Công ty Cổ phần đầu tư khoáng sản An Thông:

Đóng góp mạnh mẽ cho nguồn thu ngân sách

17:54, 19/09/2014

HGĐT- Công ty Cổ phần Đầu tư (CPĐT) khoáng sản An Thông - thành viên Tập đoàn Hòa Phát đã, đang chứng tỏ đẳng cấp nhà đầu tư chuyên nghiệp với chiến lược kinh doanh bài bản, năng lực quản trị vượt trội. Hơn 3 năm hoạt động, Công ty đang khẳng định vai trò trụ cột ngành công nghiệp, trở thành đơn vị có đóng góp lớn nhất cho ngân sách địa phương... Đó là tình cảm chân thành của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành chúng tôi ghi nhận được khi tìm hiểu về Công ty CPĐT khoáng sản An Thông.


Những nhận xét trên hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ qua 8 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 1.665 tỷ đồng, thu ngân sách hơn 800 tỷ đồng, riêng Công ty CPĐT khoáng sản An Thông đóng góp trên 109 tỷ đồng. Cách đây không lâu, khi ban Giám đốc Công ty báo cáo trước lãnh đạo tỉnh, khẳng định sẽ nhanh chóng vươn lên, nộp ngân sách hàng năm ở con số trăm tỷ đồng, nhiều người rất mừng, nhưng cũng không dám tin. Bởi lẽ, với hơn một nghìn doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực, nhưng số thuế nộp ngân sách hàng năm rất khiêm tốn, nhiều đơn vị không phát sinh thuế hoặc chỉ nộp vài triệu đồng/năm, doanh nghiệp nào nhiều cũng chỉ vài ba chục tỷ. Đối với một doanh nghiệp “sinh sau đẻ muộn”, như Công ty CPĐT khoáng sản An Thông, không biết có chiến lược gì để vượt qua nhiều tên tuổi đi trước và lại có thể đóng góp lớn cho ngân sách. Chứng minh những lời nói của mình hoàn toàn có cơ sở, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhiều bước đi vững chắc, chiến lược đầu tư kinh doanh đúng hướng, khai thác được lợi thế và sau 3 năm các dự án chính thức khởi động, Công ty CPĐT khoáng sản An Thông đã khẳng định bản lĩnh nói luôn đi đôi với làm.


Đặt chân đến Hà Giang sau rất nhiều các doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nhưng Công ty CPĐT khoáng sản An Thông nhanh chóng vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghiệp của tỉnh. Đến nay, tổng nguồn vốnđầu tư vào các dự án khoảng 3 nghìn tỷ đồng, hệ thống các cơ sở sản xuất như Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Vị Xuyên, Nhà máy chế biến tinh quặng sắt Minh Sơn (Bắc Mê), Nhà máy quặng sắt vê viênKCN Bình Vàng đang... đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho trên 700 người, trong đó có gần 500 lao động địa phương, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.


Bắc Mê, Vị Xuyên hai địa bàn vùng thấp, dù có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng đến nay vẫn là địa phương nghèo. Các lĩnh vực thế mạnh chưa thực sự phát huy hiệu quả, hàng năm áp lực thu ngân sách luôn trở thành nỗi lo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Nhưng từ khi các dự án của Công ty CPĐT khoáng sản An Thông vận hành ổn định, nguồn thu tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Từ năm 2010 - 2013, Công ty CPĐT khoáng sản An Thông đã nộp ngân sách Nhà nước 175,5 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm nay, số thu nộp ngân sách vượt con số 100 tỷ đồng, trong đó nộp tại Cục Thuế tỉnh gần 20 tỷ đồng, đóng góp ngân sách huyện Bắc Mê trên gần 48 tỷ đồng và huyện Vị Xuyên trên 41,4 tỷ đồng.


