Người dân Túng Sán thờ ơ với giá trị kinh tế của cây chè Shan tuyết

07:29, 07/08/2014

HGĐT- Nằm ngay dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh trên dãy Hoàng Liên Sơn, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) có độ cao và khí hậu rất phù hợp với cây chè Shan Tuyết. Từ hàng trăm năm qua, cây chè Shan tuyết đã được người dân trồng ở địa phương này. Cho đến nay, đa phần diện tích chè ở Túng Sán là chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Chính vì thế chất lượng chè ở đây được người dân trong huyện đánh giá rất cao, hơn hẳn chè ở nhiều xã khác trong và ngoài huyện. Hiện loại cây công nghiệp nàyn đã giúp nhiều địa phương ở Hoàng Su Phì và trong tỉnh thoát nghèo, thậm chí làm giàu; song lại không được người dân nơi đây mặn mà và quan tâm.



Người dân không thu hái chè, hai cơ sở chế biến chè lớn nhất Túng Sán không có nguồn nguyên liệu để sản xuất.

Ảnh: Nhà máy chế biến chè Tây Côn Lĩnh không thu mua được nguyên liệu phải tạm dừng hoạt động.


Xã Túng Sán có 259 ha chè, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 228 ha và phần lớn trong số đó là cây chè cổ thụ. Với diện tích chè như vậy, trong khi cả xã chỉ có 2 xưởng sản xuất chè với công xuất chế biến tối đa 7 tấn chè tươi/ngày là Nhà máy chế biến chè Tây Côn Lĩnh và xưởng sản xuất tư nhân của gia đình anh Nông Văn Quảng; thế nhưng, ngay cả vào chính vụ thu hoạch chè, 2 xưởng sản xuất này cũng không đủ nguyên liệu để sản xuất. Chủ xưởng sản xuất chè tư nhân, Nông Văn Quảng cho biết: “Hiện đang là vụ thu hoạch thứ 2 của cây chè, nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình xưởng của anh cũng chỉ hoạt động chưa đến 20% công suất, khoảng hơn 1 tấn chè tươi/ngày. Thậm chí có ngày không thu mua được chè tươi, nhân công không có việc để làm”. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đến Nhà máy chế biến chè Tây Côn Lĩnh. Cửa đóng, then cài, không có dấu hiệu hoạt động là những gì chúng tôi quan sát thấy ở nhà máy này. Người dân quanh khu vực cho biết, do không thu mua được nguyên liệu nên nhà máy đang tạm dừng hoạt động. Thế mới thấy, dù có diện tích chè khá lớn và chất lượng nhưng nguồn nguyên liệu chè ở Túng Sán đang rất khan hiếm, điều đó càng khẳng định người dân Túng Sán khá thờ ở với cây chè. Nếu được quan tâm, chăm sóc và tập trung phát triển, thì nguồn nguyên liệu chè búp tươi ở Túng Sán có đầu ra rất lớn, người dân sẽ có nguồn thu ổn định và không nhỏ từ cây chè.


Trao đổi với lãnh đạo xã Túng Sán, Phó Chủ tịch UBND xã, Hà Phúc Thực cho biết: “Mỗi năm cây chè ở đây chỉ được thu 3 vụ, mỗi vụ khoảng 2 tháng còn lại những tháng mùa Đông chè không được thu. Trong 3 vụ thu hoạch chè thì hầu như vụ 2 và vụ 3 trùng vào vụ Mùa, thời gian này bà con trong xã tập trung làm đất, gieo cấy lúa nên không thu hoạch chè, khi làm xong mùa vụ thì búp chè đã già không thu hái được nhiều hoặc thu hái được thì bán giá thành cũng không còn cao, dẫn đến sản lượng chè thấp. Bên cạnh đó người dân thu hái chè ít nên họ thường tự sao chè để dùng trong gia đình, vì thế các xưởng sản xuất chè không thu mua được nguyên liệu để sản xuất”. Những gì lãnh đạo xã Túng Sán thông tin một lần nữa được khẳng định bởi chính bà con trong xã, chủ một đồi chè cổ thụ ở thôn Tả Chải, chị Đặng Thị Thơm, cho biết: “Nhà mình có khoảng gần 200 cây chè cổ thụ, vào vụ lúa cả gia đình mình phải đi cấy không có người hái. Vừa cấy xong, giờ mình mới có thời gian đi hái thế này thôi”. Theo như người dân và lãnh đạo xã Túng Sán chia sẻ thì những năm qua giá thành chè không ổn định, năm thì cao, năm thì thấp nên người dân mất niềm tin vào thị trường, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc người dân không quan tâm đến cây chè. Được biết hơn hơn 228 ha chè đang cho thu hoạch thì mỗi vụ chỉ thu được khoảng 200 tấn chè tươi. Với sản lượng như vậy cho thấy năng suất chè ở đây khá thấp so với những địa phương khác.



Xưởng sản xuất tư nhân của anh Nông Văn Quảng chỉ hoạt động chưa đến 20% công suất).


Cây chè ở Túng Sán đã có từ hàng trăm năm nay, diện tích ngày càng được mở rộng, chứng tỏ nó đã đem lại nguồn thu và giá trị kinh tế không nhỏ cho người dân. Trước sự thờ ở của người dân, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Túng Sán và ngay cả những thương lái trong vùng đã vận động người dân sắp xếp thời gian ngày mùa tập trung thu hái chè, vừa đảm bảo nguồn thu từ cây chè mà cây chè được thu hái thường xuyên cũng sẽ ra búp nhiều hơn, chất lượng hơn, sản lượng chè ở Túng Sán sẽ ngày một tăng lên đảm bảo sự hoạt động của các xưởng sản xuất; lao động địa phương trong xã cũng có thêm việc làm, thu nhập... Tuy nhiên, người dân vẫn chưa nhận thức được giá trị kinh tế mà cây chè có thể đem lại cho họ trong việc xóa đói giảm nghèo. Bởi như anh Quảng chia sẻ: “Với giá thành 7 đến 8 nghìn đồng/kg như hiện tại, vào mùa vụ một ngày một người có thể hái được từ 25 đến 30 kg búp chè, với số lượng đó họ có thể đủ tiền mua gạo ăn cả tháng. Thế nhưng họ không thể sắp xếp thời gian hợp lý và quan tâm đến giá trị kinh tế của cây chè”.


Diện tích chè ở Túng Sán vẫn còn đó và vẫn ngày ngày xanh tốt trên những sườn đồi, trong khi tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vần nằm ở mức 33,7% trong năm 2013. Thời gian tới, nếu người dân biết quan tâm, chăm sóc và có thể phát huy được giá trị của cây chè, chắc chắn đời sống của bà con nơi đây sẽ đổi khác, cái đói, cái nghèo sẽ không còn quẩn quanh bên họ.


Duy Tuấn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
HGĐT- Sáng 30.7, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2014; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và công bố các Quyết định của UBND tỉnh.
30/07/2014
Ở nơi cơn lũ đi qua
HGĐT- Đợt mưa lũ đêm 20, ngày 21.7 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình. Hàng ngàn ha ruộng vườn bị thiệt hại nặng trong lũ khó khắc phục… Đến nay, đã hơn 1 tuần cơn lũ đi qua, đồng bào vùng “ rốn lũ” đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Rất cần sự hỗ trợ tích cực để đồng bào vượt
29/07/2014
Huyện Hoàng Su Phì: Triển khai vùng giống đậu tương năm 2015
HGĐT- Nhằm đảm bảo nhu cầu giống đậu tương cho nông dân, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai vùng sản xuất giống đậu tương năm 2015 trên diện tích 40 ha tại xã Chiến Phố.
29/07/2014
Giao ban quý II Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh
HGĐT- Sáng 24.7, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh họp giao ban trực tuyến quý II, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện chủ trì hội nghị.
25/07/2014