“Mầu xanh” bên dòng sông Gâm

09:01, 07/08/2014

HGĐT - Ấn tượng lớn nhất với tôi trong chuyến hành trình về với dòng sông Gâm lần này không phải là cảm giác thú vị thưởng thức các loài cá đặc sản Dầm Xanh, Anh Vũ, mà là hình ảnh những ruộng lúa Mùa xanh mẫm sắp vào thì con gái ưỡn ngực đón khí trời và câu chuyện đổi thay tư duy sản xuất của những người nông dân trên vùng đất từng được coi là “chậm đổi mới” nhất nhì tỉnh nhà. Những người trong cuộc gọi đó là một cuộc “đại phẫu”.


Đột phá từ chuyển đổi mùa vụ

 

Có lẽ, chưa năm nào, nhiều diện tích lúa Mùa trên địa bàn huyện lại đang vào thời kỳ đẻ nhánh rộ, đến cuối đẻ nhánh như ở thời điểm này. Người dân đã chăm sóc, sục bùn làm cỏ xong đợt một; cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt theo đúng quy trình kỹ thuật chăm bón. Còn nhớ trước đây, trong những cuộc họp triển khai nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, Bắc Mê là huyện thường xuyên được nhắc tên trong việc chậm chuyển đổi mùa vụ và áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng; người dân trì trệ, bảo thủ với nếp sản xuất cũ. Khi những cánh đồng ở các địa phương khác đã bén rễ, đẻ nhánh rộ thì trên đồng ruộng Bắc Mê, người dân mới bắt đầu “ung dung” vào vụ cấy.



Chủ tịch UBND huyện Triệu Trung Hiệp kiểm tra tình hình sâu bệnh trên diện tích lúa Mùa sớm.


 

Ấy vậy mà chỉ hai năm trở lại đây thôi, câu chuyện trên đang dần mờ nhạt; có một cuộc “đại phẫu” đang được tiến hành trên đồng ruộng và cả trong tư duy sản xuất của người nông dân. Điều này được minh chứng qua niềm vui của lão nông Nông Đức Thịnh, thôn Nà Cau, xã Minh Ngọc: “Thu hoạch xong vụ lúa Xuân là tôi xuống mạ cấy luôn vụ Mùa. Giờ thì người dân thảnh thơi đi ăn rằm tháng 7 khi đã hoàn tất việc chăm sóc, sục bùn làm cỏ đợt 1cho lúa; chẳng giống trước đây, thời điểm này, những ruộng lúa chỉ mới vừa cấy kín đất. Giống lúa mới thay thế giống lúa thuần trước đây mang lại năng suất cao. Đặc biệt, cấy sớm nên cánh đồng Nà Cau đã không bị ảnh hưởng của đợt lũ vừa qua. Chưa có khi nào lúa xanh mẫm, tốt tươi như vậy. Làm nông dân, thấy lúa tốt thì còn mong gì hơn…”.

 

Trưởng thôn Nông Văn Quy, thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong lại có cách làm tạo ra phong trào thi đua sản xuất trong nhân dân: “Trước đây, lúa chỉ cấy 1 vụ, diện tích đất để hoang sau vụ mùa rất nhiều. Thực hiện chủ trương của huyện về chuyển đổi mùa vụ, xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đặt ra Hương ước của thôn là nếu gia đình nào có đất canh tác mà bỏ hoang, lười lao động thì cuối năm người dân thôn chúng tôi không đưa vào xét diện hộ nghèo. Giờ phần lớn diện tích sản xuất của thôn đều được gieo cấy 3 vụ với năng suất cao, tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo”. Vựa lúa Yên Định lại thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp có đội cấy thuê, tổ chức hội thi cấy, thực hiện mô hình đầu tư có thu hồi để đưa cơ giới hóa vào sản xuất và gieo cấy, kịp thời đóng khung thời vụ.

