BIDV Hà Giang - nhiều chính sách thu hút khách hàng
BHG- Theo nhận định của lãnh đạo BIDV Hà Giang, thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, BIDV Việt Nam có những gói giải pháp hỗ trợ về lãi suất, cho vay ưu đãi giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh nên đã tác động trực tiếp đến hoạt động của chi nhánh.
Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù, nền kinh tế của tỉnh còn khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp chưa thực sự phát triển, điều này dẫn đến việc tiếp cận khách hàng đáp ứng điều kiện tín dụng để cho vay, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa được nhiều, mức độ tăng trưởng đạt rất thấp. Nguyên nhân tác động trực tiếp do nền khách hàng trên địa bàn yếu, quy mô nhỏ, việc lựa chọn, tìm kiếm khách hàng mới để tăng trưởng tín dụng ngắn hạn đối với doanh nghiệp rất hạn chế... Những khó khăn, tác động trực tiếp đến hoạt động sớm được ban lãnh đạo BIDV Hà Giang nhận diện, từ đó đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch năm.
Trước hết, công tác huy động vốn luôn được BIDV Hà Giang chú trọng. Thông qua các hình thức như tăng cường quảng bá, tiếp thị, triển khai biện pháp về chính sách khách hàng, giới thiệu các loại sản phẩm tiền gửi huy động vốn; triển khai chương trình “tiết kiệm dự thưởng lộc Xuân may mắc” năm 2015... đã giữ được chân khách hàng truyền thống, đồng thời thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Việc triển khai đồng loạt các chương trình mang tính kích cầu, đã giúp BIDV Hà Giang huy động được 1.817 tỷ đồng trong Quý I. Trong đó, huy động dân cư đạt mức cao nhất 1.333 tỷ đồng, vốn huy động từ khách hàng doanh nghiệp đạt 91 tỷ đồng.
Đối với hoạt động tín dụng, BIDV Hà Giang đã bám sát, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về giới hạn, cơ cấu tín dụng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong quá trình cho vay, các khoản vay có tiềm ẩn rủi ro, phát sinh nợ xấu đều được phát hiện, đôn đốc và xử lý kịp thời nên nợ xấu luôn ở mức thấp, chiếm 0,16%/tổng dư nợ. BIDV Hà Giang cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, triển khai cho vay gói tín dụng 8 nghìn tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh 2 năm 2014 -2015 tới tất cả khách hàng cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện; cho vay gói tín dụng ưu đãi 4 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn dưới 6 tháng. Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng, BIDV Hà Giang luôn chủ động khai thác chương trình, tổng hòa lợi ích của khách hàng mang lại để đề xuất, tham mưu điều chỉnh chính sách cho vay phù hợp, kịp thời, nâng cao hệ số chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất mua vốn. Bên cạnh đó, chi nhánh luôn nỗ lực tìm kiếm khách hàng đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh để cho vay, phát huy nội lực làm nền tảng cơ sở tập trung cho vay bán lẻ, đảm bảo tuân thủ đúng quy chế, quy trình và chỉ đạo của cấp trên, triển khai các gói cho vay lãi suất ưu đãi, các gói hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh, tăng cường hoạt động bán lẻ tại chi nhánh. Kết thúc quý I, dư nợ tín dụng của BIDV Hà Giang đạt 1.450 tỷ đồng, trong đó tín dụng ngắn hạn 308 tỷ đồng, tín dụng trung dài hạn 1.142 tỷ đồng.
Một trong những cách làm tác động trực tiếp, luôn được BIDV Hà Giang quan tâm chính là việc phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền nội ngoại tỉnh. Chi nhánh thường xuyên quan tâm đến các thiết bị đường truyền, hoạt động của máy ATM, tiếp quỹ kịp thời. Ngoài ra, các dịch vụ thanh toán qua POS, IBMB, BIDVbusiness, Bankplus, VNTopup... được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thanh toán thuận lợi cho khách hàng, góp phần đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ những kết quả đạt được, quý II tới, BIDV Hà Giang phấn đấu dư nợ tín dụng đạt 1.530 tỷ đồng, huy động vốn bình quân đạt 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu trên, BIDV Hà Giang tiếp tục triển khai các biện pháp, giải pháp, kế hoạch kinh doanh phù hợp, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương; duy trì các sản phẩm tiền gửi với kỳ hạn và lãi suất đa dạng, tăng cường quảng bá, tiếp thị, giữ vững nền khách hàng và số dư huy động; thực hiện tốt chính sách khách hàng để duy trì khách hàng truyền thống, có lịch sử quan hệ tốt, đồng thời tiếp cận, thu hút khách hàng mới có năng lực tài chính; thực hiện đánh giá tình hình hoạt động của khách hàng để có giải pháp đầu tư vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ động tiếp cận các dự án của tỉnh để thẩm định, cho vay nhằm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc