Chuyện thật... như đùa (!)

07:16, 12/11/2014

HGĐT- Chủ đầu tư phải năn nỉ, thậm chí còn nịnh để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, dù dự án đã chậm cả năm so với hợp đồng ký kết; nhà thầu bị chủ đầu tư... “trảm” vẫn không chịu rút quân, còn đưa thêm máy móc, nhân lực chiếm giữ công trường... Những chuyện tưởng như đùa, nhưng lại có thật, đang xảy ra ở hai tuyến đường được đầu tư bằng nguồn vốn JICA Nhật Bản.



Đường Trung Thành - cầu Tân Quang chưa hoàn thành, nhưng máy móc của nhà thầu thi công vẫn nằm im bất động.

“Trảm” cũng mặc (!)

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Sở GT-VT đã ban hành Quyết định bổ sung nhà thầu thi công, xây lắp gói thầu số 3 thuộc Dự án đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường từ ngã 3 Ngọc Linh - Linh Hồ đi xã Phú Linh (Vị Xuyên) do quá thời hạn quy định nhưng vẫn chưa hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Dự án này nằm trong danh mục Chương trình tín dụng chuyên ngành JICA SPL VI, ký ngày 10.11.2009 giữa Chính phủ Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA. Công trình có chiều dài trên 13,8km, tổng dự toán được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh trên 36,5 tỷ đồng, trong đó vốn JICA trên 13 tỷ đồng, vốn đối ứng trên 23,7 tỷ đồng, Sở GT-VT làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần đầu tư (CPĐT) Thăng Long trúng thầu thi công.


Nguyên nhân phải bổ sung nhà thầu được chủ đầu tư nêu rõ: Căn cứ Hợp đồng xây dựng số 32/HĐ-XD ký ngày 15.10.2010 giữa Ban quản lý Dự án công trình giao thông (Sở GT-VT) với Công ty CPĐT Thăng Long về việc giao, nhận thầu xây lắp công trình cải tạo, nâng cấp đường từ ngã 3 Ngọc Linh - Linh Hồ đi xã Phú Linh; Phụ lục hợp đồng số 46/PLHĐ-XD ngày 09.12.2010 và 34/PLHĐ-XD ngày 16.12.2013 thỏa thuận khởi công ngày 15.10.2010 đến hết ngày 30.6.2014 hoàn thành, bàn giao, đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm chủ đầu tư quyết định bổ sung nhà thầu phụ, Công ty CPĐT Thăng Long mới mở được 13/13,8km nền đường, xây 2/3 cầu bản, 55/70 cống, rải nhựa mặt đường 10,5km... đạt 75% khối lượng.


Quyết định bổ sung nhà thầu phụ yêu cầu, Công ty CPĐT Thăng Long lập hồ sơ hoàn công, xác định khối lượng hoàn thành đoạn km11-km13+800 và cầu bản km4+228,99 làm cơ sở bàn giao, thanh quyết toán trước ngày 05.10.2014. Nếu quá thời hạn trên, Công ty chưa giao nộp hồ sơ hoàn công, Ban quản lý Dự án, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế... sẽ đơn phương xác định khối lượng còn lại, bàn giao nhà thầu thi công mới. Văn bản chỉ đạo của chủ đầu tư ban ra, nhưng Công ty CPĐT Thăng Long vẫn... phớt! Bằng chứng là, từ ngày “chiếu chỉ” có hiệu lực đến nay, nhà thầu này vẫn rải quân, bố trí máy móc trên công trường, không tiến hành lập hồ sơ hoàn công, không bàn giao mặt bằng. Sự việc trên đã đẩy nhà thầu phụ - Công ty TNHH Trường Việt vào tình trạng đi không được, ở cũng chẳng xong.


Ngay khi được Sở GT-VT chọn, với yêu cầu tập trung máy móc, nhân lực thi công gói thầu, đảm bảo tiến độ, bàn giao trước ngày 31.12 tới, Công ty TNHH Trường Việt đã đưa máy móc vào công trường. Thế nhưng, từ ngày đó đến nay, máy móc chưa một lần khởi động, công nhân không có việc để làm. Trao đổi với chúng tôi, một vị đại diện chủ đầu tư cho biết: Quyết định bổ sung nhà thầu phụ của Sở GT-VT là văn bản có giá trị pháp lý, các bên liên quan phải nghiêm túc thực hiện. Thế nhưng, Công ty CPĐT Thăng Long đang chống lệnh, cố tình không bàn giao phần việc còn lại cho nhà thầu phụ. Sự việc này nếu không sớm được giải quyết, sẽ tiếp tục đẩy dự án vào tình trạng chậm tiến độ. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chương trình và uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ, ảnh hưởng uy tín của tỉnh với T.Ư.


Chủ đầu tư bất lực (?)

