Mô hình rau an toàn ở thị trấn Việt Lâm mở ra hướng đi mới
HGĐT- Năm nay, nhiều hộ ở thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ trồng rau theo hướng an toàn VietGAP, điều mà lâu nay họ chỉ được biết trên đài, báo. Đó là kết quả mà Chi cục quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh phối hợp với thị trấn Việt Lâm triển khai 2ha mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) tại đây.
Chị Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, vụ Đông năm nay, thị trấn có trên 47ha trồng rau. Nhờ có thị trường tiêu thụ, nên ngày càng có thêm nhiều hộ trồng rau hàng hóa. Đến nay, thị trấn có 4 tổ chuyên thâm canh rau như tổ 7, tổ 8, tổ 10 và 11. Với mô hình trồng RAT lần đầu tiên được triển khai, được bà con rất nhiệt tình đón nhận. Trên cơ sở đó, thị trấn lựa chọn 10 hộ sản xuất rau có quy mô, kinh nghiệm tại tổ 7 để triển khai. Thông qua sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ nông nghiệp, đã tổ chức các quy trình như tập huấn kỹ thuật trồng RAT cho các hộ dân tham gia; hỗ trợ các hộ về giống gồm các loại như bắp cải, su hào, đỗ, bí... và 50% phân bón. Mô hình được triển khai từ đầu tháng 10 năm nay và đến thời điểm này, đã đem lại những kết quả khả quan cả về nhận thức sản xuất rau theo hướng an toàn cho người trồng. Chị Nga cho biết thêm, trên 2ha triển khai RAT năm nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch và nhiều diện tích đang sắp cho thu hoạch. Ở những diện tích đã thu hoạch xong, điều đáng mứng là mặc dù đã hết chính sách hỗ trợ, nhưng bà con vẫn tiếp tục duy trì quy trình trồng RAT, đó là điều rất đáng phấn khởi.
Mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn VietGAP ở tổ 7, thị trấn Việt Lâm.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Ánh Diện, một hộ tham gia mô hình trồng rau theo hướng an toàn VietGAP tại tổ 7, với diện tích trên 3.000m2. Chị Diện cho biết, năm nay rất phấn khởi khi có sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng mô hình RAT. Bản thân gia đình chị là một gia đình chuyên trồng rau, những năm qua đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình chị đã đưa rau vụ Đông từ đất vườn nhà ra đất ruộng, tận dụng, nâng cao hệ số sử dụng đất. Qua tuyên truyền, được biết quy trình sản xuất RAT không chỉ đảm bảo an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng mà còn mở ra một cách làm mới, hướng đi bền vững cho người sản xuất rau, đáp ứng xu hướng và thị hiếu người tiêu dùng. Cùng với gia đình tôi, các gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, gia đình ông Quách Văn Đỉnh..., cũng được hỗ trợ trồng RAT với những diện tích không nhỏ. Năm nay, đầu mùa thu hoạch, rau được giá nên các hộ rất phấn khởi.
Tuy nhiên qua tìm hiểu, được biết nhiều hộ ở tổ 7 cũng như nhiều hộ sản xuất RAT ở thành phố Hà Giang, huyện Quang bình cho rằng, dù rau được giá, nhưng giá sản phẩm RAT và rau thường bán ngoài chợ cũng tương đương nhau, thậm chí RAT có phần kém mã hơn rau thường do sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn, không bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích bừa bãi. Trên cơ sở đó, các hộ trồng rau mong muốn, để mô hình trồng RAT ở thị trấn Việt Lâm và các nơi khác được nhân rộng, mở ra hướng đi mới bền vững, cần phải có sự hỗ trợ của các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, địa chỉ sản xuất RAT, để người dân có nhận thức đầy đủ và ủng hộ người trồng RAT.
Ý kiến bạn đọc