Hướng đi mới cho mô hình sản xuất cam VietGap ở Quang Bình
HGĐT- Quang Bình là huyện có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên nên sản xuất cam theo hướng VietGap cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác.
Mô hình trồng cam theo hướng VietGap của gia đình ông Đặng Huy Tiến, thôn Xuân Phú, xã Yên Hà.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng cây cam sành nhằm góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình đã triển khai thực hiện mô hình: “Tổ sản xuất cam VietGap”. Tổ sản xuất cam VietGap phối hợp với UBND các xã mở các lớp tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho việc phát triển cây cam ở địa phương với 41 lượt hộ tham gia. Các hộ đều được nhận tài liệu, được hướng dẫn về sản xuất cây cam theo VietGap, cách ghi chép sổ tay về quá trình canh tác theo GAP, trong đó thành lập 1 tổ quản lý để hướng dẫn thực hiện đồng bộ các khâu từ quy trình kỹ thuật trồng cam đến ghi chép số liệu, kiểm tra việc ghi chép của các hộ tham gia. Ban sản xuất cam VietGap thực hiện cấp phát vật tư (giống, phân bón, thuốc BVTV...).
Là một trong những hộ tham gia Tổ sản xuất cam VietGap, ông Đặng Huy Tiến cho biết: Từ năm 1987 đến nay, gia đình ông đã trồng được gần 2ha với trên 800 gốc cam sành, trong đó có một nửa diện tích đang cho thu hoạch. Với giá bán giao động khoảng 15-17 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi năm cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 50 đến 70 triệu đồng. Với mong muốn tiếp tục giành nhiều vụ cam bội thu và đưa sản phẩm có thương hiệu ra thị trường, tháng 9.2013, ông Tiến tham gia mô hình Cam VietGap. Mặc dù vụ cam vừa qua không cho nhiều quả nhưng có nhiều thương lái tìm đến thu mua, gia đình ông lại bán được giá cao, lên đến 25 nghìn đồng/kg. Cũng từ thời điểm tham gia mô hình trên, ông Tiến thường xuyên được cán bộ nông nghiệp của xã xuống tận vườn hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật, cách phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cam theo đúng tiêu chuẩn VietGap cho nên diện tích vườn cam của gia đình ông phát triển rất tốt và đang cho nhiều quả. Ước tính năng suất đạt từ 12 tấn trở lên, tăng cao hơn so với các vụ trước. Ngoài ra, ông cũng chiết, ghép thêm 13 cây cam đạt tiêu chuẩn, vừa mở rộng diện tích vừa để cung cấp cây giống có chất lượng cho thị trường.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, những ưu thế của Tổ sản xuất cam VietGap đã được khẳng định, đó là: Chất lượng ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất ổn định, luôn bán được giá cao, tiêu thụ thuận lợi trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap là hướng đi đúng và hiệu quả, nâng cao được uy tín, chất lượng và thương hiệu cam sành Hà Giang nên cần được nhân rộng. Trong quá trình thực hiện, hầu hết các hộ nông dân chăm sóc cây cam theo quy trình VietGap. Các hộ đã thực hiện kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán cho cây cam; chủ động kiểm tra vườn và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu nằm trong danh mục được cho phép, phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời, do đó cam ít bị sâu bệnh hơn so với cây cam trước kia.
Với những kết quả ban đầu, mô hình trồng cam sành theo tiêu chuẩn Vietgap đang là một hướng đi phù hợp, cần tiếp tục được nhân rộng và phát huy. Đây chính là những yếu tố hàng đầu quyết định đến tính hiệu quả phát triển bền vững của cây cam sành trên đất Quang Bình.
Ý kiến bạn đọc