Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè

10:03, 12/08/2014

HGĐT- Hà Giang được đánh giá là một trong những vùng chè lớn của cả nước. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm lại rất thấp, nguyên nhân xuất phát từ khâu thu hoạch, công nghệ chế biến và quảng bá sản phẩm. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè.


Giá trị sản phẩm thấp

Chè được xác định là cây hàng hoá chiến lược của tỉnh với diện tích hiện có trên 20 nghìn ha, trong đó có trên 16,2 nghìn ha cho thu hoạch. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 57,4 nghìn tấn/năm, đem lại nguồn thu mỗi năm khoảng 460 tỷ đồng, chiếm trên 12 % giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Diện tích chè của tỉnh phân thành 2 vùng rõ rệt. Trong đó, vùng thấp chiếm 40% diện tích, tập trung ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Xín Mần... năng suất bình quân 63 tạ/ha, chiếm 60% sản lượng chè toàn tỉnh. Chè vùng cao chiếm khoảng 60% diện tích, phần lớn là chè Shan tuyết cổ thụ, được trồng phân tán, năng suất thấp, khoảng 17 tạ/ha, đây là vùng nguyên liệu chất lượng cao, được nhiều thị trường chấp nhận.



Công ty Cổ phần trà Bách Shan chú trọng đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy có diện tích lớn, nhưng năng suất chè của tỉnh qua các năm còn thấp, chỉ đạt 35,4 tạ chè búp tươi/ha, bằng 40% so với các tỉnh lân cận. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất thấp do hầu hết các vườn chè mật độ thưa, chủ yếu được trồng bằng hạt, việc thực hiện quy trình trồng, chăm sóc và đầu tư thâm canh không đảm bảo. Nhiều diện tích chè ở vùng cao, người dân trồng theo hình thức quảng canh, không gắn với đầu tư chăm sóc. Mặt khác, việc quy trình đốn chè không hợp lý cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và khả năng sinh búp chè.


Mặc dù được coi là sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng việc tổ chức sản xuất, kết nối thị trường còn hạn chế. Điều này dẫn đến sản phẩm chè chưa có vị thế ổn định trên thị trường trong nước và quốc tế, thu nhập của người sản xuất còn thấp. Một số thông tin cơ bản trong chuỗi giá trị như thu nhập trung bình, tập quán canh tác, sản lượng chè xất khẩu, chè nội tiêu... chưa được cập nhật đầy đủ và có hệ thống nên giá trị sản phẩm chưa được xác định đúng tầm.


Loạn nhãn hiệu

Vùng chè của tỉnh đã thu hút lực lượng đông đảo với 2 công ty cổ phần, 6 doanh nghiệp, trên 20 hợp tác xã và hơn 700 cơ sở tham gia chế biến sản phẩm. Việc đầu tư công nghệ, chế biến chè đã có chuyển biến, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường, Công ty Cổ phần chè Hùng An, Công ty Cổ phần trà Bách Shan, HTX chè Phìn Hồ... đã đầu tư, lắp đặt dây chuyền công nghệ tiên tiến, công xuất lớn, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, được thị trường trong, ngoài nước chấp nhận.Sản phẩm chè sau khi chế biến, chủ yếu sử dụng nội tiêu hoặc xuất nguyên liệu thô đi các tỉnh trong nước, giá bán thấp, trung bình 50-70 nghìn đồng/kg, chè chất lượng cao cũng chỉ đạt 150-250 nghìn đồng/kg; chè đen 30-50 nghìn đồng/kg. Đến nay, mới chỉ có Công ty TNHH Thương mại Hùng Cường, Công ty chè Hùng An xuất khẩu chè trực tiếp đi các nước, nhưng sản lượng còn hạn chế.


Sự nở rộ của các cơ sở sản xuất dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu và loạn nhãn hiệu sản phẩm, thậm chí nhái tên gọi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Ngay như huyện Hoàng Su Phì, dù chỉ có trên 3,2 nghìn ha chè cho thu hoạch, sản lượng hàng năm trên 10 nghìn tấn chè búp tươi, nhưng có tới hơn 300 cơ sở chế biến, công suất từ 200-300 kg chè búp tươi/ngày. Phần lớn các cơ sở chế biến thiết bị không đồng bộ, công nghệ lạc hậu nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Không chỉ vậy, tình trạng loạn nhãn hiệu cũng xảy ra khi cơ sở nào cũng đặt tên của mình cho sản phẩm, nhưng để có sản phẩm thực sự uy tín, có thương hiệu thì lại rất khó.


