Bắc Mê: Khi tiếng máy cày rộn ràng khắp đồng ruộng...
BHG- Gần 2.000 chiếc máy cày rộn ràng trên khắp đồng ruộng khi người nông dân bước vào mùa sản xuất, điều này không chỉ góp phần giải phóng sức kéo cho gia súc, tạo đà cho phát triển chăn nuôi hàng hóa mà còn là minh chứng thành công về việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê.
Những năm qua, thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT – XH, chủ trương chuyển đổi mùa vụ và các chương trình, đề án nông nghiệp trọng tâm, huyện Bắc Mê đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là tăng cường cơ giới hóa trong nông nghiệp để kịp thời làm đất, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi khung thời vụ, chủ động nguồn nước. Thực hiện chủ trương này, huyện Bắc Mê đã có cơ chế hỗ trợ người dân 50% giá máy cày, đặc biệt tại hai xã điểm xây dựng Nông thôn mới là Yên Định và Yên Phong để khuyến khích người dân tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, đã nâng hệ số sử dụng đất lên 1,6 lần, giá trị thu được bình quân trên 1 ha canh tác đạt 40,2 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 32.000 tấn; bình quân lương thực đầu người đạt trên 600 kg/năm; năng suất lúa bình quân đạt trên 55 tạ/hạ; cây ngô đạt trên 32 tạ/ha...
Người dân thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong đưa cơ giới hóa vào sản xuất. |
Có mặt tại cánh đồng thôn Nà Xá (Yên Định), mùa này lúa Xuân đang lên xanh tốt, những chiếc máy cày nằm im ngưng nghỉ chờ mùa gieo hạt sắp tới, anh Nông Thanh Phia, Bí thư Chi bộ thôn Nà Xá chia sẻ: “Toàn thôn hiện có hơn 20 cái máy cày, đến mùa vụ, phần lớn gần 50 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thôn đều được cày, bừa bằng máy; nhà nào không có máy thì đổi công cấy, hoặc trả tiền cho tổ dịch vụ nông nghiệp; nhờ có máy cày mà những chân ruộng kịp giữ được nước, người dân làm kịp với thời vụ, đặc biệt là những thửa ruộng vừa được dồn điền, đổi thửa trong năm nay, chiếc máy cày đã hoàn toàn thay thế cho việc cày bừa thủ công như trước. Cùng với việc áp dụng các biện pháp thâm canh, giống mới... những chiếc máy cày cũng giúp năng suất của cây ngô, cây lúa được nâng lên đáng kể”.
Bên cạnh những chiếc máy cày là sở hữu của người dân, thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, huyện Bắc Mê đã thành lập các tổ dịch vụ nông nghiệp tại các thôn bản, mỗi tổ dịch vụ có 2 – 3 máy cày, vào mùa vụ, những chiếc máy cày này phát huy hết công suất, giúp người dân gieo cấy kịp thời vụ.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Mê Lý Hải Vĩnh cho biết: “Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất những năm qua đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo người dân, đặc biệt là người dân ở những “vựa lúa” lớn của huyện như Minh Ngọc, Yên Định, Lạc Nông, Yên Phong, Minh Sơn. Tuy vẫn còn một số diện tích trên địa bàn huyện sử dụng chủ yếu sức kéo của gia súc do địa hình phức tạp, chân ruộng cao, phong tục tập quán của nhiều nơi... Nhưng với số lượng máy cày lớn ở trong dân như hiện nay, về cơ bản đã giải phóng được sức kéo cho gia súc, đẩy mạnh việc chăn nuôi gia súc hàng hóa; hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng Nông thôn mới và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc