Chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ, phát triển rừng ở Hoàng Su Phì
HGĐT- Sau 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng tại địa phương.
Các hộ nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng ký nhận tiền chi trả DVMTR.
Là địa phương có vị trí đầu nguồn sông Chảy, do vậy công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái vùng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho các công trình thủy điện... Qua 3 năm triển khai, nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng đã được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục tăng lên, các vụ vi phạm liên quan đến rừng được hạn chế. Đây là những kết quả bước đầu nhưng rất tích cực, là tiền đề cho người trồng rừng, bảo vệ rừng yên tâm, có thu nhập ổn định từ rừng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập từ rừng cho người dân địa phương.
Đồng chí Lèng Seo Seng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện cho biết: Việc giao khoán rừng để chi trả DVMTR trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng đối với chủ trương quản lý rừng bền vững, làm cho rừng thật sự có chủ và người dân được hưởng lợi khi bảo vệ rừng. Cụ thể, kinh phí chi trả DVMTR trong 3 năm được trên 2 tỷ đồng và được tái đầu tư cho trên 4 nghìn hộ đang quản lý, bảo vệ 26.379 ha diện tích rừng tại 23 xã, thị trấn của huyện. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các đối tượng được hưởng lợi từ rừng, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng được nâng lên. Cũng theo anh Seng, người dân được hưởng lợi từ rừng nên ngày càng gắn bó với rừng hơn, song việc chi trả hiện nay còn quá thấp, bình quân mỗi hộ mới nhận được hơn 60 nghìn đồng/ha/năm, tuy số tiền không nhiều, nhưng đã góp phần giúp đỡ người dân có thêm chi phí để chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả.
Theo kết quả nghiệm thu rừng năm 2013 của Ban quản lý rừng phòng hộ thì hầu hết diện tích rừng giao khoán được bảo vệ tốt; công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo việc chi trả DVMTR đúng mục đích, có hiệu quả; việc thực hiện chi trả DVMTR không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về rừng và tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ, phát triển rừng mà còn làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt, sản xuất của nhân dân...
Có thể nói, hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, là tiền đề cho người dân có rừng tiếp tục phát triển các nguồn lợi từ rừng, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện.
Ý kiến bạn đọc