Đột phá trong thực hiện chương trình trọng tâm ở Đồng Văn
HGĐT- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định “4 đổi mới, 8 đột phá và 15 chương trình trọng tâm”, dựa trên cơ sở bám sát thực tiễn tại địa phương, Đảng bộ huyện Đồng Văn đã ban hành chương trình hành động và đã cụ thể hoá thành “4 đổi mới, 6 đột phá và 11 chương trình trọng tâm”. Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, nhất là đối với các chương trình trọng tâm đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét, với những thành tích đáng phấn khởi.
Làng Văn hoá du lịch Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là (Đồng Văn) luôn là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, BCH Đảng bộ huyện Đồng Văn xây dựng quy chế, chương trình công tác toàn khoá. Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết XVII Đảng bộ huyện, các mục tiêu trong chương trình trọng tâm đã dần hình thành, phát triển rõ nét. Trong sản xuất nông nghiệp, Đồng Văn xác định đầu tư chuyển cây đậu tương thành cây hàng hoá, lấy cơ chế chính sách hỗ trợ giống, một phần phân bón, lãi suất vay đầu tư trong vòng 3 năm để thúc đẩy cây hàng hoá (lúa, ngô, đậu tương), con hàng hoá (bò, dê). Riêng đối với cây đậu tương, sau gần 4 năm tập trung chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thâm canh, chuyển cơ bản diện tích đất trồng mầu sang trồng đậu tương cả 2 vụ. Đến hết vụ xuân Hè 2014, diện tích đậu tương của huyện Đồng Văn cả năm là 2.647 ha, đạt 105,9% nghị quyết, trong đó có gần 700 ha thuộc chương trình đầu tư có thu hồi; nhờ thâm canh tốt, giống tốt, chỉ đạo gieo trồng kịp thời vụ, năng suất bình quân đạt 9,1 tạ/ha. Khảo sát mới đây cho thấy, giá đậu tương thương phẩm trên thị trường huyện là từ 13 - 15.000 đồng/kg, một nguồn thu rất đáng khích lệ đối với đông đảo bà con nông dân Đồng Văn. Từ chỗ cây đậu tương chưa có ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây cây đậu tương của Đồng Văn đã đạt và vượt cả về diện tích, năng suất so với một số huyện trọng điểm về trồng cây đậu tương.
Chăn nuôi đại gia súc, cũng gặt hái được nhiều thành công. Đến thời điểm hết tháng 9.2014, Đồng Văn có tổng đàn gia súc gần 62.000 con, đạt 96% Nghị quyết. Các mô hình chăn nuôi như: Vỗ béo bò tại xã Sủng Là, Phố Cáo, thị trấn Phố Bảng; nuôi lợn nái sinh sản tại xã Sà Phìn, Lũng Phìn; nuôi gà siêu trứng tại xã Thài Phìn Tủng; mỗi hộ gia đình có từ trên 2 con trâu, bò và 600 khóm cỏ tại 19 xã, thị trấn... được người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện có hiệu quả, chính điều này cũng đã tạo ra đầu kéo khuyến khích và thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi đại gia súc, từ 2010 đến nay, huyện Đồng Văn trồng mới được 1.065 ha cỏ và luôn coi trọng công tác tiêm phòng chống dịch bệnh định kỳ để lưu đàn. Điều đáng ghi nhận nhất để đàn gia súc, gia cầm phát triển, đi vào đời sống chính là sự kết hợp giữa các nguồn giống du nhập để lai tạo nguồn giống địa phương, gìn giữ được nguồn gen quý có khả năng thích ứng cao trong tiểu vùng khí hậu Đồng Văn.
Trong mục tiêu phát triển đô thị, hình thành thị tứ, Đồng Văn coi trọng ngay từ khâu huy động nhân lực tại chỗ, lồng ghép với các chương trình, dự án để mở đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua gần 4 năm, huyện Đồng Văn đã hoàn thành đường giao thông nông thôn, mở chợ ở các xã, thị trấn, đưa Đồng Văn về đích trước Nghị quyết đại hội đề ra. Có đường, có chợ, có hàng hoá trong chăn nuôi, trồng cấy đã tạo cho bộ mặt nông thôn Đồng Văn nhộn nhịp hơn, dịch vụ - du lịch sôi nổi hẳn. Nắm bắt cơ hội đó, ngoài việc tập trung xây dựng, thu hút dân cư, thu hút đầu tư để phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, Phố Bảng, huyện Đồng Văn đã, đang tập trung xây dựng Phố Cáo, Lũng Cú, Lũng Phìn thành các trung tâm Cụm xã, tiến tới hình thành các thị tứ, tạo “đầu tầu” lôi kéo các xã, vùng lân cận phát triển...
Bằng định hướng đúng, có giải pháp phù hợp, huyện Đồng Văn đang cho thấy sự phát triển toàn diện, khẳng định sự đúng đắn, sâu sát trong chỉ đạo điều hành, sự cố gắng nỗ lực của mỗi người dân vì mục tiêu chung xây dựng Đồng Văn ngày một đổi mới.
Ý kiến bạn đọc