Mất cân đối nghiêm trọng trong trồng và khai thác rừng

08:03, 30/09/2014

HGĐT- Qua khảo sát sơ bộ, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở thu mua, chế biến gỗ. Bình quân, 1 xưởng làm ván bóc mỗi tháng thu mua, chế biến trên 300 m3 gỗ. Mỗi tháng, các cơ sở trên thu mua, chế biến trên dưới 3.000 m3 gỗ, tương đương khoảng 550- 600 ha rừng trồng. Trên thực tế, trồng 1 ha rừng phải mất ít nhất 6 năm trở lên mới cho thu hoạch (nếu trồng cây Keo). Cứ đà sản xuất gỗ từ nguyên liệu rừng trồng như thế này thì mỗi năm chúng ta đã khai thác ít nhất là 30.000 ha rừng trồng. Vài năm sản xuất như vậy thì lấy đâu ra rừng để khai thác?



Rất nhiều cơ sở chế biến ván bóc từ gỗ rừng trồng mọc lên như... “nấm” (!?).


Năng lực trồng rừng hiện nay là hết sức yếu kém. Tại sao vậy? Theo con số báo cáo của Sở NN & PTNT cho biết: Kế hoạch trồng rừng sản xuất năm 2014 được Sở NN & PTNT đề ra là 1.580 ha. Trong 6 tháng đầu năm mới trồng được 991,5 ha, đạt trên 63% kế hoạch giao. Còn thực tiễn công tác trồng rừng tại một số huyện trọng điểm như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên... trong 6 tháng đầu năm còn rất nhiều hạn chế. Cụ thể: Tại Bắc Quang qua 6 tháng mới trồng được 452,5 ha. Trong đó, 3 Công ty Lâm nghiệp đóng trên địa bàn trồng được 232,2 ha; Dự án Phát triển rừng trồng được 125 ha, các thành phần khác trồng 95,6 ha (kế hoạch trồng rừng năm 2014 huyện Bắc Quang đề ra là 1.000 ha). Tại huyện Quang Bình, kế hoạch trồng rừng năm 2014 là 350 ha, trong đó có 50 ha trồng rừng phòng hộ, còn lại 300 ha là rừng sản xuất. Ở một số huyện khác như: Xín Mần, Hoàng Su Phì, trong nửa năm qua, công tác trồng rừng cũng còn nhiều hạn chế, chủ yếu là thời tiết khô hạn làm chậm tiến độ. Tuy nhiên, theo những đánh giá gần đây là còn nhiều khó khăn trong công tác phát triển rừng, nhất là trồng rừng kinh tế. Nguyên nhân của những hạn chế thì có nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó nguyên nhân quan trọng nhất chính là người trồng rừng “chưa sống được” từ rừng. Theo khảo sát mới đây cho thấy: Mỗi ha rừng trồng Keo phải chăm lo trông coi ít nhất từ 6 – 8 năm mới cho thu hoạch. Và mỗi ha rừng trồng ngần ấy năm cũng chỉ thu được khoảng 35 – 40 triệu đồng. Tính bình quân mỗi năm trồng rừng người làm rừng mới thu được khoảng 5 triệu đồng/ha, không đủ đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó, diện tích đất rừng được giao tới tay các hộ còn nhỏ hẹp, bình quân trên dưới 1 ha/hộ. Nguyên nhân trên đã phần nào làm chậm, làm giảm năng lực đầu tư trồng rừng trong suốt thời gian dài. Một nguyên nhân nữa làm giảm khả năng phát triển rừng đó là việc quy hoạch chuyển đổi, phân loại rừng vì mục tiêu phát triển kinh tế còn nhiều điểm bất hợp lý. Tại các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê... là những huyện có diện tích rừng, đất trồng rừng thuận lợi nhất, ưu đãi nhất lại chuyển trồng cây trồng khác khiến diện tích dành cho trồng rừng bị thu hẹp. Còn lại là các huyện vùng cao phía Bắc, phía Tây thổ nhưỡng đất đai, khí hậu không thuận lợi cho trồng rừng. Từ công tác quy hoạch vùng phát triển đến kế hoạch phát triển trồng rừng làm chưa hợp lý. Thực tiễn đó đã dẫn đến hạn chế trong công tác chỉ đạo phát triển rừng yếu kém trong cả thời gian dài. Nếu đem con số khai thác, chế biến gỗ rừng trồng hiện nay so với khả năng trồng rừng trong 6 tháng qua, hay so với kế hoạch trồng rừng mà Sở NN & PTNT đưa ra cho cả năm 2014, thì rõ ràng quá bất cập. Bất cập nữa cũng cần được đề cập đó là công tác quản lý, cấp phép khai thác và chế biến gỗ hiện nay chưa nhìn nhận vào thực tế diện tích rừng cần khai thác để trồng lại. Trồng rừng quá ít nhưng khai thác, chế biến thì quá nhiều, dẫn đến mất cân đối, làm giảm giá trị gia tăng của kinh tế rừng. Hiện tượng giảm giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh diễn ra không kiểm soát được. Điều đó, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không thể khuyến khích được người dân trồng rừng vì giá thu mua gỗ bấp bênh. Và hệ lụy của nó là lãng phí nguồn tài nguyên về đất đai, sức lao động, chưa phát huy được thế mạnh giàu tiềm năng như đã nêu trên.