Năm 2014, huyện Bắc Mê gieo trồng 756 ha lúa Xuân với năng suất lúa bình quân đạt 51,7 tạ/ha; đối với các mô hình chuyển đổi khung mùa vụ ở Nà Cau (Minh Ngọc), Nà Pâu (Lạc Nông), năng suất lúa đạt trên 70 tạ/ha. Vụ Mùa năm nay, đẩy nhanh khung thời vụ gieo cấy, huyện Bắc Mê gieo trồng 1.810 ha lúa, trong đó có 695 ha diện tích lúa Mùa sớm đã hoàn thành chăm sóc đợt 1. Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện mô hình chuyển đổi mùa vụ gắn với đầu tư có thu hồi. Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Mê ra Chỉ thị số 19 về tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ Đông năm 2013 và vụ Xuân năm 2014, Chỉ thị nêu rõ: Chỉ đạo cương quyết việc cày ải toàn bộ diện tích gieo trồng vụ xuân xong trước tết Nguyên đán. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về khung thời vụ, giống, quy trình kỹ thuật, các biện pháp cải tạo đất, tăng hệ số sử dụng đất. UBND huyện Bắc Mê cũng đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tăng cường chuyển đổi mùa vụ năm 2014 với mục đích: Từng bước thực hiện khung thời vụ theo hướng dẫn của tỉnh, đưa cây vụ Đông vào thành vụ sản xuất chính trong năm, tăng hệ số sử dụng đất, tăng năng suất, sản lượng cây trồng… Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tăng cường chuyển đổi mùa vụ được khuyến khích, tạo điều kiện để người dân thực hiện: Hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn KHKT thâm canh; hỗ trợ mua máy cày đưa cơ giới hóa vào sản xuất;đầu tư hệ thống thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; phát động phong trào cày ải trước Tết Nguyên đán để thực hiện gieo cấy vụ Xuân sớm và trao giải cho các thôn, xã hoàn thành kế hoạch; tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả của mô hình chuyển đổi mùa vụ tại thôn Nà Pâu (Lạc Nông) với sự tham gia của lãnh đạo các xã và người dân.




Lãnh đạo và cán bộ khuyến nông xã Minh Ngọc kiểm tra cánh đồng lúa sớm Nà Cau


Trò chuyện với phóng viên ngay trên cánh đồng xanh tốt Nà Cau, Chủ tịch UBND huyện Triệu Trung Hiệp nhấn mạnh: “Để tháo gỡ nút thắt trong sản xuất nông nghiệp, huyện Bắc Mê đã tăng cường chuyển đổi mùa vụ làm khâu đột phá. Sau 1 năm vào cuộc quyết liệt, từ cấp huyện đến cơ sở, người dân đã có sự thay đổi tư duy sản xuất một cách vượt bậc. Cụ thể, vụ Mùa này bà con nông dân trong toàn huyện đã thực sự vào cuộc, nhờ đó thời điểm kết thúc cấy lúa vụ Mùa của huyện đã sớm hơn so với với khung thời vụ của tỉnh là 20 ngày. Việc chuyển đổi mùa vụ mang lại hiệu quả đã được chính người dân nhìn thấy và hưởng lợi nên họ rất đồng tình ủng hộ. Huyện sẽ tiếp tục có những chính sách đầu tư để khuyến khích người dân yên tâm sản xuất; chỉ đạo các cấp, các ngành cùng phối hợp vào cuộc; đội ngũ khuyến nông viên cơ sở phải “cầm tay chỉ việc” cho nông dân; hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.



Và vai trò người đứng đầu ở cơ sở

Hướng đến cơ sở là yêu cầu mà Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Mê đặt ra đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, thị trấn. Họ là những người gần dân, hiểu dân và đưa nghị quyết của Đảng các cấp đến với dân; bởi thế việc bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ cấp cơ sở luôn được huyện Bắc Mê quan tâm, chú trọng. Đội ngũ này đang phát huy hiệu quả năng lực của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.



Các thôn, xã nhận khen thưởng của huyện trong phong trào thi đua cày ải vụ Xuân 2014


 

Trở lại với câu chuyện chuyển đổi mùa vụ, chúng tôi có dịp về xã điểm nông thôn mới Yên Phong trong những ngày đồng ruộng Bản Tắn đang thời kỳ đẻ nhánh. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hồng Khanh “khoe”: “Bên cạnh sự đổi thay về cuộc sống của người dân trong xây dựng nông thôn mới, thì việc chuyển đổi mùa vụ, phát triển vùng sản xuất theo hướng hàng hóa đang tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Phong…”. Chứng kiến cách mà lãnh đạo xã cùng “lăn lộn” xuống ruộng với bà con để kiểm tra những ruộng lúa Mùa sớm bị sâu bệnh; trò chuyện thân mật thuyết phục, động viên, khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển chăn nuôi… và tình cảm, sự đồng thuận của người dân với những chủ trương của xã… mới hiểu: Làm cán bộ xã, nếu không gần dân, hết lòng vì dân, thật khó để được dân tin, yêu. Trong thành quả của địa phương ngày hôm nay, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ lãnh đạo cấp xã, thị trấn.

