Vị Xuyên, tín hiệu vui từ Đề án 50 ha cây chanh leo

08:16, 17/09/2014

HGĐT- Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế và Đề án phát triển 50 ha cây chanh leo của UBND huyện Vị Xuyên (tập trung tại 3 xã Trung Thành, Ngọc Linh và Bạch Ngọc); sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc, đến nay số diện tích cây chanh leo mùa đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.


Đối với cây chanh leo, trước khi thực hiện đề án Phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên cũng đã xác định đây là giống cây dễ trồng, sinh trưởng và phát triển tốt. Thực tế trong quá trình trồng đã cho thấy tính năng vượt trội của giống cây trồng này. Thời gian này, toàn bộ diện tích chanh leo thực hiện trồng đầu tiên theo đề án của huyện đang trong giai đoạn chín và cho thu hoạch. Đến thăm một số khu vườn trồng cây chanh leo đầu tiên của đề án ở các xã Trung Thành, Ngọc Linh hay Bạch Ngọc, hiện tại các giàn leo đều phủ một màu xanh trĩu nặng quả pha lẫn với màu tím của những quả chín đến giai đoạn thu hoạch. Ông Phạm Ngọc Thắm ở thôn Trung Sơn xã Trung Thành cho biết: Gia đình chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính nhưng từ khi có đề án trồng cây chanh leo của huyện, gia đình ông và gia đình ông Phạm Văn Tĩnh đã mở rộng 6.000m2 đất vườn, trồng được 300 cây. Theo ông Thắm, trồng cây chanh leo chỉ vất vả nhất là khâu làm giàn leo (đóng cột bê-tông và kéo dây thép), còn lại các công chăm sóc đều rất dễ dàng, cây phát triển và sinh trưởng tốt. Mặt khác, cây chanh leo lại có tính kháng bệnh cao, thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Sau nhiều tháng chờ đợi, chăm sóc đến bây giờ vườn chanh leo của ông Thắm bắt đầu có thu hoạch đáng kể, cho thấy năng suất vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Trung bình mỗi cây cho tới 40 đến 50 quả, tương đương trên 2 kg/cây, có nhiều cây cho tới 120 quả đến 150 quả/cây. Thời gian này, chanh leo đã cho thu hoạch; vừa qua, 2 gia đình ông Thắm và ông Tĩnh cũng đã bán ra thị trường hàng chục kg quả chín, với giá hơn 10.000 đồng/kg. Tại xã Ngọc Linh và Bạch Ngọc, cây chanh leo đều cho năng suất tương tự. Đây mới là mùa quả đầu tiên nhưng với sự phát triển mạnh cộng đặc tính riêng của giống cây này, khẳng định năng suất sẽ tăng dần theo những năm sau và năng suất thực sự tăng ổn định trong 2 năm tiếp theo.



Vườn chanh leo trĩu quả của ông Phạm Ngọc Thắm, thôn Trung Sơn (Trung Thành) trong giai đoạn quả chín.


Ngoài ra sau khi thu hoạch, để đảm bảo quyền lợi và đầu ra sản phẩm cho người nông dân, trên cơ sở hợp tác ký kết giữa huyện Vị Xuyên với Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình); Công ty Đồng Giao sẽ hỗ trợ người dân vốn và thuốc bảo vệ thực vật với hình thức đầu tư có thu hồi, đồng thời chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân theo giá thị trường tiêu thụ với mức tối thiểu 5.000 đồng/kg trở lên. Bên cạnh đó, hiện nay chanh leo là loại quả có thể làm sinh tố, nước ép, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt, đang được thị trường ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Dựa trên những cơ sở thực tế đó, người dân trồng chanh leo có thể yên tâm về đầu ra cho sản phẩm. Anh Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp Vị Xuyên cho biết: Sau hơn 4 tháng triển khai trồng cây chanh leo đến nay đã bắt đầu thu hoạch, bước đầu cho năng suất cao, sản lượng ước đạt 50 tấn/ha. Để hỗ trợ người dân, Phòng Nông nghiệp phối hợp với Trạm Khuyến nông và các Hội đoàn thể phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây chanh leo. Sắp tới, huyện tiếp tục hỗ trợ 100% phân bón NPK để người dân bón thúc cho diện tích cây chanh leo phát triển mạnh hơn nữa.


Sự phát triển của cây chanh leo phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và năng suất bước đầu thu hoạch cho thấy có hiệu quả, mang đến tín hiệu vui cho người dân. Trong thời gian tới, huyện Vị Xuyên sẽ xây dựng kế hoạch, đồng thời khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng, góp phần đưa chanh leo trở thành cây đặc sản hàng hóa, từ đó nâng cao thu nhập, thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc trên địa bàn toàn huyện.


VĂN LONG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sủng Thài tìm hướng thoát nghèo
HGĐT- Cách trung tâm huyện lỵ Yên Minh không xa, nhưng xã Sủng Thài lại là địa phương có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất huyện. Dù vậy nhưng Đảng bộ, chính quyền và 100% đồng bào dân tộc Mông nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, vượt khó, tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp để xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi o­ng và trồng cây dược liệu đang
17/09/2014
Mô hình cải tạo vườn, đồi tạp cho hiệu quả kinh tế cao
HGĐT- Phát triển kinh tế vườn, đồi là khâu đột phá trong phát triển KT-XH của thôn Nghè, xã Hương Sơn (Quang Bình). Những năm qua, thôn Nghè đã tập trung các nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế mô hình kinh tế vườn, đồi tạo bước chuyển biến đáng kể cho phát triển KT - XH ở địa phương.
17/09/2014
Hiệu quả Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn thâm canh
HGĐT- Với đặc thù là một tỉnh vùng cao, để phát huy lợi thế của từng vùng, tỉnh ta đã xác định phát triển chăn nuôi là một trong những chương trình kinh tế quan trọng và coi việc phát triển chăn nuôi là một trong những giải pháp hàng đầu để xóa đói giảm nghèo bền vững.
16/09/2014
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở Yên Minh - nhanh nhưng phải bền vững
HGĐT- Trong những năm qua, sự thay đổi cách nghĩ, cách làm từ các cấp ủy, chính quyền; ngành Nông nghiệp và nhân dân huyện Yên Minh đã thúc đẩy sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Sản phẩm ngày càng làm ra nhiều nhưng để phát triển nhanh và bền vững không phải là điều dễ dàng.
15/09/2014