Bàn về chuỗi giá trị sản phẩm chè, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cho rằng, trên địa bàn cả nước, rất nhiều tỉnh có chè, vì vậy phải tạo ra sự khác biệt thì mới chiếm lĩnh được thị trường. Con đường nâng cao sản phẩm chè xác định theo hướng chè hữu cơ, nhưng làm như thế nào để ra được dòng sản phẩm này, cần cơ chế, chính sách, chế tài gì, mối liên kết giữa trồng, thu hái, chế biến sản phẩm như thế nào cho hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương phải tư duy theo hướng, mỗi huyện chỉ nên có một thương hiệu chè riêng biệt... Có như vậy, vùng chè Hà Giang mới tạo ra được sản phẩm chất lượng, đời sống người trồng chè mới được cải thiện.


Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm

Tại hội thảo bàn về phát triển chuỗi giá trị chè chất lượng cao, bền vững do Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Hoàng Su Phì và Tổ chức phát triển Hà Lan tổ chức vừa qua, ông Từ Quốc An - Công ty TNHH chè Phú Thành (Đài Loan), một chuyên gia công nghệ chế biến chè chia sẻ: Hàng năm Đài Loan nhập khẩu 30 nghìn tấn chè của Việt Nam, nhưng sản phẩm chè Hà Giang xuất sang Đài Loan rất ít, giá thành không cao. Ông cho biết thêm, đặc điểm của chè Hà Giang có vị chát, trong khi người nước ngoài thường uống chè vị ngọt, vì vậy công nghệ sấy phải khử bớt vị chát thì sẽ cho sản phẩm thơm, ngon, tiếp cận được các thị trường quốc tế.


Đại diện Công ty TNHH Liên kết Sinh thái Việt Nam (Ecolink) cho biết: Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đang tăng rất nhanh tại các thị trường cao cấp như EU, Mỹ. Trong khoảng 4 triệu tấn chè được được sản xuất, tiêu thụ trên thế giới hàng năm, có 1,3% chè chứng nhận hữu cơ. Quá trình xây dựng hệ thống chè hữu cơ tại Cao Bồ (Vị Xuyên), Tiên Nguyên (Quang Bình) cho thấy, nếu tổ chức tốt, hầu hết các vùng chè cổ thụ đều có thể đạt chứng nhận chè hữu cơ tiêu chuẩn EU/Mỹ. Hiện nay, Ecolink bắt đầu tư vấn chứng nhận hữu cơ cho HTX Phìn Hồ tại vùng chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên và HTX Chiêu Lầu Thi tại vùng chè Tân Phong, Quang Vinh xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì). Chứng nhận hữu cơ sẽ mang lại cơ hội cho sản phẩm chè Hà Giang gia nhập phân khúc thị trường cao cấp, thay vì phần lớn chế biến thành chè vàng giá trị thấp.


Chủ trương của tỉnh, đến năm 2020 diện tích chè đạt 24,3 nghìn ha, trong đó có 21 nghìn ha cho thu hoạch, năng suất bình quân trên 59 tạ/ha. Trên cơ sở đó, việc sản xuất tập trung theo hướng phát triển chuỗi giá trị, nâng cao giá trị thông qua sản phẩm chè an toàn và chè hữu cơ. Sản phẩm chè hữu cơ, tập trung ở vùng chè Shan tuyết Hoàng Su Phì, Vị Xuyên; chè an toàn (VietGap), tập trung tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Đồng thời, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tập trung vào 2 loại sản phẩm trên... Hy vọng với định hướng trên, trong tương lai không xa, chè Hà Giang sẽ nâng cao vị thế trên thương trường.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
HGĐT- Sáng 30.7, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2014; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và công bố các Quyết định của UBND tỉnh.
30/07/2014
Ở nơi cơn lũ đi qua
HGĐT- Đợt mưa lũ đêm 20, ngày 21.7 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp tại 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình. Hàng ngàn ha ruộng vườn bị thiệt hại nặng trong lũ khó khắc phục… Đến nay, đã hơn 1 tuần cơn lũ đi qua, đồng bào vùng “ rốn lũ” đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Rất cần sự hỗ trợ tích cực để đồng bào vượt
29/07/2014
Huyện Hoàng Su Phì: Triển khai vùng giống đậu tương năm 2015
HGĐT- Nhằm đảm bảo nhu cầu giống đậu tương cho nông dân, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai vùng sản xuất giống đậu tương năm 2015 trên diện tích 40 ha tại xã Chiến Phố.
29/07/2014
Giao ban quý II Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh
HGĐT- Sáng 24.7, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh họp giao ban trực tuyến quý II, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện chủ trì hội nghị.
25/07/2014