Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.2014

Mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo sát sao, quyết liệt hơn nữa

17:15, 10/10/2014

HGĐT- Đội ngũ doanh nhân luôn có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trên 1 nghìn doanh nhân đã, đang nỗ lực góp sức, góp tài cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Và doanh nhân Hà Giang cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ các cấp lãnh đạo để không ngừng tận tâm, tận tụy, phụng sự cho sự phát triển của tỉnh. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam , phóng viên Báo Hà Giang có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Công Nhân - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh.


Phóng viên (P/v): Cùng với quá trình phát triển của tỉnh, đội ngũ doanh nhân đang ngày một lớn mạnh, tham gia hoạt động ở các lĩnh vực và đang từng bước khẳng định chỗ đứng trên thương trường?.

Ông Phạm Công Nhân: Đúng vậy, theo số liệu thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có hơn một nghìn doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh với tổng vốn trên 19 nghìn tỷ đồng. Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, hiện có 350 công ty TNHH MTV, chiếm khoảng 30%; 479 công ty TNHH 2 thành viên trở lên, chiếm trên 41%; 259 công ty cổ phần, chiếm trên 22%; 77 doanh nghiệp tư nhân, chiếm gần 7%. Còn chia theo ngành nghề hoạt động, có 580 doanh nghiệp Giao thông - Xây dựng - Công nghiệp, chiếm gần 50%; 320 doanh nghiệp dịch vụ, chiếm trên 27%; 265 doanh nghiệp nông - lâm - thuỷ sản và các lĩnh vực khác, chiếm gần 23%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã đóng góp một phần quan trọng cho quá trình phát triển KT-XH, với số nộp ngân sách mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động.


Ngoài nghĩa vụ đóng góp ngân sách, các doanh nhân còn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo. Nhiều doanh nghiệp luôn tham gia nhiệt tình hoạt động xã hội, đóng góp quỹ từ thiện với các hình thức như hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình nghĩa, trường học, tổ chức thăm, tặng quà người nghèo, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, trao học bổng học sinh nghèo vượt khó... với tổng giá trị hàng tỷ đồng.


P/v: Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Hà Giang đông nhưng không mạnh. Ông bình luận gì về nhận định này?

Ông Phạm Công Nhân: Thực tế cho thấy, doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu xếp ở nhóm nhỏ và vừa. Tuy số lượng nhiều, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, trình độ quản trị, năng lực quản lý hạn chế. Nhất là trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không có doanh thu, một số tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở đăng ký, vi phạm luật hoặc xin giải thể nhưng không đủ điều kiện do còn nợ thuế và nợ các tổ chức tín dụng. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài yếu tố khách quan cũng có phần xuất phát từ chính mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, đa phần đều hoạt động ở lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) bằng nguồn ngân sách, khi Chính phủ cắt giảm đầu tư công nên dẫn đến thiếu việc làm. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp khó khăn, trong khi tình trạng nợ đọng XDCB kéo dài dẫn tới tình hình tài chính không lành mạnh nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.


Bên cạnh đó, trang thiết bị của doanh nghiệp tuy được đầu tư đổi mới, nhưng chưa đồng bộ, công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh trên thị trường yếu, hiệu quả kinh doanh thấp, tiềm lực kinh tế và năng lực quản lý để khai thác thế mạnh của tỉnh chưa đáp ứng được. Trình độ tay nghề của người lao động hạn chế, chủ yếu làm việc giản đơn và tỷ lệ qua đào tạo nghề thấp, năng suất lao động không cao... Sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp chưa cao nên chất lượng, hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh thấp.


P/v: Vậy chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Phạm Công Nhân: Nhận thấy những hạn chế của đội ngũ doanh nhân, của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2013 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn 2013-2015. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến 2015 toàn tỉnh có khoảng 1.412 doanh nghiệp hoạt động theo Luật, tạo việc làm cho trên 42 nghìn lao động. Và đến năm 2020, có trên 2 nghìn doanh nghiệp, tạo việc làm cho trên 62 nghìn lao động. Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín để lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp hoạt động hiệu quả... Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp từ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính; hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực, công nghệ, trình độ kỹ thuật; giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh...


P/v: Đấy là những chủ trương, chính sách mang tầm vĩ mô, còn Hội Doanh nghiệp có định hướng, cách làm cụ thể gì thưa ông?

Ông Phạm Công Nhân: Thời gian gần đây, Hội Doanh nghiệp đang ngày càng phát huy vai trò “ngôi nhà chung” của đội ngũ doanh nhân, cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với các cấp, ngành của tỉnh. Những tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp phản ánh qua tổ chức Hội đều được chuyển tải tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh và được quan tâm, chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong giải quyết công việc đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, vai trò, tiếng nói của tổ chức Hội cũng ngày càng có trọng lượng, được hội viên tin tưởng. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có sự quan tâm thực chất hơn, những chủ trương, khẩu hiệu cần phải được biến thành hành động cụ thể. Có nhiều lúc, nhiều việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sát sao, nhưng cấp sở, ngành thực hiện như thế nào lại là một khoảng cách rất lớn. Đội ngũ doanh nhân luôn ý thức được vai trò, nghĩa vụ, trách nhiệm, nếu tạo được niềm tin, được khích lệ, được quan tâm, động viên kịp thời, họ sẵn sàng đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà.


P/v: Xin trân trọng cảm ơn!


THIÊN THANH (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì tập trung thu hoạch lúa mùa, triển khai sản xuất vụ Đông
HGĐT- Với phương châm tích cực, chủ động trong sản xuất vụ Đông năm 2014 đúng khung thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Vào thời điểm hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đang tập trung nhân lực thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa mùa, đồng thời khẩn trương tiến hành sản
10/10/2014
Cây ngô “3 trong 1 vụ Mùa” - Cách làm hay ở Xín Mần
HGĐT- Thu hoạch xong hơn 2.000 ha ngô vụ Mùa, trồng kế tiếp thêm 818 ha ngô vụ Mùa tiếp theo, và rồi lại tiếp tục trồng thêm 1 vụ thứ 3 “trong 1 vụ Mùa” ! Đâu là cách làm...?
10/10/2014
Sản xuất đậu tương hàng hóa vùng miền núi phía Bắc - còn đó những nghịch lý
HGĐT- Mấy năm gần đây, sản xuất đậu tương của các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng giảm dần về diện tích, sản lượng, năng suất không thay đổi qua những mùa vụ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và lượng nhập khẩu tăng lên hàng năm... đây thực sự là nghịch lý sản xuất đậu tương đã, đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có Hà Giang.
09/10/2014
Vị Xuyên tăng diện tích cải Xa-lát vụ Đông
HGĐT- Cải Xa-lát là loại cây trồng vụ Đông, đã được bà con nông dân xã Đạo Đức trồng đại trà trong những vụ Đông trước đây. Qua thực tế cho thấy, đây là loại cây trồng ngắn ngày, công chăm sóc ít, nguồn tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Trước thực tế đó, huyện Vị Xuyên đã quyết tâm mở rộng diện tích sản xuất cây cải Xa-lát ở những nơi phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng
09/10/2014