Sản xuất đậu tương hàng hóa vùng miền núi phía Bắc - còn đó những nghịch lý

07:28, 09/10/2014

HGĐT- Mấy năm gần đây, sản xuất đậu tương của các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm dần về diện tích, sản lượng, năng suất không thay đổi qua những mùa vụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và lượng nhập khẩu tăng lên hàng năm... đây thực sự là nghịch lý sản xuất đậu tương đã, đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang.



Lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì kiểm tra thực tế tại vùng chuyên canh đậu tương hàng hóa xã Chiến Phố.


Xác định rõ vị trí, vai trò của cây đậu tương trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, những năm qua tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách kích cầu cho sản xuất, chế biến đậu tương như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay thâm canh trực tiếp cho hộ sản xuất với mức 3 triệu đồng/ha; định kỳ hàng năm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ từ 350-500 triệu đồng/huyện tham gia đề án mua giống luân chuyển, thay đổi bộ giống, hoặc sản xuất giống tại chỗ. Ngoài ra, ngân sách còn hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ nông nghiệp như xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, đường từ trục chính vào khu nhà máy, hệ thống cấp điện, nước nằm trong vùng nguyên liệu tập trung với định mức 2 tỷ đồng/nhà máy; hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay từ các tổ chức tín dụng trong vòng 24 tháng với mức 100 triệu đồng/hộ gia đình và 200 triệu đồng/HTX, doanh nghiệp xây dựng cơ sở chế biến...


Trên cơ sở những cơ chế, chính sách của tỉnh, hàng năm các huyện vùng trọng điểm trồng đậu tương như Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần, Bắc Mê đã hỗ trợ người dân nhiều tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất giống mới, mua giống đậu tương DT84 thay thế các giống đã bị thoái hóa, mua phân bón thâm canh đậu tương... Từ đó, diện tích đậu tương của tỉnh tăng lên mức ấn tượng, gấp 7 lần từ 3,2 nghìn ha năm 1995, lên 22,5 nghìn ha năm 2012 và hiện tại trên 23,8 nghìn ha, năng suất bình quân khoảng 12,6 tạ/ha. Những năm gần đây, sản xuất đậu tương của tỉnh có xu hướng tăng với tốc độ bình quân 4,5%/năm về diện tích, 3,9%/năm về năng suất và gần 9%/năm về sản lượng. Trước đây, người dân chủ yếu trồng bằng giống địa phương với ưu điểm khả năng chống chịu sâu bệnh khá, nhưng thời gian sinh trưởng dài, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khảo nghiệm, lựa chọn được một số giống mới phù hợp đưa vào sản xuất đại trà như DT84, DT90, DT92... có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết. Qua các năm, tỷ lệ sử dụng giống mới tăng dần, trong đó giống DT84 chiếm gần 70% cơ cấu giống của tỉnh, giá trị kinh tế đạt gần 400 tỷ đồng năm 2014.


Việc phát triển sản xuất đậu tương hàng hóa sẽ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho khoảng 45 nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến và dịch vụ, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập từ sản xuất đậu tương góp phần XĐGN, cải thiện mức sống, hạn chế tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc đậu tương, người dân sẽ nâng cao được nhận thức, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật với các loại cây trồng, vật nuôi khác, thực hiện canh tác hợp lý trên đất dốc và áp dụng mô hình nông - lâm kết hợp, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo vệ đất.


Hiệu quả của cây đậu tương trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, Hà Giang nói riêng đang từng bước được khẳng định. Dù chưa phải chịu cảnh được mùa mất giá, năng suất, sản lượng tăng nên khó tiêu thụ, bị tư thương chèn ép, nhưng tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề “Giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa vùng cao phía Bắc” mới được tổ chức tại Hoàng Su Phì, đã có ý kiến lo ngại tình trạng diện tích trồng đậu tương tăng qua các năm sẽ khó cho việc tiêu thụ sản phẩm. Cùng chủ trì diễn đàn, khi nhận được phiếu trao đổi với thông tin như vậy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Đức Vinh khẳng định, chúng ta đang lo không có sản phẩm để bán, chưa đến lúc lo chuyện đầu ra bị tư thương thao túng, đồng thời khuyến khích người dân mạnh dạn mở rộng diện tích, ứng dụng công nghệ trồng đậu tương.


