Mèo Vạc hình thành “thói quen” sản xuất cây vụ Đông
HGĐT- Trước đây, việc đưa một số loại cây trồng vào sản xuất vụ Đông ở Mèo Vạc là chuyện hiếm thấy, hầu hết diện tích đất canh tác chỉ dùng để sản xuất một vụ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong vài năm trở lại đây, việc hình thành nên “thói quen” sản xuất cây vụ Đông (CVĐ) bước đầu tạo được sản lượng hàng hóa đáng kể, góp phần thay đổi nhận thức và mở ra hướng thoát nghèo cho người nông dân nơi đây.
Theo tìm hiểu, với việc tập trung tuyên truyền, quyết liệt trong thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, bước đầu huyện Mèo Vạc đã quy hoạch được vùng và xác định được cơ cấu cây trồng vụ Đông phù hợp với điều kiện sản xuất khắc nghiệt của địa phương; đó là cây khoai tây, khoai lang và rau các loại. Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Từ năm 2012, huyện đã chú trọng mở rộng diện tích, quyết tâm đưa vụ Đông trở thành một trong những vụ sản xuất chính. Ngay trong năm 2012, toàn huyện trồng được 924,9 ha CVĐ. Năm 2013, toàn huyện trồng được 1.376 ha CVĐ, đạt 111,87% kế hoạch. Đồng chí Hứa Đình Tuấn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc khẳng định: “Qua tổ chức thực hiện việc sản xuất CVĐ, nhất là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng và thâm canh các loại CVĐ cho người dân, đã tạo chuyển biến tích cực trong việc thay đổi cơ cấu mùa vụ. Đặc biệt, đã tạo thành phong trào sản xuất, bước đầu tạo được sản lượng hàng hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu rau, củ tại chỗ của huyện và tăng thu nhập cho nông dân”.
Bà con nông dân xã Tát Ngà ủ phân xanh làm phân hữu cơphục vụ sản xuất cây vụ Đông.
Trên thực tế cho thấy, sản xuất vụ Đông ở Mèo Vạc vẫn còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; đầu vụ khô hạn kéo dài, thiếu nước tưới; cuối vụ sương muối, giá rét kéo dài. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn hạn chế, bảo thủ, tập quán sản xuất lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên còn nhiều khó khăn trong việc tiếp thu tiến bộ kỹ thuật. Giá giống, phân bón cao so với sức đầu tư của người dân; chưa tổ chức sản xuất và bảo quản giống tại chỗ nên giá thành giống cao khiến người dân muốn trồng nhưng thiếu vốn đầu tư. Đa số người dân các xã trong huyện chủ yếu quan tâm đến việc mở rộng diện tích mà chưa quan tâm đến việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật, thiếu đầu tư thâm canh hoặc thâm canh mức độ thấp; chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nhất là khâu bón phân, chăm sóc; nhiều hộ thu hoạch không đúng thời điểm; phòng trừ sâu bệnh thực hiện chưa tốt nên năng suất và sản lượng còn thấp... Nhằm khắc phục khó khăn và hình thành nên “thói quen” cho người nông dân, huyện Mèo Vạc đã xác định phát triển CVĐ là giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của địa phương. Qua đó, góp phần khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động để giải quyết việc làm, tăng hệ số sử dụng đất, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập, góp phần XĐGN, phát triển kinh tế bền vững. Anh Hoàng Văn Pênh, người dân thôn Nà Trào, xã Tát Ngà cho biết: “Do là xã có khá nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên bà con đã tích cực phát triển các loại cây trồng, nhất là rau, màu vụ Đông. Đến bây giờ mọi người trong thôn đều xác định tập trung vào vụ Đông để tăng thu nhập, vì thế nhiều hộ không còn nghèo như trước nữa”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu sản xuất vụ Đông, huyện Mèo Vạc đã ban hành Nghị quyết sản xuất CVĐ và đưa ra mục tiêu cụ thể, tập trung đầu tư xây dựng mô hình ở một số xã để tạo thuận lợi trong việc chỉ đạo kỹ thuật và công tác bảo vệ. Tập trung đẩy mạnh đầu tư thâm canh, kết hợp đưa các loại giống mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các loại cây có củ như: khoai lang, khoai tây và đưa các loại rau có giá trị kinh tế cao thích hợp với từng tiểu vùng khí hậu trên địa bàn huyện vào sản xuất. Chú trọng phát huy những tiềm năng thế mạnh, quy hoạch và nhân rộng diện tích cây trồng vụ Đông, nhân rộng mô hình luân canh trồng cây khoai tây, khoai lang và trồng rau chất lượng cao. Ngay từ đầu vụ Đông năm nay, huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện phát động ủ cây phân xanh làm phân hữu cơ nhằm mục tiêu tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm tình trạng lạm dụng phân bón hóa học, đồng thời đẩy mạnh sản xuất CVĐ để tăng thu nhập cho người dân. Theo kế hoạch, toàn huyện sẽ triển khai thực hiện 336 hố phân xanh tại 6 xã trọng điểm; phấn đấu mở rộng diện tích cây trồng vụ Đông lên 1.509 ha (tăng 317 ha so với năm 2013). Bên cạnh đó, chú trọng hướng dẫn nhân dân trên đồng ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng với phương châm “cầm tay chỉ việc”.
Với việc hình thành nên “thói quen” sản xuất CVĐ trong thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã và đang từng bước làm đổi thay đáng kể nhận thức cũng như cách làm của nông dân. Đây được xem là hướng đi hiệu quả trong việc nâng cao đời sống cho người dân. Đó cũng là cơ sở góp phần giúp địa phương đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững qua từng năm.
Ý kiến bạn đọc