Tăng hệ số sử dụng đất – giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững
HGĐT - Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng luân canh cây trồng, bố trí khung thời vụ hợp lý, góp phần tổ chức lại sản xuất cho nông dân theo hướng thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác... là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đang thực hiện để phát triển bền vững.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh ta, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên: Thiếu nước sản xuất, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng... Bên cạnh đó, tập quán canh tác lâu đời của người dân vùng cao, chủ yếu gieo trồng cây 1 vụ, ít phát triển diện tích vụ 2 trên đất nương; một số vùng người dân vẫn theo lối sản xuất nông nghiệp lạc hậu, không theo khung thời vụ, gieo trồng muộn ảnh hưởng đến sản xuất thời vụ cả năm; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống mới và công thức luân canh tăng vụ còn nhiều hạn chế... khiến giá trị sản xuất nông nghiệp đạt thấp.
Sau vụ Mùa, người dân xã Phương Độ (TP Hà Giang) tích cực gieo trồng cây vụ Đông.
Toàn tỉnh hiện có hơn 126.907 ha đất trồng cây nông nghiệp hàng năm, trong đó diện tích đất trồng lúa trên 32.227 ha; diện tích đất trồng cây hàng năm khác gần 95.000 ha. Hệ số sử dụng đất nông nghiệp hàng năm đạt 1,67 lần/năm, dự kiến đến năm 2015 đạt 2 lần (đạt chỉ tiêu Nghị quyế Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV).
Năm 2014, xác định là năm “bản lề” thực hiện tăng hệ số sử dụng đất đạt chỉ tiêu nghị quyết, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm, hệ số sử dụng đất cây nông nghiệp hàng năm đạt 1,95 lần, trong đó có 11.537,00 ha đất trồng cây nông nghiệp hàng năm có hệ số sử dụng đất đạt 3 lần; 97.965,25 ha đất trồng cây nông nghiệp hàng năm có hệ số sử dụng đất đạt 2 lần. Vì vậy ngành chức năng và các địa phương đã có kế hoạch tăng hệ số sử dụng đất bằng các giải pháp đồng bộ: Tăng vụ, phát triển cây vụ 3 trên diện tích đất ruộng tại các huyện vùng thấp và phát triển vụ 2 trên đất nương tại các huyện vùng cao; khảo sát, đánh giá, xác định được vùng, tiểu vùng, loại đất để tăng vụ; chủ động xây dựng công thức luân canh tăng vụ phù hợp với điều kiện tiểu vùng khí hậu, loại đất: Lúa Xuân - lúa Mùa - cây vụ Đông; rau màu các loại - lúa Mùa - cây vụ Đông; lúa Xuân - lúa Mùa. Tập trung phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ như: Ngô nếp, khoai lang, khoai tây; tiếp tục thực hiện những cánh đồng thâm canh năng suất cao đối với lúa, ngô, lạc, đậu tương; đối với đất ruộng bạc màu, không chủ động về nước tưới, năng suất lúa đạt thấp thì xây dựng phương án cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng cây trồng cạn có giá trị kinh tế như: Ngô, lạc, đậu tương... để chủ động sản xuất có hiệu quả; tăng cường sử dụng các loại giống mới, phù hợp với điều kiện cach tác và điều kiện tự nhiên của địa phương, ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày có năng suất cao để bố trí lại mùa vụ. Một số huyện thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tăng hệ số sử dụng đất như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Yên Minh, Quản Bạ; Hoàng Su Phì...
Có mặt tại cánh đồng thôn Bản Luốc, xã Yên Phong (Bắc Mê) vào thời điểm người dân đang tích cực thu hoạch lúa mùa, Trưởng thôn Nông Văn Quy cho biết: Từ ngày có chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cánh đồng này mùa nào cũng xanh màu ngô, lúa, rau đậu. Sau thu hoạch vụ lúa Mùa, người dân tích cực trồng cây vụ Đông để tăng thêm nguồn thu nhập.
Việc tăng hệ số sử dụng đất không chỉ góp phần tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích mà ngành và các địa phương có thể xác định được khung thời vụ và hiệu quả kinh tế cho từng loại cây trồng, từng loại đất ở từng khu vực khác nhau; đồng thời chủ động trong công tác chuẩn bị về giống, phân bón cho sản xuất và xử lý kịp thời khi có điều kiện thời tiết bất thường xảy ra; tạo ra chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Ý kiến bạn đọc