Những khẳng định trên hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ theo nghiên cứu của các chuyên gia, trong vòng 5 năm gần đây, diện tích và sản lượng đậu tương của nước ta có xu hướng giảm dần với khoảng 30 nghìn ha, năng suất hầu như không thay đổi, bình quân 14,3 tạ/ha. Sản xuất đang giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ, lượng nhập khẩu đậu tương của nước ta tăng từng năm. Chẳng hạn như, năm 2013 sản lượng đậu tương trong nước chỉ đạt khoảng 170 nghìn tấn nên phải nhập khẩu 1,2 triệu tấn, nếu cộng thêm khô dầu đậu tương thì con số này tăng lên gần 4 triệu tấn. Và theo đánh giá của Hội thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ đậu tương ở nước ta cho nhu cầu thực phẩm và thức ăn chăn nuôi khoảng 3 triệu tấn khô dầu, 1 triệu tấn đậu tương/năm. Nhưng sản xuất đậu tương của cả nước cao nhất cũng chỉ đạt 300 nghìn tấn, bằng 7,5% nhu cầu. Điều này cho thấy, thị phần của cây đậu tương vẫn còn rất lớn, nếu chúng ta biết tranh thủ thời cơ, đẩy nhanh việc tăng diện tích, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng, sản xuất theo quy mô hàng hóa thì đây thực sự là cơ hội tạo thu nhập ổn định, tiến tới làm giàu cho người nông dân.


Nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhưng sản xuất đậu tương của các tỉnh miền núi phía Bắc đang có nhiều nghịch lý rất cần được gỡ bỏ. Dù nhận thấy tiềm năng rất lớn, đầu ra sản phẩm ổn định, nhưng diện tích liên tục bị thu hẹp, trong khi đó dù đã áp dụng các giống mới vào gieo trồng, nhưng năng suất chưa được cải thiện.


Đối với tỉnh ta, các cơ chế, chính sách khuyến khích đặc thù được ban hành, đã góp phần tăng diện tích, nhưng chưa có đơn vị nào mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến công nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp. Theo dự báo, thời gian tới, mỗi năm thị trường trong nước thiếu hàng triệu tấn đậu tương cho nhu cầu con người và thức ăn chăn nuôi. Đây thực sự là thời cơ vàng đối với người dân trồng đậu tương của Hà Giang và các vùng chuyên canh đậu tương trong cả nước.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đột phá trong thực hiện chương trình trọng tâm ở Đồng Văn
HGĐT- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định “4 đổi mới, 8 đột phá và 15 chương trình trọng tâm”, dựa trên cơ sở bám sát thực tiễn tại địa phương, Đảng bộ huyện Đồng Văn đã ban hành chương trình hành động và đã cụ thể hoá thành “4 đổi mới, 6 đột phá và 11 chương trình trọng tâm”. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, nhất là đối với các
09/10/2014
Sở GT-VT “trảm” nhà thầu thi công chậm tiến độ
HGĐT- Sở GT-VT vừa quyết định chọn nhà thầu mới là Công ty TNHH Trường Việt thay thế Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long, đảm nhiệm thi công tiếp khối lượng còn lại từ km11 - km13+800 đường Ngọc Linh - Linh Hồ đi xã Phú Linh (Vị Xuyên), đồng thời yêu cầu hoàn thành trước 31.12 tới.
08/10/2014
Cần phát huy thế mạnh cây chè và thảo quả ở Thượng Sơn
HGĐT- Nhắc đến xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) chắc hẳn ai cũng biết tới đặc sản nổi tiếng chè Shan tuyết Thượng Sơn với hương vị ngon rất riêng của vùng núi cao Tây Côn Lĩnh. Ngoài ra, xã còn có diện tích lớn cây thảo quả, mỗi năm mang về cho người dân thu nhập hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, tại vùng đất nhiều tiềm năng ấy, cuộc sống người dân lại rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo
08/10/2014
Yên Minh triển khai gieo trồng 3.600 ha cây vụ Đông
HGĐT - Huyện Yên Minh vừa phát động phong trào sản xuất cây vụ Đông năm 2014. Theo kế hoạch, huyện triển khai gieo trồng 3.600 ha cây rau, đậu các loại, tăng gấp 5 lần so với vụ Đông năm 2013. Cụ thể: Gieo trồng 2.800 ha cây rau màu; trên 450 ha đậu; 100 ha khoai tây; 210 ha khoai lang.
08/10/2014