Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp – "chìa khóa" nâng cao thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững:Kỳ II-Giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
BHG - Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, gắn chặt với tái cơ cấu ngành Công nghiệp và dịch vụ - thương mại, đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn. Tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, cơ cấu lại lao động, áp dụng khoa học công nghệ với kết cấu hạ tầng đồng bộ; sản xuất gắn với tiêu thụ trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng; người nông dân chính là chủ thể trong quá trình tái cơ cấu. Tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu; tranh thủ thu hút tối đa mọi nguồn lực, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên. Đối với vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn chặt với đảm bảo an sinh xã hội cho nông dân.
[links()]
Nông dân các huyện trong tỉnh tích cực chăn nuôi bò hàng hóa nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu bò vàng địa phương trong thời gian tới. |
Đối với vùng nông nghiệp động lực triệt để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn thị trường, đồng thời thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong quá trình sản xuất với phương thức sản xuất và quản lý tiên tiến. Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; tái cơ cấu nguồn lực đầu tư cho ngành Nông nghiệp và tái cơ cấu nguồn lực đầu tư trong nội bộ ngành Nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông, lâm nghiệp trên 6,6%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt khoảng 7.500 tỷ đồng; cơ cấu các lĩnh vực trong nông, lâm nghiệp (trồng trọt 49%; lâm nghiệp 10%; chăn nuôi 40%, dịch vụ nông nghiệp 1%); giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6% - 7%/năm. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường; nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến năm 2020, các hộ ở nông thôn cơ bản được sử dụng nước sạch, có công trình phụ hợp vệ sinh; rác thải cơ bản được thu gom và xử lý, các cơ sở sản xuất đều đạt tiêu chuẩn về xử lý chất thải. Nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 54,3% (2013) lên 60% vào năm 2020. Có trên 70% số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; xây dựng được vùng nông nghiệp chuyên sâu cây công nghiệp ngắn ngày (đậu tương); cây công nghiệp dài ngày (cam, chè, dược liệu); vùng chăn nuôi bò vàng địa phương...; xây dựng mỗi chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa là những liên kết kinh tế bền vững trong đó có doanh nghiệp là “đầu tàu”, hợp tác xã do nông dân làm chủ là vệ tinh, nòng cốt là hộ nông dân. Các chuỗi giá trị này khép kín từ khâu đầu vào - sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm...
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, tỉnh cũng có định hướng điều chỉnh, bổ sung và tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng các dự án ưu tiên và quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực và ngành hàng cụ thể như: Điều chỉnh quy hoạch sản phẩm (đậu tương, lạc) hàng hóa; xây dựng quy hoạch mới vùng phát triển sản phẩm cam, quýt; sản phẩm bò vàng Hà Giang; vùng phát triển lúa, ngô hàng hóa; nuôi ong. Trong năm 2015, tỉnh ưu tiên xây dựng dự án nuôi bò vàng địa phương với mục tiêu phát triển giống bò vàng địa phương, bảo tồn nguồn gen và nâng cao thể trạng và chất lượng sản phẩm thịt bò; thu hút doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến thịt bò, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn ẩm thực thu hút khách du lịch; chuyển một phần đất sang trồng cỏ kết hợp ứng dụng tiến bộ chế biến thức ăn dự trữ qua mùa Đông cho bò. Xây dựng dự án nuôi ong với mục tiêu phát triển đàn ong, tăng sản lượng mật ong và mở rộng chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc; thu hút doang nghiệp chế biến đa dạng các sản phẩm từ mật ong; bảo tồn vùng hoa bạc hà, kết hợp trồng Tam giác mạnh để nuôi ong và du lịch nông nghiệp... Thực hiện mỗi sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của nông dân gắn với thương hiệu các doanh nghiệp do doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu và quản lý liên kết. Hiện nay trong 15 sản phẩm mới chỉ có chè và mật ong về cơ bản đã hình thành nhãn hiệu, thương hiệu gắn doanh nghiệp cụ thể. Liên kết giữa những người sản xuất: Các hộ góp vốn, ruộng đất hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung thâm canh, quy mô lớn, tổ đội sản xuất, nhằm phát huy lợi thế trong ứng dụng cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhất là thực hiện tốt khâu tiêu thụ. Liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, theo hướng phát triển cả 3 loại hình: Quy mô lớn, vừa và nhỏ; ưu tiên hỗ trợ phát triển liên kết với sản xuất nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, vật tư, quy trình kỹ thuật), tổ chức đầu ra (thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm), đảm bảo phân chia hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Các vùng, địa phương có điều kiện tương đồng liên kết với nhau về sản xuất giống, công nghệ, đào tạo nhân lực... đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm có cùng lợi thế so sánh, tạo khối lượng hàng hóa lớn, đồng nhất về chất lượng, xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh. Thành lập các hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong sản xuất - kinh doanh. Tăng cường xã hội hóa đầu tư, nâng cao năng lực kinh tế tập thể; tập trung tạo bước chuyển mạnh mẽ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp; trước mắt, tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn: Giống, công nghệ cao, công nghệ sinh học, đổi mới công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (chè, dược liệu). Ưu tiên thỏa đáng cho công tác giống, đảm bảo chủ động nguồn giống có chất lượng cao, an toàn dịch bệnh cho phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, đồng nhất về chất lượng, kết nối với khu vực, xuất khẩu. Chuyển giao, nhân rộng công nghệ sản xuất giống lợn đen, bò, dược liệu, cam quýt; áp dụng công nghệ mô, hom sản xuất giống cây lâm nghiệp... Đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, quy trình sản xuất hiện đại, như: Chăn nuôi bò, ong...; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP; hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân, thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ cho các vùng sản xuất. Ưu tiên phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp liên kết phát triển sản xuất với người dân theo chuỗi sản phẩm. Ứng dụng công nghệ sinh học để chủ động kiểm soát dịch hại trên cây trồng, vật nuôi, chế biến nông sản và xử lý môi trường. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; tăng cường dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng sản xuất, công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp và ngành nghề nông thôn; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm...
Có thể nói với những giải pháp nêu trên, hy vọng rằng trong thời gian tới nền nông nghiệp của tỉnh sẽ có bước tiến vững chắc góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tiến tới xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc