Nâng cao giá trị sản phẩm các làng nghề
HGĐT- Nhằm động viên, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công; trong năm 2014, nhờ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến công thương (KCXTCT), thuộc Sở Công thương đã lập kế hoạch, rà soát các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn, đặc biệt là các làng nghề truyền thống để hỗ trợ kỹ thuật, máy móc nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Trung tâm KCXTCT trao máy nghiền nguyên liệu và ép giấy bản cho các gia đình thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang). Ảnh: CTV
Nghề truyền thống làm giấy Bản dân tộc Dao được hình thành từ năm 1925, đến nay hơn 100 hộ dân thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) vẫn duy trì sản xuất, vừa tăng thu nhập, phục vụ cuộc sống vừa bảo vệ nghề truyền thống các cụ để lại. Giấy Bản được làm từ măng của cây vầu, làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, từ trước tới nay hầu hết các hộ dân thôn Thanh Sơn đều làm giấy theo phương pháp thủ công truyền thống, công cụ sản xuất do người dân tự chế tạo, làm bằng gỗ, còn thô sơ, tốn nhiều công lao động, vì thế năng suất lao động chưa cao, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Đầu năm 2014, Trung tâm KCXTCT tỉnh hỗ trợ cho 4 hộ mua máy nghiền nguyên liệu và ép giấy bản, mỗi hộ 12,5 triệu đồng từ Chương trình Khuyến công địa phương, các hộ được hỗ trợ là: Triệu Chàn Họ, Phàn Sành Chiêu, Phàn Phụ Hin, Hoàng Dùi Tòng. Sau khi mua sắm thiết bị, các hộ đều được chuyển giao công nghệ và hướng dẫn sử dụng. Qua thực tế sản xuất bằng máy, các hộ cho biết, đã tận dụng hết các nguyên liệu, không để thừa như sản xuất thủ công; sản phẩm làm ra rất đẹp, mịn, đặc biệt là giảm sức lao động. Theo đồng chí Phàn Văn Thanh, Trưởng thôn Thanh Sơn: Sản xuất giấy Bản hiện vẫn theo mùa nguyên liệu cây măng vầu, nên một năm người dân chỉ sản xuất một tháng, tính trung bình trong tháng sản xuất mỗi hộ thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Hiện toàn thôn mới chỉ có 10 hộ được hỗ trợ mua máy móc, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, những hộ còn lại vẫn sản xuất thủ công. Từ mô hình của 4 hộ được hỗ trợ máy móc, năm tới thôn sẽ cố gắng vận động các hộ khác mua máy sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Từ đó, nâng thu nhập của người lao động, đồng thời tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương...
Cũng như nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh còn áp dụng các kỹ thuật, máy móc lạc hậu, sản phẩm còn nhiều hạn chế về chất lượng, mẫu mã..., Chính vì vậy năm 2014 Trung tâm KCXTCT đã thực hiện 13 đề án khuyến công địa phương hỗ trợ máy móc thiết bị cũng như kỹ thuật, trong đó có 4 đề án hỗ trợ cho các làng nghề chế biết các sản phẩm công nghiệp nông thôn như chè xanh, nghề sản xuất nông cụ hay nghề làm giấy Bản dân tộc Dao... Đến nay, các đề án chuẩn bị nghiệm thu và ban giao đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, Trung tâm KCXTCT cũng tổ chức cho các xã viên, người làm nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình làng nghề khác ở các tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình để trao đổi, rút kinh nghiệm cho làng nghề mình...
Giá trị của các làng nghề truyền thống hiện nay trên địa bàn tỉnh không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương, mà còn gìn giữ nét văn hóa của các dân tộc qua sản phẩm của họ. Việc hỗ trợ, khuyến khích các HTX, làng nghề tuy chưa được nhiều nhưng cũng nhằm mục đích nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn, khuyến khích các làng nghề khác học hỏi kinh nghiệm, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị vào sản xuất để các sản phẩm làm ra vươn xa trên thị trường...
Ý kiến bạn đọc