Nhà máy Chế biến chè Việt Lâm:
Nằm giữa vùng chè Vị Xuyên... vẫn thiếu nguyên liệu (!?)
HGĐT- Nhà máy Chế biến chè Việt Lâm là 1 trong 4 nhà máy chế biến chè thuộc Công ty TNHH thương mại Hùng Cường, đặt tại thị trấn Việt Lâm, nơi được coi là trung tâm vùng chè huyện Vị Xuyên. Với dây chuyền chế biến chè theo công nghệ đồng bộ, khép kín, công suất dây chuyền chế biến hơn 20 tấn chè tươi/ngày. Thế nhưng, hiện nay, nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cung cấp cho nhà máy đang rất thiếu, mặc dù diện tích chè cho thu hoạch trong khu vực thu mua của nhà máy có khoảng 1.000ha.
Nhà máy chế biến, sản xuất chè trên vùng nguyên liệu chè tập trung của thị trấn Việt Lâm và các xã quanh khu vực như: Trung Thành, Quảng Ngần, Thượng Sơn, Cao Bồ, Ngọc Linh và một phần diện tích chè của xã Tân Quang (Bắc Quang). Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hùng Cường cho biết: Khi thành lập Nhà máy Chế biến chè Việt Lâm, công ty nhận thấy vị trí của nhà máy rất thuận lợi bởi nằm ở trung tâm vùng chè tập trung của các xã phía Nam huyện Vị Xuyên, nhất là diện tích chè có sẵn của Nông trường cũ giao cho dân quản lý. Bên cạnh đó, người dân và các công nhân nơi đây có nhiều năm gắn bó với cây chè, nên có nhiều kinh nghiệm chăm sóc để cây chè cho năng suất, sản lượng cao và ngày càng đầu tư mở rộng diện tích chè...
Sau gần 10 năm thành lập (từ 2006 đến nay), quá trình hoạt động của nhà máy giúp những gia đình trồng chè có nơi tiêu thụ nguồn nguyên liệu chè búp tươi ổn định; tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng... Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, nhà máy gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh về nguồn nguyên liệu, giá nguyên liệu với các xưởng sản xuất chè mi – ni trong khu vực. Vì thế, trung bình mỗi ngày nhà máy chỉ thu mua được khoảng 10 tấn nguyên liệu/ngày, thành phẩm 100 tấn chè khô/tháng, đạt 40% công suất máy chế biến. Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự sát sao, quyết liệt trong việc phát triển, phục hồi cây chè; người dân thu hái chè không đảm bảo chất lượng, lạm dụng quá mức phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều diện tích chè già cỗi, cho năng suất thấp, nhà máy khó thu mua vì không được thị trường Quốc tế chấp nhận bởi hơn 80% sản phẩm chè của công ty được xuất khẩu ra nước ngoài. Đây có thể coi là nguyên nhân chính khiến nhà máy gặp khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu búp chè tươi.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH thương mại Hùng Cường so sánh, đánh giá giá trị nguyên liệu chè búp tươi tại vùng chè xã Cao Bồ với các xã lân cận trong vùng chè Vị Xuyên, hiện với cùng môt giống chè Shan tuyết, thế nhưng ở Cao Bồ, khu vực được cấp chứng nhận Quốc tế là vùng chè hữu cơ, công ty thu mua của người dân với giá gần 20 nghìn đồng/kg chè tươi, gấp gần 6 lần ở các địa phương khác. Điều này được ông Khoa lý giải là chè ở Cao Bồ đáp ứng các yêu cầu như: Được chăm sóc tự nhiên, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại..., còn lại các địa phương khác không đáp ứng được tiêu chuẩn nên giá thành chỉ 3,5 đến 4 nghìn đồng/kg. Trong khi đó nhà máy và công ty rất muốn các địa phương có được thương hiệu chè như ở Cao Bồ vì sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài; quá trình kiểm tra an toàn, chứng nhận y tế rất gắt gao, chè không “sạch” không được thị trường chấp nhận, công ty không thể bán với giá cao nên giá thành thu mua thấp, giá trị kinh tế đem lại cho người dân cũng không cao.
Nhà máy Chế biến chè Việt Lâm rất muốn các địa phương, vùng chè khu vực các xã quanh nhà máy có thể đáp ứng được tiêu chuẩn về sản xuất chè sạch như xã Cao Bồ đã làm hay một số tiêu chuẩn quy định quy trình trồng, chế biến chè “sạch” trong nước và thế giới như VietGap, RainForest hay bộ tiêu chuẩn của UTZ Certified... mà các địa phương trồng chè lớn của nước ta đã và đang thực hiện. Với mong muốn tiếp tục có sự liên kết hơn nữa với người dân, thời gian tới, Công ty TNHH thương mại Hùng Cường đang tính đến phương án hỗ trợ có thu hồi một loại phân bón hữu cơ của Mỹ, cách chăm sóc, cải tạo cây chè theo phương pháp mới, tiêu chuẩn Quốc tế cho người dân trong vùng thu mua nguyên liệu của nhà máy. Nếu triển khai thực hiện, có được sự quan tâm của Nhà nước với một số cơ chế hỗ trợ vay vốn, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân; chắc chắn vùng chè “sạch” của tỉnh nói chung, Vị Xuyên nói riêng sẽ được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Từ đó, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân trồng chè như vùng chè Cao Bồ hiện nay.
Ý kiến bạn đọc