Triển khai nhiều giải pháp, khơi thông nguồn vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
(Phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh Hà Giang tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII)
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 cho thấy: Vốn đầu tư cho nền kinh tế trong 9 tháng năm 2014 tăng 10,3% so với cùng kì (833,9 nghìn tỷ đồng), trong đó: Vốn tín dụng Ngân hàng cho nền kinh tế tăng trưởng 7,26%, tốc độ tăng tín dụng đã có những cải thiện đáng kể, dự kiến cả năm tăng 12-14% theo kế hoạch.
Liên quan đến vấn đề vốn phục vụ phát triển kinh tế thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, quyết liệt để tháo gỡ, khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, mặt bằng lãi suất đã giảm nhanh và mạnh, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, vấn đề về lãi suất không còn là cản trở trong đầu tư vốn cho nền kinh tế. Vốn tín dụng Ngân hàng cũng đã tập trung hướng tới 5 lĩnh vực ưu tiên và nhiều chính sách đã được đề xuất triển khai, nhằm hỗ trợ các lĩnh vực thế mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn tiếp tục khó khăn, sự phục hồi dù đã có chuyển biến song vẫn còn chậm. Do vậy, trong thời gian tới, để góp phần tăng cầu tín dụng, đạt mục tiêu tăng trưởng 12-14% năm 2014, ngoài những nỗ lực của bản thân ngành Ngân hàng, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ, nhằm tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế; các doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, nỗ lực trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; các cơ chế hỗ trợ khách hàng vay vốn như: Cơ chế bảo lãnh vay vốn, Nghị định 41/CP về cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân và Nghị định 210/2013/CP ngày 19.12.2013 hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải được rà soát, điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn đặt ra. Các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân được tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn Ngân hàng, nhất là vốn tín dụng ưu đãi cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Bên cạnh chính sách lãi suất, ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt, nhiều giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng, nhờ đó đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn Ngân hàng với lãi suất hợp lý, góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn. Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và Ngân hàng.
Tuy nhiên, chỉ với những cố gắng của ngành Ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế đòi hỏi cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc phục hồi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản,... Nếu các giải pháp nêu trên không được triển khai đồng bộ thì việc xử lý nợ xấu không triệt để và không đạt kết quả như mong muốn.
Ý kiến bạn đọc