Quan tâm giải pháp giúp Công ty Giấy Hải Hà thoát khỏi phá sản
HGĐT- Sau 7 năm chính thức đi vào sản xuất thì 4 năm khắc khoải vì thiếu nguyên liệu. Hơn 30 tỷ đồng đã đầu tư vào đây, hiện Công ty Giấy Hải Hà vẫn đang phải sản xuất cầm chừng, hay để... bán sắt vụn (!)
Công ty Cổ phần Giấy Hải Hà thuộc Tập đoàn HaPhaCo (Hải Phòng) được UBND tỉnh Hà Giang cho phép đầu tư vào Cụm Công nghiệp Nam Quang, huyện Bắc Quang năm 2005. Theo cơ chế ưu đãi của tỉnh, với diện tích được giao trên 3 ha, Công ty đã xây dựng Nhà máy sản xuất giấy đế xuất khẩu sang Đài Loan. Công suất thiết kế, lắp đặt ban đầu 6 tổ máy với tổng sản phẩm 12.000 tấn giấy đế/năm. Tổng vốn đầu tư chia là 2 giai đoạn trên 50 tỷ đồng, giai đoạn đầu đã đầu tư trên 30 tỷ đồng. Theo cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh, Công ty đầu tư vào Cụm Công nghiệp Nam Quang được thuê đất tới 50 năm và được miễn nộp tiền thuế quyền sử dụng đất trong vòng 10 năm, kể từ ngày có Quyết định giao đất, cùng nhiều chế độ ưu đãi khác như hỗ trợ điện, nước... Vùng nguyên liệu khảo sát để xây dựng nhà máy chủ yếu là cây sợi dài tre, nứa, vầu và được quy hoạch trên 40.000ha tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và một số xã tiếp giáp phía Bắc huyện Bắc Quang thuộc huyện Vị Xuyên. Sau hơn 2 năm đầu tư xây dựng, đến 19.5.2007, Nhà máy này chính thức đi vào sản xuất; được đầu tư 6 dây chuyền sản xuất giấy đế, 1 Tổ hợp xử lý nước thải bằng công nghệ Đài Loan. Toàn bộ sản phẩm đều được bán sang Đài Loan. Trong thời gian đầu, nhà máy tiếp nhận gần 200 công nhân, chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc huyện Bắc Quang, Quang Bình. Từ chỗ nguyên liệu tre nứa, giang, vầu không có thị trường tiêu thụ, nhân dân thiếu việc làm ngay trên mảnh đất của mình thì từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã thu mua nguyên liệu, tạo thêm việc làm cho dân. Giá thu mua nguyên liệu cũng tăng dần từ 400.000 đồng/tấn lên gần 800.000 đồng/tấn trong thời điểm hiện nay. Tính bình quân mỗi ha rừng tre nứa tỉa thưa bán nguyên liệu cho nhà máy mỗi năm nhà nông cũng thu vài chục triệu đồng. Để 1 ha rừng tre nứa, rừng vầu tái sinh đông đặc đem tỉa thưa bán nguyên liệu cho nhà máy người nông dân còn thu lợi hơn cả chuyển đổi trồng mía hoặc các loại cây trồng khác bởi họ không mất chi phí đầu tư, chăm bón.
Nhà máy sản xuất Giấy đế xuất khẩu của Công ty Giấy Hải Hà (Cụm Công nghiệp Nam Quang)... “đói” nguyên liệu.
Trong gần 2 năm kể từ ngày sản xuất, nhà máy hoạt động gần như hết công suất thiết kế, sản xuất 3 ca/ngày đêm. Công việc sản xuất tại nhà máy thuận lợi được gần 2 năm (từ năm 2007 đến hết 2009), bước sang năm 2010 thì lâm dần vào khó khăn vì thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Khó khăn bắt đầu từ năm 2010, do sự chuyển đổi phá bỏ rừng tre nứa, rừng vầu chuyển sang trồng cây cao su. Sự chuyển đổi quá nhanh diện tích rừng thuộc vùng cây nguyên liệu sợi dài đã nằm trong quy hoạch ban đầu để lấy đất trồng cao su đã làm cho Công ty và nhà máy hẫng hụt và làm cạn kiệt nguyên liệu sản xuất. Hết rừng, cạn kiệt nguyên liệu ở Hà Giang đã buộc Công ty phải mở rộng tìm kiếm nguồn nguyên liệu xuống tỉnh Tuyên Quang và các vùng phụ cận thuộc tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu trên cũng không nhiều, không đều, thiếu ổn định gây không ít khó khăn cho Công ty trong việc duy trì sản xuất, tạo công ăn, việc làm cho công nhân.. Sự thiếu hụt nguyên liệu buộc nhà máy phải cắt giảm sản xuất từ 200 công nhân xuống còn 70 công nhân vào cuối năm 2010 và tháo rỡ 3 tổ máy khỏi dây chuyền hoạt động, hạ thấp nhất các chi phí hoạt động thường xuyên để duy trì sản xuất của 3 tổ máy còn lại. Tuy khó khăn,song Công ty Hải Hà vẫn thực hiện đúng cam kết đối với tỉnh đó là: Tạo công ăn, việc làm cho con em địa phương và làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; thu mua nguyên liệu cho đồng bào địa phương theo giá thỏa thuận thị trường... Kể từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm Công ty nộp ngân sách địa phương từ 1,7- 2,2 tỷ đồng, giải quyết ổn định việc làm, thu nhập cho 70 lao động địa phương. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên hiện nay cần tháo gỡ để Công ty tiếp tục duy trì sản xuất, tạo đủ công ăn, việc làm cho đội ngũ công nhân đã gắn bó với Công ty từ những ngày đầu đến nay chính là nguyên liệu tre nứa, giang, vầu vẫn đang bị thu hẹp mỗi ngày do chuyển đổi rừng. Thứ 2 là chưa được UBND tỉnh giao đất chính thức, chưa có biện pháp, giải pháp ổn định vùng nguyên liệu lâu dài như quy hoạch ban đầu xây dựng nhà máy vào Cụm Công nghiệp Nam Quang. Những nguyên nhân trên đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với Công ty làm sao lo đủ nguyên liệu cho nhà máy tiếp tục hoạt động. Hơn lúc nào hết, Công ty rất cần sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, các ban, ngành liên quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đất tổ chức xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo sản xuất bền vững.
Ý kiến bạn đọc