 

Xác định vai trò quan trọng của người đứng đầu cấp cơ sở, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Bắc Mê đã cân nhắc bố trí 3 chức danh chủ chốtBí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và HĐND xã là những người có đủ năng lực, trình độ, năng động, hết lòng vì dân, có uy tín và được các đồng chí cấp ủy viên tín nhiệm và giới thiệu. Đến nay, 100% đội ngũ này đã chuẩn hóa trình độ đại học và trung cấp chính trị trở lên; họ luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phần lớn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều là người địa phương khác. Mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định luân chuyển, bổ nhiệm 10 trường hợp, trong đó có một số trưởng, phó các ngành có năng lực, trình độ được điều động đi nhận nhiệm vụ tại các xã, thị trấn nhằm nâng cao thực tiễn ở cơ sở; nhiều đồng chí được luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để tạo sự mới mẻ, đột phá trong điều hành, góp phần phát triển KT - XH, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh tại các địa phương. Đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang dấu ấn của người đứng đầu cơ sở như: Chăn nuôi trâu bò nhốt ở Minh Sơn, Phiêng Luông; nhóm những hộ có cùng sở thích chăn nuôi ở Yên Định, Giáp Trung; chuyển đổi mùa vụ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Yên Phong, Yên Định, Lạc Nông, Minh Ngọc; xây dựng nông thôn mới ở Yên Định, thị trấn Yên Phú.

Việc luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, theo đồng chí Nguyễn Văn Chung Bí thư Huyện ủy Bắc Mê: “Là đặt họ đúng vị trí chuyên môn, năng lực sẽ giúp họ phát huy được khả năng và khẳng định mình trong môi trường mới; từ đây tác phong, lề lối, phương pháp làm việc ở các địa phương cũng khoa học và hiệu quả hơn. Việc luân chuyển cán bộ cấp cơ sở đồng thời gắn với đẩy mạnh thực hiện đề án 145 của tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ủy cơ sở vùng nông thôn tỉnh Hà Giang”.

Năm 2014, huyện Bắc Mê tiếp tục thực hiện đề án 145 trên diện rộng. Bên cạnh những Đảng ủy viên có kinh nghiệm, năng lực ở cơ sở thì đội ngũ lãnh đạo mới sẽ tạo ra luồng sinh khí mới trong đổi mới tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm, nâng cao kiến thức, năng lực, khả năng xử lý thông tin, của các Đảng ủy cơ sở; giúp củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Lúa xanh ngắt trong màn sương sớm mang đến cho tâm hồn sự bình yên đến lạ. Cuộc đổi thay trên đồng đất Bắc Mê sẽ vẫn còn tiếp tục chặng đường dài khi nhiều nơi, điều kiện đủ để “đổi thay” chưa thể đáp ứng. Nhưng mầu xanh của lúa, của niềm hy vọng đủ đầy đang về trên phố núi trẻ tuổi 30.


Nhóm PV

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
HGĐT- Sáng 30.7, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2014; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và công bố các Quyết định của UBND tỉnh.
30/07/2014
Ở nơi cơn lũ đi qua
HGĐT- Đợt mưa lũ đêm 20, ngày 21.7 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình. Hàng ngàn ha ruộng vườn bị thiệt hại nặng trong lũ khó khắc phục… Đến nay, đã hơn 1 tuần cơn lũ đi qua, đồng bào vùng “ rốn lũ” đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Rất cần sự hỗ trợ tích cực để đồng bào vượt
29/07/2014
Huyện Hoàng Su Phì: Triển khai vùng giống đậu tương năm 2015
HGĐT- Nhằm đảm bảo nhu cầu giống đậu tương cho nông dân, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai vùng sản xuất giống đậu tương năm 2015 trên diện tích 40 ha tại xã Chiến Phố.
29/07/2014
Ban chỉ đạo 389 Hà Giang triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
HGĐT- Chiều 24.7, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh Hà Giang, tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
25/07/2014