Tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh
HGĐT- Nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm là một trong những yếu tố quan trọng cho những mô hình trang trại, đặc biệt đối với chăn nuôi của người dân ở tỉnh ta hiện nay. Xác định rõ tầm quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo cho người dân; trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bà con nông dân Mèo Vạc thu hoạch cỏ chăn nuôi.
Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh đã tác động lớn giúp các hộ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để chăn nuôi ngày càng phát triển thì việc mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm một vị trí rất quan trọng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp -PTNT cho biết: Với tiềm năng thế mạnh về diện tích, năng suất và sản lượng của cây ngô và đậu tương cho thấy, tỉnh ta là vùng có tiềm năng để phát triển nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong 3 loại cây trồng chính có diện tích và sản lượng chiếm ưu thế là cây lúa, ngô và đậu tương thì cây ngô có vị trí quan trọng về cả diện tích và sản lượng. Tuy nhiên do điều kiện canh tác, sản xuất của người dân chủ yếu là hình thức quảng canh, do đó năng suất còn thấp. Để đảm bảo nguồn thức ăn lâu dài và ổn định cho chăn nuôi gia súc, gia cầm; ngành Nông nghiệp – PTNT đã tham mưu cho tỉnh có những chủ trương để phát triển 3 loại cây trồng trong giai đoạn tới đó là: đưa tỷ lệ trồng ngô lai chiếm 90% diện tích, tỷ lệ thâm canh 90%, đưa năng suất bình quân đạt 40 tạ/ha; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ngô hàng hóa tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ với diện tích thành hàng hóa khoảng trên 15.000 ha. Tuy nhiên đối với cây ngô, khó khăn nhất là đầu ra sản phẩm, vì vậy sẽ khuyến khích thành lập HTX thu mua, chế biến; mỗi HTX sẽ được phân một vùng nguyên liệu khoảng 500 ha và mỗi vùng nguyên liệu sẽ hình thành nhiều tổ, nhóm sản xuất ngô hàng hóa. Đối với cây đậu tương tiếp tục ổn định diện tích khoảng 23.000 ha, tại 7 huyện và phân thành 2 vùng liên kết, vùng 1 gồm 4 huyện vùng cao phía Bắc và Bắc Mê, vùng 2 gồm 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần...
Song song với các mục tiêu trên tỉnh cũng ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, trong đó có hỗ trợ chương trình sản xuất ngô hàng hóa. Các tổ chức thực hiện cung ứng giống, vật tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm được hõ trợ 50% lãi suất tiền vay tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong vòng 2 năm, với định mức lúa 4,5 triệu đồng/ha, ngô 5,5 triệu đồng/ha. Đối với cây đậu tương, thực hiện đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa tập trung tại tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh đã ban hành một số chính sách về vốn đầu tư như: Đối với 2 trung tâm có nhiệm vụ sản xuất giống tại chỗ được vay 3,6 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước không phải trả lãi trong vòng 1 năm; đối với các hộ thực hiện thâm canh năm 2011 được vay 3 triệu đồng/ha, kể cả kinh phí mua giống, thời gian vay 6 tháng, hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian vay. Từ năm 2012 trở đi định mức vay thâm canh là 2 triệu đồng/ha để đầu tư phân bón.
Ý kiến bạn đọc