Chúng tôi trở lại Bắc Mê, dù địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, nhưng đổi lại thiên nhiên ban cho mảnh đất này nhiều loại khoáng sản có giá trị như sắt, chì - kẽm, mangan... Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, nhiều nhà đầu tư đã, đang triển khai các dự án, nhưng dự án của Công ty CPĐT khoáng sản An Thông phát huy hiệu quả nhất. Từ khi dự án khai thác khoáng sản Sàng Thần (Minh Sơn) đi vào hoạt động, nhiều con em địa phương đã trở thành công nhân ngay trên quê hương, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao, thu nhập ổn định. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Triệu Trung Hiệp, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: 8 tháng đầu năm, thu thuế và phí của huyện gần 57 tỷ đồng, đạt trên 85% dự toán tỉnh giao, số đóng góp của Công ty CPĐT khoáng sản An Thông chiếm khoảng 80% thu ngân sách. Ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách, doanh nghiệp còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, chia sẻ lợi ích cộng đồng, niềm tin của người dân với doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.


Cũng như Bắc Mê, huyện Vị Xuyên là địa bàn có nhiều loại khoáng sản, nhiều điểm mỏ đang được đầu tư khai thác. Nhưng thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản của nhiều nhà đầu tư đã gây xáo trộn cuộc sống người dân, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường. Ở các xã Linh Hồ, Bạch Ngọc... người dân chưa một ngày được hưởng niềm vui, mỗi khi mùa mưa đến họ luôn phải đối mặt với tình trạng chất thải từ các nhà máy, khai trường khai thác khoáng sản tràn xuống, vùi lấp dòng suối, ruộng vườn. Nhưng ngược lại, các dự án do Công ty CPĐT khoáng sản An Thông triển khai không những tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho con em địa phương, còn luôn chú trọng bảo vệ môi trường, đầu tư cho an sinh xã hội, số thuế, phí nộp 8 tháng qua chiếm 46% tổng thu ngân sách.


Sáu năm đặt chân đến mảnh đất nghèo Hà Giang, Công ty An Thông đã đóng góp hoạt động xã hội gần 18 tỷ đồng, tại nhiều địa bàn nghèo đều có dấu ấn Công ty CPĐT khoáng sản An Thông. Những ngôi trường, nhà văn hóa thôn, nhà tình nghĩa, đường giao thông... được hình thành từ sự đóng góp của doanh nghiệp, càng khắc đậm tình cảm với người dân Hà Giang.


Trên 100 tỷ đồng đóng góp cho ngân sách địa phương 8 tháng qua là dấu mốc quan trọng, nó khẳng định sự quyết tâm, bước trưởng thành và những đóng góp lớn của doanh nghiệp với mảnh đất Hà Giang. Đồng thời, cũng mở ra nhiều hy vọng, khi người đứng đầu Công ty CPĐT khoáng sản An Thông khẳng định, đến cuối năm con số nộp ngân sách có thể đạt 130 tỷ đồng.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Họp chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết Chương trình phát triển công nghiệp thủy điện, khai khoáng và chế biến
HGĐT- Ngày 18.9, UBND tỉnh tổ chức họp chuẩn bị cho Hội nghị sơ kết Chương trình phát triển công nghiệp thủy điện, khai khoáng và chế biến trên địa bàn tỉnh.
19/09/2014
Ký kết trồng dược liệu giữa tỉnh Hà Giang và tập đoàn GFS
Sáng 18.9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang và Tập đoàn GFS (chuyên về đầu tư tài chính, kinh doanh bất động sản, công nghệ cao và dược liệu) đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình “Phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo ở 6 huyện 30A Hà Giang”. Tham dự lễ ký có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
19/09/2014
Quan tâm giải pháp giúp Công ty Giấy Hải Hà thoát khỏi phá sản
HGĐT- Sau 7 năm chính thức đi vào sản xuất thì 4 năm khắc khoải vì thiếu nguyên liệu. Hơn 30 tỷ đồng đã đầu tư vào đây, hiện Công ty Giấy Hải Hà vẫn đang phải sản xuất cầm chừng, hay để... bán sắt vụn (!)
18/09/2014
Hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Tùng Bá – thuận lòng dân
HGĐT- Năm 2013, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng mẫu, tuy nhiên do chưa có những chủ trương hỗ trợ thích hợp cho người dân nên hiệu quả không cao. Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại
18/09/2014