Đầu mối cho các mô hình kinh tế huy động vốn ở Bắc Mê
HGĐT- Những năm qua, trước những khó khăn chung của nền kinh tế; cắt giảm xây dựng cơ bản, doanh nghiệp và người dân thận trọng trong đầu tư phát triển kinh doanh. Việc tìm kiếm khách hàng giải ngân vốn cho vay trở nên khó khăn, dư nợ tăng chậm. Giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Bắc Mê (Agribank Bắc Mê) đã và đang có bước đi đúng hướng khi trở thành đầu mối huy động vốn cho các chủ mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Trong đó nổi bật phải kể đến trang trại chăn nuôi lợn với số lượng lớn của Hợp tác xã (HTX) Anh
Trang trại chăn nuôi lợn của HTX Anh Nam được xây dựng từ cuối năm 2012, với số vốn đầu tư ban đầu hơn 2 tỷ đồng, trong đó, 1/3 số vốn được Agribank Bắc Mê giải ngân cho vay. Nhờ nguồn vốn lớn, hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng hiện đại, theo từng khu vực, lứa tuổi của lợn. Trong đó, khu lợn nuôi sinh sản được bố trí trong cùng, mỗi lợn nái được chăm sóc trong 1 chuồng đủ tiêu chuẩn về kích thước, đảm bảo lợn được chăm sóc tốt nhất; khu lợn nuôi thịt chuồng được xây dựng tường bao bằng gạch, trát xi – măng, phần cuối chuồng có hệ thống bể nước có thể điều tiết nước ra vào cho lợn tắm và kết hợp vệ sinh chuồng; khu lợn con được đặt vị trí chính giữa, xây dựng theo mô hình của những trang trại vùng đồng bằng Bắc bộ... Cùng với đó là số lợn giống được trang trại mua trực tiếp từ Trại giống Tam Đảo -nơi cung cấp giống chất lượng nhất khu vực phía Bắc; cách thức chăn nuôi được áp dụng theo phương pháp công nghiệp, tiên tiến, chủ yếu thức ăn được sử dụng là cám viên ăn thẳng. Từ khi xây dựng và chăn nuôi đến nay, trang trại chăn nuôi lợn của HTX Anh Nam là mô hình chăn nuôi lợn lớn nhất của huyện Bắc Mê, có số lượng đầu lợn luôn từ 100 con trở lên. Nhờ sự mạnh dạn đầu tư, vay vốn, cùng với vốn kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, sau gần 2 năm, trang trại đã xuất bán được 3 lứa lợn với khoảng 30 tấn lợn thịt. Giá bán trung bình trên 40 nghìn đồng/kg, HTX đã thu về trên 1 tỷ đồng để tái đầu tư cho chăn nuôi. Anh Trần Văn Luyến, người trực tiếp quản lý trang trại cho biết: “Khi quyết định xây dựng trang trại nuôi lợn với số lượng lớn và hiện đại trên địa bàn huyện Bắc Mê, HTX xác định sẽ cần nguồn vốn lớn, tuy nhiên các xã viên trong HTX đa phần là nông dân, nguồn vốn nhỏ không đủ để xây dựng một trang trại quy mô, công nghiệp. Thế nhưng rất may được Agribank Bắc Mê cho vay số tiền 700 triệu đồng nên hệ thống cơ sở hạ tầng chuồng trại, trang thiết bị và con giống nuôi của trang trại cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trên dưới 200 đầu lợn theo hình thức chăn nuôi công nghiệp”.
Khu nuôi lợn sinh sản - Trang trại chăn nuôi lợn của HTX Anh
Ngoài trang trại chăn nuôi lợn của HTX Anh Nam, AgriBank Bắc Mê đã được nhiều chủ mô hình phát triển chăn nuôi lựa chọn làm đầu mối vay vốn để đầu tư như mô hình chăn nuôi trâu hàng hóa của anh Nguyễn Văn Tuy, thôn Nà Vuồng, xã Yên Phong. Từ số vốn tự có của gia đình, anh mua và nuôi 2 con trâu, năm 2013, sau khi vay 100 triệu từ AgriBank Bắc Mê, anh Tuy đã phát triển đàn trâu thêm 4 con. Đến nay, anh đã bán số trâu vỗ béo đi để thanh toán cả gốc lẫn lãi số vốn vay cho Ngân hàng và có lãi. Anh dự định sẽ tiếp tục nuôi trâu vỗ béo, bán thành hàng hóa với số lượng lớn nếu được vay số vốn lớn hơn.
Theo Giám đốc Agribank Bắc Mê, Mai Xuân Luyện cho biết: Hiện nay tổng số dư nợ của Ngân hàng là trên 75 tỷ đồng, trong đó có khá nhiều hộ dân vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện giải ngân vốn cho các mô hình, chương trình phát triển nông – lâm nghiệp nếu các hộ dân có nhu cầu. Và rất có thể, nếu 2 phương án nuôi cá bỗng thương phẩm tại xã Giáp Trung và nuôi bò kinh tế ở thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú đi vào thực hiện, Ngân hàng sẽ là đầu mối giải ngân vốn cho 2 phương án này. Đóng chân trên địa bàn huyền Bắc Mê, Ngân hàng rất muốn góp sức cùng cấp ủy và chính quyền các cấp trong huyện giúp người nông dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Ý kiến bạn đọc