Hội thảo chuyên đề về "Phát triển thương mại biên giới tạo động lực cho phát triển KT-XH tuyến biên giới đất liền của tỉnh Hà Giang"
BHG- Ngày 20.3, tại Hà Giang, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Phát triển thương mại biên giới tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền của tỉnh Hà Giang”. Dự hội thảo có đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất – Bộ Công thương; Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự Hội thảo còn có Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh và gần 60 đại biểu, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu tham dự hội thảo. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn bày tỏ lòng cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý thuộc các Bộ, ban, ngành Trung ương; các nhà khoa học và các chuyên gia thuộc các đơn vị nghiên cứu; lãnh đạo các doanh nghiệp ngoài tỉnh đã không quản ngại khó khăn để đến với Hà Giang vì một mục tiêu chung là tìm kiếm, tư vấn cho địa phương các cơ chế, giải pháp tối ưu trong phát triển thương mại biên giới nói riêng và KT-XH nói chung nhằm đưa Hà Giang phát triển nhanh, bền vững trên con đường hội nhập quốc tế.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới, có 277, 556 km tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Trao đổi xuất nhập khẩu hàng hóa được thông qua 1 cặp cửa khẩu quốc tế, 3 cặp cửa khẩu phụ và hệ thống 30 chợ biên giới, chợ cửa khẩu. Với lợi thế về địa chính trị - kinh tế, hoạt động thương mại biên giới được tỉnh Hà Giang xác định là một trong các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để phát huy, khai thác lợi thế, tỉnh Hà Giang đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình hành động về phát triển thương mại biên giới trên cơ sở vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách và quy định của Nhà nước về thương mại. Tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cặp cửa khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2014 đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD. Thông qua hoạt động thương mại biên giới đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân góp phần bảo đảm an ninh, chính trị tại khu vực biên giới, giữ vững chủ quyền Quốc gia và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Tại hội thảo đã có nhiều tham luận và tham gia ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý đề cập đến công tác đối ngoại, hoạt động thương mại biên giới của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng. Trong đó có nhiều tham luận đóng góp, gợi mở, định hướng cho sự phát triển kinh tế biên mậu tỉnh Hà Giang như: Tham luận của Vụ Quản lý quy hoạch Bộ Kế hoạch Đầu tư về “Huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Hà Giang phục vụ ba trụ cột kinh tế cơ bản trong điều kiện mới” gồm: Trụ cột 1: Phát triển công nghiệp có thế mạnh là khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim như sắt, chì kẽm, mangan, antimon, thiếc-vonfram; ngành công nghiệp thủy điện; ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm gắn với các sản phẩm địa phương. Trụ cột hai: Đẩy mạnh thương mại cửa khẩu. Trong quan hệ với Trung Quốc, Hà Giang có 1 cặp cửa khẩu quốc tế (Thanh Thủy - Thiên Bảo); 3 cặp cửa khẩu phụ (Phó Bảng - Đổng Cán; Xín Mần - Đô Long; Săm Pun - Điền Bồng) và 17 đường mòn. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy tạo ra động lực phát triển mới đối với Hà Giang thông qua phát triển quan hệ thương mại nhiều hình thức với Trung Quốc cũng như kết nối Hà Giang với các địa phương trong nước. Đây là cơ hội để đưa các sản phẩm có thế mạnh của Hà Giang ra nước ngoài trước hết sang thị trường Trung Quốc hay các lợi thế của Hà Giang có cơ hội để phát huy. Trụ cột 3: Mở rộng dịch vụ du lịch đa dạng. Hà Giang có công viên địa chất toàn cầu, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia. Ngoài ra, Hà Giang có nhiều lễ hội truyền thống và có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái với nhiều cảnh quan mang đặc trưng địa phương đang ở trạng thái nguyên sơ, chưa được khai thác. Tham luận của Vụ Thương mại biên giới và miền núi Bộ Công thương đưa ra những đề xuất chính sách phát triển thương mại biên giới cho tỉnh Hà Giang: Xây dựng hệ thống cửa khẩu xuất, nhập khẩu hàng hóa có đủ điều kiện và tương xứng với phía Trung Quốc; lựa chọn các thương nhân có đủ điều kiện, năng lực để tham gia kinh doanh thương mại biên giới; trao đổi với địa phương biên giới phía Trung Quốc để xây dựng và phát triển các cặp chợ biên giới giáp với Trung Quốc, tạo điều kiện cho cư dân mua bán, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy thương mại biên giới phát triển; tập trung phát triển các mặt hàng tiềm năng của tỉnh và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu và tham luận của các cục, vụ, viện Trung ương. Đa số các ý kiến đều cho rằng: Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh Hà Giang cần nghiên cứu xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn về phát triển KT-XH tuyến biên giới đất liền đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh và cụ thể hóa thành các đề án, chương trình, trong đó một trong những vấn đề cốt lõi là phát triển thương mại, dịch vụ nói chung và thương mại biên giới của tỉnh nói riêng. Mặt khác, cần tiếp tục rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện hành do tỉnh ban hành về phát triển thương mại biên giới. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đảm bảo phục vụ vận tải hành khách và các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp được thuận lợi. Cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) trong xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng; đơn giản hóa các thủ tục thông quan; có cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng nhanh kinh tế biên mậu; thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tăng cường phát triển liên kết vùng kinh tế, phối hợp liên kết giữa các địa phương trong vùng Đông Bắc và Tây Bắc, nhằm tận dụng phát huy các lợi thế và tiềm năng của Hà Giang và các địa phương trong vùng. Kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh với phát triển KT-XH tuyến biên giới đất liền thông qua các quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch dân cư, quy hoạch đô thị, giao thông, quy hoạch xây dựng, phát triển cửa khẩu, đường biên với quy hoạch, kế hoạch triển khai các công trình trọng điểm trong khu vực phòng thủ để bảo đảm thống nhất và tạo một thế trận liên hoàn trong phát triển KT-XH, gắn kết với đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc