Thông Nguyên chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản
BHG- Những năm qua, người dân trên địa bàn xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) khai thác lợi thế mặt nước ao, hồ, khe suối để phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Mô hình nuôi cá cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm của gia đình chị Hoàng Thị Chơn, thôn Nậm Lìn. |
Với lợi thế về địa lý, nguồn nước tự nhiên dồi dào, những năm gần đây, diện tích ao nuôi cá của xã ngày càng tăng, đã có nhiều hộ gia đình phát triển nuôi cá theo hướng hàng hóa, cho thu nhập ổn định. Hiện toàn xã có trên 10 ha ao nuôi, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm các loại, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho bà con nông dân. Để giúp người dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi thủy sản, hàng năm, xã phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT về phương pháp lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá; phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản...
Đến thăm mô hình nuôi cá của gia đình chị Hoàng Thị Chơn, thôn Nậm Lìn. Hiện gia đình chị có 3 ao nuôi với diện tích mặt nước trên 1.500m2. Được biết, diện tích ao này trước đây gia đình chị trồng lúa nhưng kém hiệu quả nên chị quyết định chuyển đổi sang đào ao thả cá. Trên diện tích ao nuôi của nhà mình, chị nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, mè... nhằm tận dụng tối đa tập tính của từng loài. Chị Chơn chia sẻ: “Nuôi cá cũng không khó và vất vả lắm, chỉ cần cho ăn đầy đủ và chú ý phòng bệnh là cá sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Mỗi năm, gia đình chị bán ra thị trường gần 3 tấn cá, trừ các chi phí cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng”. Với 1 ao cá rộng gần 500m2, gia đình anh Nguyễn Văn Chung, thôn Làng Giang đã đầu tư nuôi ghép các loại cá nhưng chủ yếu là cá trắm cỏ và rô phi đơn tính. Theo kinh nghiệm của anh, đối với cá trắm cỏ nếu nuôi trong vòng một năm trở lên có trọng lượng từ 1,5 – 2 kg, thức ăn cho cá, chủ yếu là cây chuối, lá ngô, sắn, cỏ... những phụ phẩm từ nông nghiệp sẵn có trong gia đình nên không tốn vốn đầu tư. Trừ các chi phí mỗi năm, ao của gia đình anh cho thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng. Anh Chung cho biết, làm nông nghiệp, ngoài trồng lúa và chăn nuôi, gia đình anh còn tận dụng mặt nước, đào ao thả cá. Nhờ áp dụng đúng cách chăm sóc và chủ động được nguồn nước, không bị ô nhiễm môi trường nước nên cá phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Đồng chí Vần Kim Đưởng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên cho biết: Xác định nuôi trồng thủy sản cũng là một trong những hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đem lại hiệu quả cao trong sản suất nông nghiệp. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ chuyển đổi những ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, để giúp người nông dân trên địa bàn xã tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương...
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc