Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa ở Vị Xuyên
HGĐT- Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường vẫn luôn là một trong những điều kiện tốt cho nhiều loại sâu bệnh hại lúa (SBHL). Vừa qua, trên địa bàn huyện Vị Xuyên, diện tích lúa vụ Mùa đang trong thời kỳ đẻ nhánh đã xuất hiện một số loại SBHL như: Sâu cuốn lá nhỏ (SCLN), bệnh bạc lá, đốm sọc... Trong đó SCLN xuất hiện nhiều và phát triển nhanh gây hại cho lúa tại nhiều xã trong huyện.
Anh Lương Xuân Hội, thôn Lùng Càng xã Phong Quang (Vị Xuyên) đang phun thuốc diệt trừ sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa.
Sau bão số 2 kèm theo thời tiết mưa nắng thay đổi thất thường, làm cho dịch SBHL phát triển mạnh. Những ngày qua, từ sáng sớm đã thấy rất nhiều người dân xã Phong Quang (Vị Xuyên) tập trung ngoài đồng lúa của xã, dùng cành tre đi khắp các ruộng lúa để dập SCLN đang xuất hiện và bùng phát gây hại cho nhiều diện tích lúa vụ Mùa. Khoảng 80ha diện tích lúa vụ Mùa của toàn xã đang trong thời gian đẻ nhánh bị SCLN phá hoại làm cho những ruộng lúa trở nên bạc trắng và xơ xác. Đứng trước dịch SCLN bùng phát tại cánh đồng Phong Quang và bắt đầu xuất hiện trên một số xã khác như Việt Lâm, Quảng Ngần, Linh Hồ... Phòng Nông nghiệp Vị Xuyên đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch để diệt trừ đối với SCLN trong giai đoạn nở lứa thứ 5. Với mức độ gây hại cho lá đòng và lá công năng của SCLN nếu không được dập tắt các ổ dịch thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và năng suất sau này của cây lúa. Phòng Nông nghiệp đã cắt cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cơ sở thành lập các tổ điều tra, theo dõi diện tích lúa bị nhiễm SCLN để khoanh vùng, kết hợp sử dụng biện pháp kỹ thuật phòng, trừ hiệu quả. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đôn đốc nhân dân thường xuyên kiểm tra và vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại để làm giảm sự phát triển của SCLN. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân trước khi phun thuốc diệt SCLN nên sử dụng cành tre phất nhẹ trên đầu lá lúa để làm vỡ tổ sâu sau đó phun sẽ tạo hiệu quả cao hơn. Hướng dẫn người dân phun thuốc diệt trừ theo nguyên tắc 4 đúng: đúng cách, đúng thuốc, đúng lúc và đúng liều lượng nồng độ. Ngoài ra, đối với SCLN xuất hiện tại cánh đồng xã Phong Quang, Phòng Nông nghiệp đã hướng dẫn cho người dân phun thuốc diệt trừ kịp thời, kết hợp với bón phân cân đối, hợp lý. Tập trung chăm sóc cho diện tích bị SCLN gây hại, tăng cường bón Kali để cây lúa phục hồi nhanh và phát triển mạnh.
Chị Nguyễn Thị Hương, Phó Phòng Nông nghiệp Vị Xuyên cho biết: Do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ Mùa năm nay, SCLN xuất hiện và gây hại nhiều hơn mấy năm trước. Trong đó, vùng lúa xã Phong Quang bị sâu gây hại nhiều nhất, mặc dù huyện đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp phòng trừ SCLN nhưng do chính quyền xã cùng với người dân địa phương còn lơ là, thờ ơ với công tác phòng, chống sâu bệnh cho cây lúa nên làm cho SCLN phát triển và gây hại trên nhiều diện tích lúa của xã. Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật tiếp tục bám sát tình hình thực tế tại đồng ruộng, theo dõi diễn biến tình hình gây hại của SCLN và một số sâu bệnh khác để kịp thời diệt trừ khi có sâu bệnh xuất hiện. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch SCLN...
Hàng năm, tại Vị Xuyên thường có 6 lứa sâu cuốn lá phát sinh, đây là thời điểm SCLN nở lứa thứ 5 nếu không diệt trừ để sâu phát triển lứa thứ 6 thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa vụ Mùa. Vì vậy, công tác phòng, trừ sâu bệnh vẫn tiếp tục được Phòng Nông nghiệp chú trọng triển khai trên địa bàn toàn huyện. Cho đến nay, dịch SCLN tại xã Phong Quang và các xã khác cơ bản đã được khống chế, nhiều diện tích lúa bị SCLN gây hại đang được nhân dân tập trung chăm sóc và nhanh chóng phục hồi.
Ý kiến bạn đọc