng phụ trách là huy động nhân dân xây dựng Nông thôn mới và kèm theo một số việc về công tác địa chính, giao thông, xây dựng... Có nghĩa, cô sẽ làm việc theo yêu cầu thực tiễn dưới sự điều động của chính quyền địa phương.
Thành tích của Hằng sau hơn 1 năm làm việc tại xã Nà Chì về công tác phối kết hợp với các đoàn thể, tổ, hội, trong xã vận động nhân dân xây dựng Nông thôn mới (NTM) được thống kê: Đã tham mưu và huy động nhân dân các thôn bản góp đất, góp công làm đường bê tông nông thôn được trên 7.900m. Trong đó, xi măng được sử dụng từ 2 nguồn vốn là nguồn vốn cấp từ Trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn vay tín dụng. Ngoài ra, còn tham mưu cho chính quyền địa phương tiết kiệm các nguồn để kiên cố hóa kênh mương được 426m dẫn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Kể từ tháng 12.2014 đến nay, bản thân Hằng phải kiêm nhiệm làm thêm công tác LĐTBXH giúp chị cán bộ chuyên trách của xã nghỉ chế độ thai sản... Chủ tịch UBND xã Nà Chì, Hoàng Thanh Đại xác nhận, Hằng là một cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết vì công việc chung.
Trò chuyện, Hằng cho biết: Kể từ khi tăng cường về xã Nà Chì phụ trách công tác Địa chính và phát triển kinh tế địa phương, cô đã dành nhiều thời gian học hỏi các cô, bác đi trước. Lăn lộn với công việc được giao và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trước tập thể, trước nhân dân. Hằng tâm sự: Kiến thức học được khi còn trên ghế nhà trường có được áp dụng vào thực tiễn mới là điều quan trọng. Để kiến thức đi vào cuộc sống cô đã học hỏi kinh nghiệm của các cô, bác đi trước và dành rất nhiều thời gian để học hỏi nhân dân xem họ cần gì, thiếu thứ gì. Dựa vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ban hành và nhu cầu thực tiễn để áp dụng linh hoạt, tránh cứng nhắc, tránh áp đặt. Hằng cho hay, nếu chỉ có “Ý Đảng” thôi, thì chưa đủ. Và nếu chỉ có “Lòng dân” thôi thì vẫn chưa hay.
Xin lấy một ví dụ: Nà Chì là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp mà lại huy động sức dân “quá đà” sẽ làm triệt tiêu nguồn lực tại chỗ trong dân và làm chậm công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Và nếu chỉ dựa vào sự đầu tư của Nhà nước để xây dựng NTM thì cũng không thể làm nổi bởi sự đầu tư của Nhà nước hiện nay còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Từ thực tiễn nêu trên “bắt buộc” phải có giải pháp thích hợp, đó là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thực tế triển khai xây dựng NTM ở Nà Chì cho thấy: Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp 4.788 ngày công để lấy cát sỏi, làm đường bê tông, hiến đất 21.090m2 xây dựng các công trình phúc lợi. Hết năm 2014, Nà Chì đã đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Một ví dụ nữa về phát huy lợi thế và thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế là việc chọn, tìm các loại cây, con, có giá trị kinh tế cao, thị trường đang cần để tập trung chỉ đạo sản xuất. Qua tìm chọn, Đảng bộ xã đã lấy cây chè làm cây kinh tế trọng tâm. Cuối năm 2014, xã Nà Chì đã ra mắt Làng nghề làm chè đặc sản thôn Bản Vẽ. Thời điểm này, mỗi cân chè “Đinh” được làm ra tại Làng nghề bán giá trên dưới 2 triệu đồng/kg. Chè sao 1 tôm, 2 lá, đặc sản bán ra từ 150 – 200 ngàn đồng/kg. Sự ra mắt làng nghề đã thúc đẩy phong trào trồng chè tập trung quy mô trang trại mỗi năm gần 50 ha, nâng tổng diện tích chè trong xã lên trên 700 ha. Hiện nay, cây quế dược liệu đang được trồng phổ biến trong các hộ lên tới 179 ha, trồng rừng, trồng thảo quả được mở rộng diện tích trong dân. Thời gian này cả xã Nà Chì ai có điều kiện về đất đai, lao động đều tập trung làm chuồng trại để chăn nuôi lợn đen, ai chưa đủ điều kiện thì tập hợp nhau lại cùng làm, cùng chia lợi nhuận. Hằng cho biết thêm, công việc của địa phương nhiều lắm. Hết mùa trồng cấy lại đến chăm sóc cây trồng. Thời gian nông nhàn lại đo đất, dẹp vườn, huy động nhân dân làm đường, tu sửa kênh mương. Vào thời điểm lúa ngô, đậu lạc vụ xuân bắt đầu trỗ hoa, kết trái lại phải bám dân, bám đồng, lo phòng trừ sâu bệnh, lo tiêm phòng gia súc, gia cầm. Thời gian còn lại hầu hết trong ngày cuối tháng 4 này cán bộ trong xã tập trung lo việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ, lo công tác an sinh xã hội lúc “tháng 3, ngày 8” để đồng bào yên lòng.
Chia tay, Hằng nói với tôi: Tuổi trẻ được học, được cống hiến, được thử sức mình ở một nơi đồng bào còn khó khăn là vinh dự và hết sức tự hào đối với sinh viên trẻ tình nguyện. Hy vọng, cô gái nhỏ bé có đôi mắt biết nói ấy sẽ đóng góp trí tuệ, công sức, cho sự thịnh vượng trên quê hương Nà Chì tươi đẹp vào một ngày không xa.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc