Cuộc sống mới “gõ cửa” những “ngôi nhà 33” trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì
HGĐT- 132 hộ dân xuống núi, định canh định cư tập trung ở thôn Cán Chỉ Dền, xã Tụ Nhân và xen ghép xã Pố Lồ, Thèn Chu Phìn, Bản Luốc đã có cuộc sống ổn định. Với sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước, cùng tính chủ động từ mỗi người dân, nơi ở mới thuộc vùng dự án ổn định dân cư tập trung, xen ghép theo Quyết định 33/TTg đã thực sự tốt hơn chốn cũ.
Năm 2011, anh Lương Xuân Dìn, thôn Cán Chỉ Dền đã quyết định hạ sơn. Việc di chuyển cả nhà xuống núi được xem là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới cho mỗi thành viên trong gia đình. Bao năm sống cheo leo trên sười núi, cuộc sống tự cung tự cấp đã ngấm vào máu, duy trì qua nhiều thế hệ, hạt gạo làm ra, nuôi được con gà, con lợn muốn mang xuống chợ trao đổi cũng khó bởi đường đi không thuận. Cuộc sống quanh quẩn trên núi, ít giao tiếp, không được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, cây lúa trồng không năng suất, chăn nuôi cũng chẳng được bao nên gia đình anh luôn nằm trong diện đói nghèo. Chuỗi ngày vất vưởng lưng chừng núi tưởng sẽ duy trì cho những thế hệ tiếp theo, nhưng khi Đảng, Nhà nước triển khai chương trình định canh, định cư tập trung thôn Cán Chỉ Dền, gia đình anh là một trong số những hộ dân nghèo được hưởng lợi từ dự án.
Với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, anh quyết định từ bỏ cuộc sống trên núi cao, xuống định cư gần đường giao thông. Số tiền Nhà nước hỗ trợ 22 triệu đồng, anh dùng san nền nhà, mua vật liệu, đóng gạch xi - măng dựng ngôi nhà 3 gian vững chãi. Ngày vào nhà mới, anh mổ hẳn con lợn to, đón người dân trong bản đến chung vui, ai cũng mừng, hy vọng chuỗi ngày khó khăn qua mau, cuộc sống mới nhanh về với gia đình anh Dìn. Chúng tôi đến gia đình anh Dìn vào một ngày đầu tháng 12, hàng chục bao thóc thu được từ những thửa ruộng bậc thang đã khô, xếp đầy trong nhà. Xung quanh nhà, khu chuồng trại chăn nuôi cũng được dựng vững chắc, gà, lợn, trâu bụng luôn căng tròn, no ấm. Mời khách chén trà xanh, ngát hương thơm, niềm vui hiện rõ qua ánh mắt, nụ cười của mọi thành viên trong gia đình. Anh Dìn là người vui nhất, quyết định đưa cả gia đình xuống núi đã đúng, từ ngày hạ sơn, cuộc sống gia đình có nhiều thay đổi. Ngôi nhà dựng gần đường lớn, đi bộ nhoáng cái đến chợ huyện; con lợn, con gà nuôi được đã có thương lái hỏi mua tại chuồng. Ngoài hỗ trợ tiền làm nhà, gia đình anh còn được tuyên truyền, tập huấn, vận động ứng dụng kiến thức mới vào trồng lúa, chăn nuôi. Vẫn diện tích canh tác ấy, nhưng năng suất cao hơn; vẫn giống lợn, gà mang từ trên núi về đã nhanh lớn hơn, ít mắc dịch bệnh... cuộc sống khấm khá từng ngày.
Không chỉ gia đình anh Dìn, qua khảo sát của cơ quan chức năng huyện Hoàng Su Phì, các hộ nghèo được hưởng lợi từ chương trình bố trí, quy tụ, ổn định dân cư tập trung, xen ghép theo Quyết định 33/TTg cơ bản có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình đang có “của ăn, của để”... Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, mảnh đất Hoàng Su Phì không có nhiều lợi thế phát triển KT-XH, trong khi đó địa hình phức tạp, địa chất chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt, tập quán canh tác của đại bộ phận người dân, nhất là đồng bào sống trên núi cao lạc hậu nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư cho người dân, nhưng do đồng bào sống phân tán nên chưa được thụ hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách. Chính vì vậy, chủ trương quy tụ dân cư của Đảng, Nhà nước được người dân tích cực hưởng ứng, chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc và đang phát huy tính tích cực.
Triển khai chương trình ổn định dân cư, đến nay Hoàng Su Phì có 132 hộ được hưởng lợi, trong đó có 50 hộ sống tập trung tại thôn Cán Chỉ Dền, 82 hộ sống xen ghép tại xã Pố Lồ, Thèn Chu Phìn và Bản Luốc. Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tập trung thôn Cán Chỉ Dền có tổng mức đầu tư trên 20 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng hạ tầng cơ sở trên 18,5 tỷ đồng, 1,1 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp các hộ dân, 294 triệu đồng hỗ trợ đầu tư cộng đồng... Sau 5 năm triển khai, tổng vốn kế hoạch giao trên 6,7 tỷ đồng, đã hoàn thành hỗ trợ dựng nhà cho 50 hộ dân. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hạ tầng mới bố trí trên 5,6 tỷ đồng nên hầu hết các hạng mục như đường giao thông nội vùng, đường điện 35KV, trạm biến áp, đường dây 0,4kv, hệ thống cấp nước sinh hoạt cụm dân cư... đều bị bỏ dở, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân nơi định cư mới. Đối với Dự án sắp xếp dân cư theo hình thức xen ghép tại xã Bản Luốc, Pố Lồ, Thèn Chu Phìn, 82 hộ gia đình được hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng san nền, dựng nhà... Qua kiểm tra cho thấy, việc triển khai được thực hiện đúng mục tiêu, phát huy hiệu quả, người dân có cuộc sống tốt hơn trước.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Bá Việt, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì cho biết: Nhằm triển khai hiệu quả chương trình bố trí, quy tụ, ổn định dân cư theo Quyết định 33/TTg, Phòng Dân tộc đã sớm chủ động tham mưu UBND huyện tổ chức thực hiện đúng tiến độ. Các nguồn vốn UBND tỉnh giao hàng năm được tổ chức thực hiện hiệu quả, không tồn đọng. Các dự án ổn định dân cư, được triển khai trực tiếp đến đồng bào nghèo nên nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân. Người dân vùng dự án đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Ý kiến bạn đọc