Chống thất thu ngân sách từ hoạt động kiểm tra sau thông quan
HGĐT- Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) - Cục Hải quan Hà Giang đã tiến hành 6 cuộc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, trong đó 5 cuộc đã hoàn thành, 1 cuộc đang thực hiện. Kết quả đánh giá 5 cuộc hoàn thành cho thấy, có 3 doanh nghiệp không sai phạm, 2 doanh nghiệp phát hiện sai phạm với số tiền thu nộp ngân sách trên 3,8 tỷ đồng.
Trong đó, tiền thuế ấn định trên 3,4 tỷ đồng, phạt chậm nộp gần 99 triệu đồng và thu từ xử lý vi phạm hành chính trên 357 triệu đồng. So với kế hoạch năm, đạt 75% số cuộc kiểm tra Tổng cục Hải quan giao, số thu tăng 54% chỉ tiêu Cục Hải quan giao. Bên cạnh đó, Chi cục KTSTQ đã tiến hành 4 cuộc kiểm tra, hướng dẫn công tác phúc tập hồ sơ tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Xín Mần, Thanh Thủy, Săm Pun, Phó Bảng. Qua kiểm tra phát hiện những sai sót như một số bộ tờ khai chưa được phúc tập đúng thời hạn, kết quả kiểm hóa ghi chưa chính xác... đã nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời, đồng thời báo cáo cấp trên chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm quy trình, quy định của pháp luật.
Trong hoạt động KTSTQ, việc thu thập, xử lý thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Xác định rõ điều này, Chi cục KTSTQ đã thực hiện tốt việc khai thác, ứng dụng các chương trình phần mềm của ngành phục vụ công tác nghiệp vụ. Đồng thời, tiếp nhận các bộ hồ sơ có dấu hiệu vi phạm do các Chi cục HQCK, phòng nghiệp vụ chuyển về; thực hiện phối hợp tốt giữa khâu sau thông quan và trong thông quan, làm rõ những thông tin nghi vấn phục vụ KTSTQ đảm bảo đúng quy định. Với chỉ tiêu, kế hoạch giao, Chi cục KTSTQ đã tập trung rà soát, kiểm tra những hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu giá trị lớn, có nhiều khả năng sai phạm để lựa chọn kiểm tra.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Ngọc Hướng, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ cho biết: KTSTQ là hoạt động nghiệp vụ do cơ quan chuyên trách ngành Hải quan thực hiện, nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực của việc khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, làm cơ sở xem xét mức độ ưu tiên trong việc khai thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, xử lý vi phạm. KTSTQ được thực hiện thông qua việc kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và chứng từ có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên, việc thực hiện KTSTQ không phải đi săm soi theo kiểu “bới lông tìm vết”, làm khó cho doanh nghiệp, thông qua hoạt động kiểm tra của cơ quan chuyên trách, giúp doanh nghiệp phát hiện những sai sót trong quy trình nghiệp vụ, từ đó tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tuân thủ tốt các quy định của pháp luật. Quan điểm, cách thức tiến hành kiểm tra của Chi cục KTSTQ Hà Giang đã cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong các hội nghị chuyên đề về công tác KTSTQ, được cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Sau mỗi đợt kiểm tra, doanh nghiệp đã làm tốt càng chú trọng thực hiện nghiêm các quy định, từng bước nâng cao uy tín của đơn vị, những doanh nghiệp phát hiện sai phạm, cũng nghiêm túc tiếp thu, có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác kê khai hải quan...
Còn nhớ tại hội nghị chuyên đề sau thông quan mới đây, đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan nêu quan điểm, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác KTSTQ phải chuyển sang định hướng chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cán bộ, công chức Hải quan làm nhiệm vụ KTSTQ phải thay đổi tư duy, kiểm tra không chỉ nhằm mục tiêu tìm ra vi phạm để xử phạt, phải giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ tuân thủ pháp luật và thực hiện tốt hơn. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận rất lớn của các đại biểu dự hội nghị, đại diện nhiều cục Hải quan cho rằng, đa số các doanh nghiệp mong muốn chấp hành tốt quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục hải quan phần lớn do nhân viên phòng xuất, nhập khẩu (XNK), kế toán đảm trách nên nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp không nắm được vi phạm. Do đó, công tác KTSTQ cần hướng đến mục tiêu tuyên truyền, vận động, giúp doanh nghiệp phát hiện và sửa chữa sai sót, nâng cao tính tuân thủ pháp luật Hải quan, đặc biệt khi hệ thống VNACCS/VCIS chính thức vận hành với nguyên tắc thông quan nhanh nhất cho doanh nghiệp và tăng hậu kiểm.
Nhằm đảm bảo hoạt động KTSTQ từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra và khắc phục được hạn chế, Cục KTSTQ đề nghị công tác KTSTQ cần chú trọng nghiên cứu xây dựng hệ thống quy định pháp luật phù hợp với Luật Hải quan sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Theo đó, các đơn vị cần tập trung KTSTQ theo kế hoạch, đánh giá tuân thủ pháp luật của những doanh nghiệp có kim ngạch XNK và số thuế phải nộp lớn để đánh giá, làm cơ sở phân loại, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp tuân thủ tốt. Thu thập, phân tích thông tin, lựa chọn doanh nghiệp có rủi ro cao để thực hiện kiểm tra theo dấu hiệu, góp phần ngăn chặn kịp thời các trường hợp sai phạm, chống gian lận thương mại và đảm bảo chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Triển khai những định hướng quan trọng này, Chi cục KTSTQ Hà Giang đang tích cực thực hiện tốt kế hoạch được giao, gắn với quản lý rủi ro, tăng cường thu thập thông tin về các lĩnh vực, mặt hàng XNK, loại hình, doanh nghiệp có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế, có khả năng gây thất thu thuế để đề xuất KTSTQ trên địa bàn quản lý. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, giải quyết công việc nhanh gọn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Ý kiến bạn đọc