Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Tùng Bá – thuận lòng dân

08:22, 18/09/2014

HGĐT- Năm 2013, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu, tuy nhiên do chưa có những chủ trương hỗ trợ thích hợp cho người dân nên hiệu quả không cao. Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.


Mô hình cánh đồng mẫu lúa lai lớn của Tùng Bá được thực hiện trên diện tích 36ha ở 2 thôn Nà Thé và Khúc Hạ với 136 hộ tham gia, 100% là giống lúa lai Nhị Ưu 838. Các hộ dân được cung ứng đầy đủ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt thời gian cây lúa sinh trưởng đến khi thu hoạch. Theo cam kết, số tiền giống sau khi các hộ cấy xong phải hoàn trả lại cho chủ đại lý cung ứng. Riêng kinh phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sau khi thu hoạch các hộ mới phải hoàn trả, có thể bằng tiền hoặc thóc tùy vào điều kiện từng hộ. Điều này được người dân hưởng ứng và rất vui mừng, phấn khởi vì giúp họ yên tâm và tiện lợi chăm sóc lúa.



Toàn bộ diện tích cánh đồng lúa lai ở Tùng Bá đang vào thời kỳ chắc hạt.

Ông Mương Ngọc Chắt, Trưởng thôn Nà Thé cho biết: “Được xã chủ động bảo lãnh với Đại lý cung ứng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các hộtrong thôn tham gia mô hình rất phấn khởi, sản xuất vụ mùa kịp thời; các quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trong thời gian sinh trưởng được thực hiện đúng như cán bộ khuyến nông hướng dẫn, giúp cây lúa phát triển tốt nên chắc chắn vụ này bà con sẽ thu được năng suất cao”.


Đến thời điểm này, tất cả số giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Đại lý cung ứng cho các hộ dân tham gia mô hình được xã Tùng Bá thống kê có tổng giá trị kinh phí gần 150 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ đối với một đại lý ở một xã vùng sâu. Thế nhưng, nhờ công tác dân vận khéo, chủ Đại lý cung ứng giống Hoài Văn Thương đã đồng ý cung ứng đầy đủ cho các hộ thực hiện mô hình. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thương chia sẻ: Gia đình tôi cũng trồng lúa nhiều năm nay, thấy chủ trương của xã rất hay mà lãnh đạo xã cũng đứng ra bảo lãnh nên chúng tôi rất yên tâm hỗ trợ các hộ tham gia mô hình. Hy vọng khi tổng kết, năng suất lúa sẽ cao hơn nhiều so với những năm trước. Chúng tôi cũng thấy vui vì giúp được mọi người”.


Cùng lãnh đạo và cán bộ khuyến nông xã Tùng Bá đi thăm cánh đồng lúa lai, Phó Chủ tịch UBND xã Vương Thành Chung cho biết: “Cũng do năm 2013 khi thực hiện thí điểm một mô hình lúa lai nhưng năng suất chỉ đạt 54 tạ/ha, thấp hơn năng suất bình quân của cả xã là 56 tạ/ha. Vì vậy, vụ mùa này xã chúng tôi quyết tâm thực hiện mô hình này. Để đạt hiệu quả cao nhất, xã đã đứng ra bảo lãnh với chủ Đại lý cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia mô hình. Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNT huyện và cán bộ khuyến nông xã thường xuyên kiểm tra hướng dẫn nhân dân ngay từ khi bắt đầu thực hiện cho đến nay, với mong muốn có thể giúp bà con sản xuất đồng bộ các khâu gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ để nâng cao năng suất lúa”.


Hiện nay, toàn bộ diện tích mô hình cánh đồng mẫu lúa lai ở Tùng Bá đã trỗ bông và chuẩn bị chắc hạt, cây lúa phát triển tốt. Một số thửa ruộng có dấu hiệu xuất hiện rầy nâu nhưng đã được cán bộ Phòng NN-PTNT huyện, khuyến nông viên xã hướng dẫn nhân dân tiến hành phun thuốc bảo vệ. Dự kiến đầu tháng 10, một số trà lúa chín sớm sẽ được gặt trước và đến cuối tháng toàn bộ diện tích sẽ được thu hoạch xong. Năng suất ước đạt 60 tạ/ha.


Hình thức bảo lãnh, liên kết với tư thương của chính quyền địa phương cung ứng trước giống, phân bón cho người dân sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện ở nhiều nơi, thế nhưng nó mới được xã Tùng Bá thực hiện và nhận được sự đồng tình của người dân, cho thấy đây là một cách làm hay của cấp ủy, chính quyền xã Tùng Bá, tạo điều kiện giúp người dân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đồng bộ, khoa học.


DUY TUẤN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quan tâm giải pháp giúp Công ty Giấy Hải Hà thoát khỏi phá sản
HGĐT- Sau 7 năm chính thức đi vào sản xuất thì 4 năm khắc khoải vì thiếu nguyên liệu. Hơn 30 tỷ đồng đã đầu tư vào đây, hiện Công ty Giấy Hải Hà vẫn đang phải sản xuất cầm chừng, hay để... bán sắt vụn (!)
18/09/2014
“Hồi sinh” những vùng đất khô hạn ở Mèo Vạc
HGĐT- Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang khẩn trương thu hoạch ngô, chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới thì người dân ở các xã: Niêm Tòng, Niêm Sơn, Khâu Vai mới bắt đầu tiến hành vun các diện tích ngô trồng lại. Nguy cơ thiếu đói đang hiện hữu, nhưng trên gương mặt của người nông dân, họ vẫn đặt nhiều niềm tin vào những nương ngô đang vươn mình “hồi sinh”
18/09/2014
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở Bản Luốc
HGĐT- Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
18/09/2014
Vị Xuyên, tín hiệu vui từ Đề án 50 ha cây chanh leo
HGĐT- Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế và Đề án phát triển 50 ha cây chanh leo của UBND huyện Vị Xuyên (tập trung tại 3 xã Trung Thành, Ngọc Linh và Bạch Ngọc); sau hơn 4 tháng trồng và chăm sóc, đến nay số diện tích cây chanh leo mùa đầu tiên đã bắt đầu cho thu hoạch, bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.
17/09/2014