Công nghiệp khai khoáng - bao giờ qua cơn bĩ cực (!)
HGĐT- Hàng loạt dự án khai thác khoáng sản đã buộc phải tạm đóng cửa, hoặc sống thoi thóp... khiến lĩnh vực công nghiệp thế mạnh của tỉnh gần như rơi vào tình trạng “đóng băng”. Giá bán khoáng sản xuống mức thấp nhất 5 năm trở lại đây, trong khi đó thuế tài nguyên hiện vẫn áp dụng mức thu được xây dựng từ năm 2012, khiến doanh nghiệp đã khó lại cùng quẫn hơn!
Điệp khúc... đóng cửa:
Đầu tháng 10 vừa qua, thông tin Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông (Công ty An Thông) - con chim đầu đàn trong lĩnh vực khai khoáng đóng cửa vô thời hạn mỏ sắt Tùng Bá và Nhà máy tinh quặng sắt Vị Xuyên khiến nhiều người hết sức ngỡ ngàng. Nhưng giới thạo nghề cho rằng, đóng cửa là quy luật khó tránh, cầm cự được đến thời điểm hiện tại phải có sự hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị thành viên Tập đoàn Hòa Phát, bởi lẽ giá khoáng sản đã rớt thảm hại. Không dừng lại, cuối tháng 11 Công ty An Thông tiếp tục thi hành quyết định khó - tạm dừng hoạt động Nhà máy quặng sắt vê viên Bình Vàng. Nguyên nhân được ban lãnh đạo đưa ra, ngoài việc đã hoàn thành chỉ tiêu sản xuất 2014 đăng ký với Tập đoàn Hòa Phát, nhưng yếu tố quyết định do giá “người nhà” mua cho nhau đang cao hơn thị trường, hiện không thể bao cấp được nữa.
Nhà máy tinh quặng sắt Vị Xuyên - Công ty An Thông đã ngừng hoạt động từ nhiều tháng nay.
Cùng chung thảm cảnh, công trường khai thác quặng Mangan Đồng Tâm (Bắc Quang) của Công ty TNHH Sơn Lâm cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Thời huy hoàng, khai trường luôn nhộn nhịp với gần trăm lao động, hệ thống máy móc hùng hậu hoạt động tấp nập 24/24 giờ. Nhưng hiện chỉ còn vài công nhân làm công tác bảo vệ, bảo dưỡng máy móc, tinh quặng Mangan đổ đống cao như núi. Ông Phạm Công Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Lâm đưa chúng tôi đi thực tế khai trường và cho biết, lượng quặng tồn kho có giá trị trên 30 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương cung cấp nguyên liệu cho KCN Bình Vàng, doanh nghiệp chỉ tổ chức hoạt động khai thác, tuyển tinh quặng và bán sản phẩm đầu vào cho các nhà máy chế biến sâu. Năm 2013, doanh nghiệp cũng ký kết được hợp đồng cung ứng nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất Feromangan và Silicomangan của Tập đoàn công nghiệp Tây Giang. Tuy nhiên, nhà máy này liên tục trì hoãn thời gian đốt lò, sản lượng thu mua nhỏ giọt, tiền cũng chậm thanh toán. Ông Nhân cho biết thêm, dù sản phẩm tồn kho lớn, nhưng doanh nghiệp vẫn gắng gượng duy trì hoạt động, nhằm giải quyết việc làm cho 80 lao động địa phương. Nhưng gần đây, mọi nỗ lực dường như vượt ngoài tầm kiểm soát khiến doanh nghiệp phải tạm đóng cửa khai trường.
Các doanh nghiệp chế biến sâu khoáng sản dừng hoạt động, chậm đốt lò đã đẩy nhiều nhà cung cấp nguyên liệu rơi vào cơn bĩ cực. Ông Bùi Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Sơn cho biết, chủ trương cung cấp nguyên liệu cho KCN Bình Vàng được doanh nghiệp chấp hành nghiêm. Nếu các nhà máy chế biến sâu hoạt động, thu mua ổn định sẽ giảm rất nhiều chi phí cho nhà thầu cung ứng nguyên liệu. Nhưng từ năm 2012 đến nay, Công ty TNHH Đức Sơn chưa bán được tấn tinh quặng sắt nào cho Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang khiến lượng quặng tồn kho có lúc lên tới hàng vạn tấn. Cũng may, sản phẩm của doanh nghiệp được Công ty An Thông thu mua nên giảm phần nào áp lực. Thời gian gần đây, Công ty An Thông đóng cửa các nhà máy, khiến hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Đức Sơn cũng sập theo.
Cần liều thuốc “tăng lực”:
Công nghiệp khai khoáng thuộc nhóm ngành thế mạnh, được tỉnh rất kỳ vọng và nó luôn có đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách. Nếu như giai đoạn 2005-2010, các doanh nghiệp khai khoáng chỉ đóng góp hơn 47 tỷ đồng cho ngân sách, thì giai đoạn 2010-2015 đã tăng lên trên 748 tỷ đồng. Và nếu như cả năm 2013, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nộp trên 110 tỷ đồng tiền thuế, thì năm 2014 riêng Công ty An Thông nộp ngân sách khoảng 130 tỷ đồng. Thế nhưng, những tín hiệu vui, lạc quan nhanh chóng qua đi, thay vào đó, gam màu xám nặng nề đang bao chùm toàn bộ hoạt động ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh.
Các chuyên gia khoáng sản khẳng định, chưa khi nào giá xuất khẩu tinh quặng thấp như hiện nay. Không chỉ riêng thị trường Việt
Nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu với thế giới, chỉ một tác động nhỏ trên sân chơi quốc tế cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền sản xuất trong nước. Và các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn bởi công nghệ lạc hậu, môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp... khiến chi phí sản xuất đội lên rất lớn. Các doanh nghiệp khai khoáng hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng không nằm ngoại lệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, nhưng họ còn đang phải đóng rất nhiều loại phí, thuế chồng thuế - đại diện Công ty An Thông chia sẻ. Lý giải điều này, ông Trần Đình Dũng, Phó Giám đốc Công ty An Thông cho rằng, giá tính thuế tài nguyên hiện áp dụng theo mức quy định từ năm 2012. Thời điểm đó, thị trường đang sôi động, giá quặng trong nước và khu vực rất cao, hiện nay thị trường đìu hiu, giá bán giảm xuống dưới mức 50% nhưng tỉnh chưa xem xét điều chỉnh theo Thông tư 105/2010/TT-BTC.
Trước diễn biến xấu của thị trường, các doanh nghiệp khoáng sản đồng loạt kiến nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cách tính thuế tài nguyên khoáng sản. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất điều chỉnh giá cho phù hợp với thời điểm hiện tại. Nhưng chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền được thực thi rất chậm, khiến UBND tỉnh phải có văn bản đôn đốc. Trong thời buổi thị trường khó khăn, rất mong các ngành chức năng quan tâm, sớm điều chỉnh cho phù hợp để tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp, cũng như ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc