"Ngân hàng" của nhà nông
Đàn Dê của gia đình anh Dương Văn Luận, thôn Nà Bó, xã Giáp Trung phát triển tốt nhờ nguồn vốn vay QHTND. |
Theo chân cán bộ HND huyện Bắc Mê, chúng tôi đến xã Giáp Trung, địa phương đang thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi dê sinh sản từ nguồn vốn vay của QHTND. Anh Dương Văn Luận, thôn Nà Bó, một trong những hộ được vay vốn thực hiện Đề án này, cho biết: “Nà Bó là địa phương còn rất nhiều khó khăn do trận lũ quét năm 2013 để lại. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn của QHTND, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong thôn có thêm nguồn lực phát triển chăn nuôi, khắc phục khó khăn từng bước nâng cao đời sống”.
QHTND Trung ương (T.Ư) được thành lập từ năm 1996, với mục đích hỗ trợ xây dựng và phát triển các chương trình, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện từng địa phương, giúp nâng cao đời sống cho các gia đình hội viên. Sau nhiều lần thay đổi, đến nay một dự án được QHTND duyệt và giải ngân có số vốn vay thấp nhất là 300 triệu đồng, tối đa mỗi hộ trong Dự án được vay 30 triệu đồng. Số tiền này trong năm 2015 sẽ được cân đối tăng lên tối đa 50 triệu đồng/hộ. Đối với mỗi dự án, tùy vào kết quả đánh giá tổng kết, sự thành công, hiệu quả sau khi kết thúc, QHTND có thể tiếp tục giải ngân thực hiện và nhân rộng trong các chi hội. Những năm trước, trên địa bàn tỉnh ta, QHTND hoạt động chủ yếu trên phương diện ủy thác vay vốn từ QHTND T.Ư. Tuy nhiên, từ năm 2012, thực hiện Đề án tăng cường hoạt động và hiệu quả của QHTND, UBND tỉnh đã Quyết định thành lập QHTND Hà Giang với đẩy đủ thành phần Ban quản lý từ cấp tỉnh đến huyện và có kinh phí riêng. Cho đến nay, ngân sách tỉnh đã cấp hơn 3 tỷ đồng cho Quỹ hoạt động. Tổng dư nợ vốn vay từ các nguồn của QHTND trên địa bàn tỉnh ta đạt trên 19 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, nhiều chương trình đã cho thấy sự hiệu quả. Trong đó, nguồn vốn QHTND T.Ư gần 6 tỷ đồng, vốn do tỉnh tự huy động trên 13 tỷ đồng. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế và báo cáo kết quả thực hiện dự án của HND các huyện, thành phố, nguồn vốn đến thời điểm này, QHTND cho vay đều được người dân sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả thiết thực. Anh Trần Quốc Lịch, Phó Ban điều hành QHTND tỉnh cho biết: “Phải khẳng định rằng các chương trình thực hiện từ nguồn quỹ đến nay đều đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế cho các gia đình và địa phương. Riêng Dự án chăn nuôi dê sinh sản ở Giáp Trung (Bắc Mê), từ 114 con ban đầu được vay vốn phát triển, chỉ sau 6 tháng, số dê này đã sinh sản thêm hơn 30 con. Ngoài ra, có thể kể đến các dự án thành công khác như Dự án may mặc trang phục dân tộc tại xã Phố Cáo (Đồng Văn) giải ngân tháng 12.2013, tính đến hết năm 2014, sản phẩm may mặc của các hộ sản xuất, tiêu thụ tăng lên 1,5 lần so với trước, mức thu nhập tăng lên đạt 8 triệu đồng/hộ/tháng. Hay như Dự án thâm canh cam sành tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang), giải ngân cho vay tháng 12.2013 đầu tư thâm canh 14,3 ha cam, theo các hộ đánh giá, ước tính năm nay năng suất đạt khoảng trên 10 tấn/ha. Đem lại thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ...”.
Sở dĩ các dự án, chương trình được thực hiện từ nguồn QHTND đạt được hiệu quả cao bởi dự án được duyệt, giải ngân phải trải qua nhiều lần xét của các cấp Hội. Khi đánh giá các hộ dân có đủ điều kiện thích hợp và tính khả thi cao QHTND mới giải ngân vốn. Đặc biệt, lãi suất khi vay từ nguồn QHTND theo quy định chỉ bằng tối đa 80% lãi suất của các ngân hàng thương mại. Thậm chí một số nguồn vốn như chương trình Bảo vệ rừng và xóa đói giảm nghèo của tỉnh khi cho vay chỉ có lãi suất bằng 50% lãi suất vay vốn Ngân hàng CSXH. Đây là động lực lớn giúp các hộ giảm gánh nặng trả lãi để yên tâm sử dụng đồng vốn. Ngoài ra, các dự án thường thực hiện theo nhóm hộ, lồng ghép các hộ đã có kinh nghiệm trong các lĩnh vực triển khai của dự án với các hộ mới lần đầu thực hiện để cùng trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau phát triển dự án, tăng khả năng thành công và hiệu quả. Hơn nữa, với mỗi dự án từ khi xét duyệt đến quá trình thực hiện luôn có sự kiểm tra, giám sát phối hợp thường xuyên của các cấp HND với chủ dự án và các gia đình, qua đó kịp thời nắm bắt và cùng tháo gỡ khó khăn khi triển khai...
Với những thành công từ các chương trình, dự án trong những năm qua, trong năm 2015, T.Ư HND và tỉnh ta sẽ tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho QHTND thực hiện các dự án. Đây thực sự là niềm vui đối với các hội viên nông dân khi được sự quan tâm từ các cấp và là điều kiện thuận lợi giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh có động lực phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo vươn lên làm giàu.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc