Phát triển nông nghiệp ở Xín Mần, nhất thiết phải là cây lương thực?
HGĐT- Có rất nhiều cách để phát triển sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế. Thực tiễn cho thấy, dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây, con, của từng vùng miền; người ta đã làm ra các sản phẩm hết sức độc đáo, có giá trị kinh tế cao, làm nên các thương hiệu hàng hóa nông sản nổi tiếng. Hãy suy nghĩ để tìm ra hướng đi riêng, nhưng lại không riêng ở Xín Mần trong tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) khó lường hiện nay...
Cán bộ Khuyến nông huyện kiểm tra diện tích ngô bị thiệt hại do nắng nóng.
Tác động của biến đổi khí hậu.
Theo một số tài liệu khoa học địa chất, Xín Mần là tiểu vùng đất Sa Na Van (bán sa mạc). Khí hậu chênh lệch khá lớn giữa ngày và đêm, độ ẩm thấp, thường khô, nóng, ít mưa. Thổ nhưỡng dựa trên nền đất pha cát, yếu; thiếu nước về mùa khô và bị rửa trôi mạnh về mùa mưa, hiện tượng sụt, lún, thường xuyên sẩy ra. Hệ thực vật chủ yếu là cỏ, cây bụi và một số loại cây lấy gỗ...
Thực tiễn trong vài năm gần đây, hiện tượng BĐKH đã tác động mạnh đến sản xuất, đời sống ở Xín Mần. Kể từ năm 2008 đến nay, đã có ít nhất 3 lần lở núi, kéo theo lũ quét tại Đán Khao, xã Bản Ngò; Thèn Ván, xã Pà Vầy Sủ; Na La, Díu Thượng, xã Bản Díu; làm chết 5 người và gây thiệt hại nhiều hoa mầu, tài sản của nhân dân. Cũng từ đó đến nay, sẩy ra ít nhất 2 lần nắng nóng cực độ kéo dài, làm mất mùa mỗi lần vài ngàn tấn lương thực, gây khó khăn về nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống hàng vạn hộ dân. Năm 2012, nắng nóng làm mất trên 3.500 tấn lương thực và mới đây, hiện tượng khô hạn do nắng nóng từ sau Tết Nguyên đán đến gần hết tháng 5.2014; làm mất trắng trên 1.400 ha ngô, 296 ha lúa Xuân, 1.256 ha đậu tương cùng hàng vạn ha rau màu các loại; làm sụt giảm trên 4,175 tấn lương thực vụ Xuân 2014. Mất mùa, sâu bệnh, dịch hại..., là những hệ lụy do BĐKH đã gây ra tại Xín Mần liên tục kể từ năm 2008 – 2014. Làm gì để hạn chế tác động do BĐKH gây ra lâu nay, câu trả lời không gì khác là phải đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác trồng rừng. Trong đó, có trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế, thay đổi lại phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Phát triển sản xuất theo hướng nào?
Phát triển chăn nuôi đại gia xúc phải được đặt lên hàng đầu thay cho trồng ngô, lúa. Tuy nhiên, vẫn phải giữ lại một số cây trồng đặc sản có giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Để làm được điều đó, trước hết Xín Mần phải phân định thành 4 vùng miền để chọn hướng đi là: Vùng các xã phía Bắc gồm: Pà Vầy Sủ, Chí Cà, Xín Mần, Nàn Xỉn, Thèn Phàng, Bản Díu; vùng các xã phía Đông Sông Chảy gồm: Tả Nhìu, Cốc Rế, Ngán Chiên, Trung Thịnh, Chế Là; vùng xã xã phía Tây: Có Bản Ngò, Nàn Ma, Thị trấn Cốc Pài; 3 xã phía Nam gồm: Nà Chì, Quảng Nguyên, Khuôn Lùng. Căn cứ vào đặc điểm của từng vùng để có lời giải phát triển cho phù hợp. Thực tiễn cho thấy, cụm xã phía Bắc có 4 xã nằm theo tuyến biên giới; đồng bào phát triển chăn nuôi bò, trồng xen ngô, đậu tương mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Con bò vẫn là vật nuôi gắn bó nhất đối với đa số đồng bào Mông, hãy lấy đó là điểm chọn đầu tư. Còn 2 xã còn lại trong cụm là Thèn Phàng, Bản Díu, chủ yếu là dân tộc La Chí, Nùng; tập quán chăn nuôi là con trâu để phát triển; tại vùng này, việc phát triển đàn ngựa và cây ăn quả quý là lê đường cũng cần được xem xét. Cụm xã phía Đông, đồng bào có truyền thống chăn nuôi trâu, ngựa; các xã này còn là xứ sở của loài cây lấy gỗ có giá trị kinh tế rất cao là cây ngọc am. Tại xã Bản Ngò, Nấm Dẩn, đàn trâu, bò được quan tâm đặc biệt. Riêng đối với xã Nàn Ma, nơi có giống lợn Lông Bò và đàn bò “đại” to lớn nhất vùng, là những loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cần trú trọng đầu tư đủ để phát triển thành hàng hóa. Ở Nàn Ma còn cây mận hậu, đặc sản quý có lợi thế cạch tranh cao và duy nhất trên thị trường cả nước. Vùng còn lại là 3 xã phía Nam, lợi thế là cây lúa, trồng rừng kinh tế và phát triển đàn trâu,lợn, dê hàng hóa.
Cơ chế, chính sách.
Hiện Đảng, Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế tại các vùng đặc biệt khó khăn; Xín Mần hiện đang được hưởng Nghị quyết 30a CP, cùng nhiều cơ chế đặc thù như: Nghị quyết 67, 134, 135, 193, 33 CP... đây là lợi thế đang có. Hãy dùng các nguồn lực đó để chuyển đổi sản xuất mạnh mẽ để có đàn trâu bò, dê, ngựa, cùng một số loại cây trồng đặc sắc trở thành hàng hóa. Theo điều tra cho thấy: Đồng bào Xín Mần hiện đang được thụ hưởng tới 11 loại hình ưu tiên vốn vay đầu tư của Chính Phủ hỗ trợ người nghèo, cận nghèo. Cùng Nghị quyết 47/2002/HĐND tỉnh, cùng nhiều cơ chế ưu đãi đang tạo mọi điều kiện hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất. Cũng theo số liệu từ Ngân hàng CSXH huyện Xín Mần, 6 tháng đầu năm, có gần 10.000 hộ/11.000 hộ đã vay vốn ngân hàng; mức dư nợ bình quân gần 18 triệu đồng/hộ, chưa kể đến nguồn vốn có thể vay từ Ngân hàng NN&PTNT. Hiện các cơ chế, chính sách nêu trên đang được Đảng, Nhà nước khuyến khích người dân tiếp cận để phát triển sản xuất hàng hóa. Có thể nói, chúng ta đang có cả một cơ chế, một chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đầy đủ, đáp ứng nhu cầu để thúc đẩy sản xuất phát triển. Hãy đề nghị Chính phủ có thêm chính sách ưu tiên hỗ trợ thêm lương thực cho đồng bào ít nhất là 3 năm để người dân yên tâm chuyển đổi sản xuất. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi trồng rừng, trồng cỏ để chăn nuôi, bảo vệ môi trường và tầm nhìn để phát triển du lịch sinh thái, gắn chuyển đổi nghề thủ công mỹ nghệ địa phương...
Giải pháp.
Như trên đã phân tích, chúng ta đang có trong tay đủ các điều kiện để cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Vấn đề lúc này, là cần thay đổi mạnh tư duy để tổ chức thực hiện. Tránh đầu tư tràn lan, hãy chọn một vài loại cây, con, có giá trị cạnh tranh để đầu tư. Phải mạnh tay gạt bỏ những thứ rườm rà, những tư duy ỷ lại, để tổ chức,sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp ở Xín Mần sớm nhất. Cả hệ thống kinh tế, chính trị cùng vào cuộc đồng bộ, sẽ thành công.
Ý kiến bạn đọc