Sủng Máng, vui buồn nghề làm hương
HGĐT - “Ở cái làng này chưa một ai có thể làm giàu từ nghề làm hương cả! Nghề này được các cụ duy trì từ bao đời nay nên không muốn bỏ, còn thực ra tiền bán hương cũng chỉ thêm được một ít để mua rau, mua muối ở những ngày chợ phiên”. Đó là tâm sự của những gia đình vẫn theo đuổi nghề làm hương ở thôn Sủng Máng, xã Sủng Máng (Mèo Vạc) khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhiều năm nay, nghề truyền thống này chỉ là câu chuyện vui, buồn đan xen.
Theo chân Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Xuân Phấu men theo con đường mòn dẫn vào thôn Sủng Máng, chúng tôi được nghe kể nhiều về đời sống của 68 hộ dân đang sinh sống nơi đây. Giống như nhiều nơi khác trên miền đá Mèo Vạc, trồng ngô và chăn nuôi là hướng đi chính giúp người dân vươn lên thoát nghèo, còn nghề làm hương cũng chỉ... “làm cho vui”. Hiện nay, cả thôn có 17 gia đình người Dao vẫn duy trì nghề truyền thống này nhưng có một “nghịch cảnh” là gần như hầu hết các hộ đều thuộc diện nghèo. “Đối với những người làm hương thì làm bằng cái tâm là chính và chủ yếu tranh thủ những lúc nông nhàn”, anh Phấu tâm sự. Với mỗi người dân nghèo, niềm vui là khi có thêm được một khoản ít ỏi từ công sức của mình, phục vụ chính cuộc sống gia đình. Nhưng có được điều đó ít ai biết được rằng để làm ra một que hương cũng tốn khá nhiều công sức. Được biết, để hoàn thành một que hương, người làm phải lên rừng lấy một loại vỏ, lá cây (theo người dân ở đây thì chỉ vùng núi đá mới có) để trên gác bếp một thời gian cho khô. Sau đó giã thành bột rồi cuốn nhiều lần với que được chẻ nhỏ từ cây mai. Sản phẩm được phơi nắng nhiều ngày, nếu gặp trời mưa thì phơi cạnh bếp. Để thành phẩm một que hương bán ra thị trường nhanh nhất cũng phải mất đến nửa tháng. Tuy nhiên, do tính đặc trưng nên sản phẩm cũng chỉ bán được theo mùa, nhiều nhất vào dịp Rằm tháng Bảy và những ngày lễ Tết. Tùy theo chất lượng, mẫu mã, nếu được giá cũng chỉ khoảng 70 – 80 nghìn đồng/bó. Theo tính toán, nhiều lắm thì mỗi hộ cũng chỉ thu được khoảng từ 500.000 – 1 triệu đồng/năm.
Người dân Sủng Máng bày bán hương tại chợ trung tâm thị trấn Mèo Vạc.
Đã nhiều năm trôi qua, nghề làm hương ở Sủng Máng không ít lần thăng trầm như chính cuộc sống của người dân nghèo nơi đây. Có nhiều hộ không còn thiết tha với nghề truyền thống mà cha ông để lại. Bà Phàn Mẩy Toan đã biết nghề này mấy chục năm nay, chia sẻ: “Bây giờ chỉ làm cho vui thôi, tiền có bán được bao nhiêu đâu. Ngày trước thì nguyên liệu có nhiều chứ bây giờ ít lắm, mà lên rừng lấy gỗ về lại thành người đi phá rừng thì chẳng ai muốn cả”. Cũng theo nhiều người dân cho biết, có những ngày mang hương ra chợ không bán được đành phải mang về, khiến tâm lý người làm chán nản. Chính vì thế, hiện nay nghề làm hương đang dần bị lãng quên. Vậy làm sao giúp người nông dân duy trì và phát huy được hiệu quả nghề truyền thống này vẫn đang là bài toán chưa có lời giải. Đồng chí Trần Ngọc Thặng, Bí thư Đảng ủy xã Sủng Máng cho biết: “Hiện nay, người dân làm nghề chủ yếu bằng kinh nghiệm vốn có, chưa phải làng nghề, trong khi đó sản phẩm đầu ra cũng khá bấp bênh nên chính quyền xã cũng chỉ biết động viên nhân dân tranh thủ nhàn rỗi, tích cực làm thêm để tăng thêm thu nhập”.
Nghề làm hương đã được người dân ở Sủng Máng gìn giữ, lưu truyền nhiều năm nhưng để nghề truyền thống này thực sự mang lại cuộc sống ấm no luôn là ước mong của những người dân nghèo. Và trong suy nghĩ của họ cũng không muốn một vài năm nữa, cái nghề của cha ông chỉ là câu chuyện kể lại!.
Ý kiến bạn đọc