"Đòn bẩy" nâng cao chất lượng công tác khuyến nông
BHG- Sau hơn 2 năm kể từ khi Quyết định số 200 của UBND tỉnh ban hành Quy định về hỗ trợ công tác khuyến nông (KN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 đi vào cuộc sống, đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển KT – XH ở địa phương; thực sự trở thành “đòn bẩy” nâng cao chất lượng công tác KN và giúp người nông dân dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mô hình trồng ngô lai ở thị trấn Mèo Vạc được thực hiện thành công, mang lại cuộc sống ấm no cho nhà nông. |
Theo tìm hiểu, với việc quy định rõ ràng, cụ thể đối tượng cũng như phạm vi áp dụng và quản lý kinh phí, Quyết định 200, ngày 22.1.2013 của UBND tỉnh đã tạo sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai công tác KN. Năm 2014, với sự đổi mới hoạt động, nhất là công tác KN ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực trong việc luân canh, tăng vụ cây trồng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch và chương trình, dự án KN. Được biết, xác định mô hình trình diễn là phương pháp chuyển giao tiến bộ KHKT tới hộ nông dân nhanh nhất, để người dân áp dụng vào sản xuất đại trà, Trung tâm KN tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng thành công nhiều mô hình trình diễn. Trong năm 2014 đã triển khai 13 mô hình thuộc dự án khuyến nông T.Ư, 8 mô hình ở địa phương. Bên cạnh đó, Trạm KN các huyện, thành phố đã thực hiện chuyển giao các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, mô hình khảo nghiệm giống mới đến bà con nhân dân như: lúa lai, ngô lai, đậu tương, cải tạo vườn tạp, thanh long ruột đỏ, nấm rơm, mô hình trồng cỏ nuôi bò..., góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng chí Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm KN tỉnh cho biết: “Thực hiện theo Quyết định 200 của UBND tỉnh cũng như các văn bản quy định về cơ chế, chính sách KN của địa phương, đã góp phần làm cho chất lượng công tác KN thời gian qua có sự chuyển biến tích cực. Ngoài việc thực hiện thành công nhiều mô hình còn tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai”. Theo đó, công tác tập huấn cho nông dân được đổi mới cả về nội dung và hình thức tổ chức, gắn lý thuyết với thực hành; công tác triển khai mô hình được công khai đến toàn dân. Năm 2014, đã tổ chức tập huấn được 1.154 lớp với trên 43.000 lượt người tham gia. Phối hợp với các Công ty Vật tư nông - lâm nghiệp, giống cây trồng đưa vào trồng khảo nghiệm các giống ngô lai: CP501, CP333, CP301, B265, DK6919... mang lại hiệu quả cao. Từ kết quả thí điểm, đến nay một số địa phương trong tỉnh đã triển khai chương trình đầu tư có thu hồi. Kết quả các mô hình đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ dân nhận thức rõ hơn trong việc đầu tư thâm canh, bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát huy lợi thế trong sản xuất; thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống KN ngày càng được đổi mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất của từng địa phương. Chú trọng việc tập huấn gắn kết với việc xây dựng các mô hình trình diễn KN...
Có thể khẳng định, Quyết định 200 của UBND tỉnh đã tạo đà cho công tác KN trong việc thực hiện nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân. Những kết quả đạt được về công tác KN trong thời gian qua đang tiếp tục là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh tốc độ phát triển KT – XH, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc