Cây Hồi ở Túng Tẩu
HGĐT- Cây hồi được người dân thôn Túng Tẩu, xã Lao Và Chải (Yên Minh) trồng từ năm 1995 theo Dự án Định canh, định cư của Chính phủ. Diện tích trồng khi đó khá nhiều, nhưng đến nay người dân nơi đây chỉ còn giữ lại được gần 2ha. Nhưng đến thời điểm này, loại cây này dường như đã bị lãng quên bấy lâu nay đang được thu hoạch và cho giá trị kinh tế cao.
Người dân Túng Tẩu dùng cây đập rụng quả Hồi để thu hái khiến cây bị tổn thương.
Ở Hà Giang nói chung, huyện Yên Minh nói riêng, so với những loại cây công nghiệp và dược liệu như chè, thảo quả..., cây hồi chưa được trồng và chú ý nhiều, bởi những hạn chế về mặt khách quan như ít vùng có khí hậu phù hợp, người dân chưa biết nhiều về giá trị kinh tế của loại cây này... Tuy nhiên, với 2ha hồi đang phát triển ở Túng Tẩu thực sự đã cho thấy nó rất hợp với thổ nhưỡng, thời tiết nơi đây, bởi cây rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc nhưng đem lại thu nhập khá cao đối với người dân. Ông Sùng Mí Thào - một trong số những người còn diện tích hồi lớn nhất ở địa phương này, cho biết: “Chúng tôi trồng loại cây này đã 20 năm nay, cây hồi dễ trồng như trồng rừng, chỉ phải chăm sóc trong 1, 2 năm đầu. Khi cây trưởng thành và cho thu hoạch, trung bình mỗi cây cũng cho sản lượng từ 30 đến 50 kg, thậm chí cây nào to, chăm sóc tốt còn được gần 1 tạ quả, thu nhập có năm được trên 10 triệu đồng”.
Bí thư Chi bộ thôn Sùng Mí Cầu chia sẻ: “Lúc được Nhà nước cho cây đem về trồng, người dân rất phấn khởi khi nghe về giá trị kinh tế của loại cây này, tuy nhiên, sau khoảng 6 - 7 năm cây trưởng thành và ra quả, thời điểm đó quả hồi chỉ được người dân sử dụng làm gia vị trong một số món ăn truyền thống bởi không có thương lái thu mua. Chính vì thế, người dân dần thiếu quan tâm, chăm sóc và một số bị chặt bỏ để trồng các loại cây khác, khiến cho diện tích hồi ở Túng Tẩu ngày một giảm, chỉ còn gần 2 ha như hiện nay”. Từ những năm 2008, 2009 đến nay, hoa hồi mới thực sự bắt đầu đem lại giá trị kinh tế cho người dân Túng Tẩu khi có thương lái đến thu mua. Vụ năm trước, có thời điểm người dân bán được 14 nghìn đồng/kg hoa hồi tươi, 50 đến 70 nghìn đồng/kg khô, có gia đình đã thu về gần 15 triệu đồng từ rừng hồi hơn 100 cây.
Cây hồi thường ra hoa, quả quanh năm, nhưng vụ Thu là vụ chính, tuy nhiên, do không biết cách thu hái nên người dân thường dùng cành cây đập quả rụng xuống rồi nhặt, khiến cho cây bị tổn thương, rụng hết các hoa mới ra, giảm sản lượng quả và phải 2 năm sau mới tiếp tục được thu hái. Vụ hồi năm nay ở Túng Tẩu được coi là khá được mùa, tuy nhiên giá thành lại giảm chỉ còn hơn 6 nghìn đồng/kg, tuy vậy những gia đình có diện tích cây hồi lớn nhất như ông Sùng Mí Thào vẫn thu về gần 7 triệu đồng, đó là một số tiền không nhỏ với những người dân nơi đây.
Hiện nay, Túng Tẩu có 48 hộ dân, 100% là dân tộc Mông, trong đó hộ nghèo chiếm gần 30%, người dân phát triển kinh tế chủ yếu theo lối “tự cung, tự cấp”. Hướng đi thoát nghèo là một “bài toán” khó với họ nếu không có những loại cây, con đem lại giá trị kinh tế ổn định. Thế nên, với diện tích nhỏ nhưng đem lại giá trị kinh tế khá đối với bà con, cây hồi đã và đang giúp người dân Túng Tẩu dần thay đổi nhận thức phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập để từng bước thoát khỏi đói, nghèo. Xã Lao Và Chải chỉ có 2 thôn trồng hồi và tổng diện tích khoảng 3ha. Tuy diện tích ít nhưng cây hồi được người dân đánh giá là có giá trị kinh tế hơn hẳn các loại cây ăn quả như lê, đào và không phải lo đầu ra, bởi cứ đến mùa hồi là thương lái vào tận vườn thu mua. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét việc phát triển cây hồi ở đây cần được các ngành, các cấp quan tâm.
Ý kiến bạn đọc