Nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư
HGĐT- Từ năm 2011 đến nay, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 57 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 6.440 tỷ đồng. Số vốn đăng ký đầu tư của các dự án tăng dần hàng năm (cả năm 2011 là 1.730 tỷ đồng trong khi 9 tháng đầu năm nay là 2.770 tỷ đồng). Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh được đánh giá tốt.
Các dự án thủy điện trên địa bàn đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh.
Trong ảnh: Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5.
Xác định công tác xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, do đó, những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện công tác quy hoạch ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực và sản phẩm thế mạnh. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch một số lĩnh vực trọng tâm như: Quy hoạch xây dựng đô thị, xây dựng Nông thôn mới; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển du lịch; quy hoạch công nghiệp; quy hoạch chung khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy; quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn; quy hoạch khu công nghiệp Bình Vàng và cụm công nghiệp Nam Quang... Việc quy hoạch đã cụ thể hóa được quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế của tỉnh theo từng ngành, địa phương, qua đó “rộng đường” cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước tìm hiểu, quyết định đầu tư vào tỉnh. Đi đôi với công tác quy hoạch, tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực dần hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Trong đó, đặc biệt ưu tiên vốn hoàn thiện mạng lưới đường giao thông, trọng tâm là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường dẫn lên các cửa khẩu... Hoàn thiện hệ thống đường giao thông không những là điều kiện thu hút các nhà đầu tư mà có ý nghĩa rất lớn trong phát triển du lịch, nhất là du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Một trong những nội dung quan trọng trong đổi mới môi trường đầu tư phát triển đó là công tác cải cách thủ tục hành chính. Để thực hiện tốt công tác này, tỉnh triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Đồng thời ban hành nhiều quy định, chương trình hành động về cải cách thủ tục hành chính. Các cấp, các ngành thực hiện công khai, minh bạch quy trình, trình tự hồ sơ, thủ tục giải quyết công việc của tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong việc quan hệ với cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN) để giải quyết công việc. Thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan HCNN các cấp. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 14/22 sở, ngành của tỉnh và 100% huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa. Trong đó Sở Kế hoạch – Đầu tư thực hiện một cửa liên thông với các cơ quan chức năng; thành phố Hà Giang, huyện Bắc Quang, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình một cửa điện tử. Gắn với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển công nghệ thông tin (CNTT) bởi xác định đây là yếu tố quan trọng giúp quá trình giải quyết công việc ở các ngành, các cấp nhanh chóng, thuận tiện, chính xác. Tỉnh tập trung chỉ đạo, xây dựng cơ chế, chính sách và ban hành quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan HCNN. Thành quả đạt được là chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển CNTT trong hoạt động của cơ quan HCNN trên địa bàn có sự tăng trưởng đột phá (năm 2011, chỉ số xếp hạng 62/63 tỉnh, thành phố, năm 2014 chỉ số xếp hạng 15/63 tỉnh, thành phố). Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT giúp cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết công việc, đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư ngay từ bước đầu tìm hiểm đầu tư vào tỉnh...
Những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương gắn với việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hạn chế, các cấp, ngành trong tỉnh chủ động vận động, thu hút các nguồn vốn ODA, vay vốn ưu đãi của các nhà tài trợ. Từ năm 2011 đến nay đã tiếp nhận và ký kết hiệp định vốn ODA tại 25 chương trình, dự án của các nhà tài trợ với tổng số vốn trên 213 triệu đô la Mỹ (trên 4.470 tỷ đồng). Tỉnh cũng xây dựng, triển khai các chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Thường xuyên đăng tải thông tin, chính sách đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm bàn giải pháp, thu hút các nhà đầu tư. Nổi bật như Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển” tại Hà Nội tổ chức năm 2011. Trong khuôn khổ Hội thảo ký kết hợp tác tài trợ với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn cũng như trao Giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án trọng điểm như: Ký kết hợp tác tài trợ của Tập đoàn Hoà Phát với huyện Hoàng Su Phì và Tập đoàn Bitexco với huyện Mèo Vạc; trao Giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy vê viên tinh quặng sắt của Công ty CPĐT Khoáng sản An Thông, Nhà máy luyện Fromangan của Công ty Tây Giang; Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Sông Miện. Đến nay, chương trình hợp tác và các dự án đầu tư đã thành hiện thực, đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh. Mới đây nhất, tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2014 với sự tham gia của trên 400 đại biểu. Tại hội nghị có 9 dự án được đầu tư với số vốn trên 3.600 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, việc quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh kết hợp với việc giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giúp tỉnh ta thu hút được nhiều dự án, nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận việc đổi mới môi trường đầu tư vẫn còn những yếu kém cần được khắc phục. Cụ thể là ở một số cơ quan, việc cải cách hành chính chưa triệt để và hoàn thiện, cơ chế một cửa chưa được quan tâm. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn và đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư, do đó hoạt động đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế... Kết quả đạt được, tồn tại hạn chế rút ra trong công tác đổi mới môi trường đầu tư phát triển trong những năm qua giúp tỉnh nhìn nhận đúng đắn hơn để triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới môi trường đầu tư phát triển trong những năm tới.
Ý kiến bạn đọc