Ngoài tuyến đường trên, Công ty CPĐT Thăng Long còn trúng thầu thi công tuyến đường Trung Thành - cầu Tân Quang (Bắc Quang) do UBND huyện Vị Xuyên làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài trên 17km, được thi công bằng nguồn vốn kết dư Chương trình tín dụng chuyên ngành JICA SPL V (Nhật Bản) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt trên 27,7 tỷ đồng, dự toán do chủ đầu tư duyệt trên 26,9 tỷ đồng, trong đó vốn JICA 20 tỷ đồng. Công ty CPĐT Thăng Long trúng thầu thi công với giá trị trên 21,2 tỷ đồng.


Công trình thi công tuyến đường Trung Thành - cầu Tân Quang cũng nằm trong tốp những dự án điển hình về chậm tiến độ. Theo hợp đồng kinh tế lập ngày 13.7.2011 giữa Công ty CPĐT Thăng Long và UBND huyện Vị Xuyên, thời gian thi công 23 tháng, kể cả ngày mưa, nghỉ lễ, tết, cuối tuần. Như vậy, chậm nhất đến ngày 13.6.2013, dự án phải hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng. Thế nhưng, hiện đã quá thời hạn hơn một năm, nhà thầu thi công mới mở xong mặt nền toàn tuyến, rải nhựa mặt đường trên 12km, còn gần 5km chưa hoàn thiện... đạt trên 72% khối lượng. Trong khi đó, Chương trình tín dụng chuyên ngành JICA SPL V đã đóng dự án từ năm 2013.


Hai dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam , do Công ty CPĐT Thăng Long thi công đều bị chậm tiến độ nhiều tháng. Mặc dù đã nhiều lần được gia hạn, chủ đầu tư nhiều lần đôn đốc, nhà thầu thi công cũng có cam kết, nhưng tiến độ vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Lo lắng cho dự án này, trung tuần tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông đã ký văn bản yêu cầu chủ đầu tư hai dự án phải tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo quyết liệt và bắt buộc phải hoàn thành trước ngày 20.7 đối với Dự án Nâng cấp, rải nhựa đường Trung Thành - cầu Tân Quang; trước ngày 15.8 với đường Ngọc Linh - Linh Hồ đi Phú Linh, nếu không triển khai xây dựng xong trước thời gian trên, sẽ thi hành kỷ luật chủ đầu tư... Thế nhưng, qua thời điểm trên cả hai dự án trên vẫn không thể hoàn thành, chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa, bất lực nhìn thời gian trôi, còn nhà thầu thi công vẫn “lửng lơ cá vàng”! Trao đổi với chúng tôi, các khổ chủ gồm UBND huyện Vị Xuyên, Sở GT-VT khẳng định, họ thường xuyên đôn đốc, cử cán bộ kỹ thuật nằm tại công trường, giúp việc nhà thầu thi công, nhưng tiến độ vẫn không hơn... rùa bò. Nhiều lúc chủ đầu tư phải năn nỉ, nịnh ông Giám đốc Công ty CPĐT Thăng Long, Lương Văn Thanh đem quân, đưa may móc, tập trung thi công nhưng vẫn không ăn thua.


Những gì đang diễn ra trên hai tuyến đường thi công bằng nguồn vốn JICA khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao Công ty CPĐT Thăng Long cùng lúc trúng thầu thi công cả hai dự án? do năng lực nhà thầu quá yếu, hay chủ đầu tư bất lực khiến doanh nghiệp... giỡn mặt?


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Đạo Đức chú trọng trồng cây vụ Đông
HGĐT- Trong vụ Đông năm 2014, cây ngô được trồng trên diện tích lớn và được coi là cây trồng chính; ngoài cây ngô và rau, đậu các loại còn được chính quyền và người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) quan tâm, chú trọng cả đến cây cải Xa-lát, loại cây trồng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
12/11/2014
Được và chưa được trong sản xuất, kinh doanh chè
HGĐT- Diện tích chè của Hà Giang hiện có 20.305 ha, diện tích cho thu hoạch 16.932 ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 57.598 tấn. Ngành chè đã và đang mang lại đời sống, thu nhập cho hàng chục NGHÌN đồng bào. Tuy nhiên, khảo sát thực tiễn cho thấy đời sống của người làm chè hiện nay vẫn còn thấp, các mối liên kết còn bấp bênh. Rất cần một “cú hích” để ngành chè phát
11/11/2014
Xã Tả Lủng phát triển chăn nuôi theo nhóm hộ
HGĐT- Trong những năm trở lại đây, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Tả Lủng (Mèo Vạc) đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển KT - XH. Nhiều hộ dân đã biết đưa các loài vật nuôi mới, có giá trị vào chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế; đặc biệt là mô hình chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ.
08/11/2014
Sản xuất hàng hóa tập trung ở Phương Thiện
HGĐT- Thời gian qua, với việc thu hút một số gia đình cùng thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo phương thức thu hồi tái đầu tư đang là hướng đi mới ở xã Phương Thiện (TPHG). Từ những hiệu quả bước đầu đã góp phần thay đổi từ nhận thức đến cách làm của người nông dân nơi đây.
08/11/2014