Hơn lúc nào hết, đã đến lúc tỉnh cần phải xem xét lại toàn bộ chiến lược phát triển kinh tế rừng cho hợp lý, hợp với thực tiễn hiện nay. Trong đó, phải quy hoạch lại vùng trồng rừng, kế hoạch lại việc trồng và cấp phép thu mua, sản xuất nghề rừng càng sớm càng tốt. Nếu không được sớm quy hoạch lại thì hệ lụy của nó để lại cho nền kinh tế và công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và tác động xấu đến môi trường sống sẽ không hề nhỏ.


NGUYỄN HÙNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Từ nhà máy thủy điện bỏ hoang thành công trình cấp nước sinh hoạt hiệu quả
HGĐT- Xuân Giang là xã vùng thấp, cửa ngõ phía Nam huyện Quang Bình; có nhiều tiềm năng phát triển KT-XH, nhất là sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi. Với điều kiện đất đai, khe suối thuận lợi, năm 1998 xã được Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng Nhà máy Thủy điện Ma Chì tại thôn Quyền, gồm 2 Tổ máy phát điện, công suất mỗi Tổ 44 KW, cung cấp điện cho dân cư thôn
27/09/2014
Nhiều mô hình kinh tế ở Ngọc Linh phát huy hiệu quả
HGĐT- Trong nhiều năm qua, mô hình phát triển kinh tế gia đình được nhân dân xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) nhân rộng. Với kế hoạch xây dựng và phát triển nền kinh tế xã nhà, đây được xem là một trong những chiến lược phát triển kinh tế lâu dài nhằm nỗ lực xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đến nay, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực góp phần nâng cao đời sống
27/09/2014
Liên kết “4 nhà” trong sản xuất - nhìn từ Chương trình trồng chanh leo
HGĐT- Năm 2014, tỉnh ta triển khai chương trình thí điểm phát triển cây chanh leo tại các huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Sau 6 tháng, cây chanh leo được trồng đảm bảo kế hoạch về diện tích, sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch, giúp người dân có thêm thu nhập và mở ra cơ hội phát triển sản xuất hàng hóa cho các địa phương. Có được kết quả đó là nhờ
27/09/2014
Trao xe đạp phát điện cho các hộ nghèo tại thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên
HGĐT- Thừa ủy quyền của UBND tỉnh, trong 2 ngày 25-26.9, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức trao 20 chiếc xe đạp phát điện cho 20 hộ của 2 thôn Khuổi Lịa, xã Phương Độ (TPHG) và thôn Hoàng Lì Pả, xã Minh Tân (Vị Xuyên).
26/09/2014