Đồng Văn, trồng đậu tương theo Nhóm sở thích gắn Chương trình đầu tư, tái đầu tư có thu hồi
HGĐT- Thu hồi 10 nghìn đồng/kg giống đậu tương nộp vào Quỹ phát triển thôn và khuyến khích làm việc theo nhóm là mục tiêu chính của chương trình đầu tư, tái đầu tư có thu hồi để người dân có ý thức hơn về việc sử dụng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tiến tới chủ động trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở Đồng Văn.
Người dân xã Lũng Táo (Đồng Văn) tham gia tập huấn kỹ thuật trồng đậu tương vụ Hè - thu.
Nâng cao ý thức người dân
Nhiều năm nay, được sự quan tâm của tỉnh và các cấp chính quyền, huyện Đồng Văn đã hỗ trợ cho nhân dân giống, phân bón từ các chương trình dự án, mô hình trình diễn để phát triển đậu tương trở thành một trong những loại cây trồng chính của người dân trên địa bàn. Sau 3 năm, diện tích đậu tương từ 2.072 ha năm 2011 đã tăng lên 2.350 ha năm 2013; có năng suất bình quân đạt khoảng 9 tạ/ha góp phần từng bước cải thiện đời sống của bà con, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, năng suất đậu tương có dấu hiệu giảm dần trong các vụ sau, cụ thể năm 2011 đạt năng suất là 10,18 tạ/ha song đến năm 2013 đã giảm xuống còn 9,7 tạ/ha. Nguyên nhân đã được xác định một phần là do khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất, đất có độ dốc lớn dễ bị rửa trôi, bạc màu. Người dân vẫn chưa quan tâm đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, chủ yếu sản xuất theo tập quán cũ với mật độ trồng quá dày, ít đầu tư phân bón dẫn đến năng suất thấp. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền ở một số xã, thị trấn thiếu sự sát sao trong chỉ đạo trồng, chăm sóc cây đậu tương. Trong khi hệ thống cán bộ ngành nông nghiệp huyện, xã còn mỏng, trình độ không đồng đều.
Trước những bất cập trên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đồng Văn, Nguyễn Thanh Tuân, cho biết: “Thực hiện trồng đậu tương gắn với chương trình đầu tư, tái đầu tư có thu hồi trên địa bàn huyện có tác dụng là nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân trồng cây đậu tương. Đồng thời, ý thức của người dân cũng được nâng cao trong việc trồng, chăm sóc cây đậu tương và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước; giảm sự trông chờ ỷ lại, từng bước giảm dần cơ chế hỗ trợ. Qua đó, sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức sản xuất, chỉ đạo thực hiện, đầu tư có thu hồi, tái đầu tư... nhằm thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ sản xuất và đạt được chỉ tiêu kế hoạch trồng đầu tương năm 2014. Gồm, mở rộng diện tích gieo trồng thu hoạch lên 2.578 ha, đạt 100% so với mục tiêu đề án của tỉnh; tăng năng suất bình quân đạt 12 tạ/ha”. Những thay đổi này sẽ góp phần vào tăng thu nhập, giá trị thu được trên một đơn vị đất canh tác, tăng hệ số sử dụng đất nông nghiệp lên 2 lần/năm; tạo việc làm và hạn chế tình trạng nhân dân đi lao động tự do ở Trung Quốc.
Nhóm sở thích trồng trọt
Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân bằng chương trình đầu tư, tái đầu tư có thu hồi theo phương thức hỗ trợ 100% giá giống vào đầu vụ, đến cuối vụ thu hồi lại 10 nghìn đồng/kg giống đậu tương từ người dân đã tham gia chương trình. Với quy mô hỗ trợ giống trên diện tích 900 ha thuộc 19 xã, thị trấn, số lượng hỗ trợ giống là 55kg/ha; cơ cấu giống chủ yếu là các loại giống mới như DT84, VX93, DT90. Số tiền thu hồi lại từ nhân dân sẽ được nộp vào quỹ phát triển thôn để cho vay theo nhu cầu của người dân, sử dụng vào việc mua phân bón, giống... cho các vụ sau.
Đặc biệt, năm nay huyện còn lồng ghép cho bà con thực hiện trồng đậu tương theo nhóm sở thích. Đến nay, đã có 247 nhóm sở thích đăng ký trồng đậu tương vụ Hè - thu, với số lượng là 6.886 hộ dân thuộc 19 xã, thị trấn. Những nhóm này sẽ cùng thực hiện các khâu trong sản xuất như cùng giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch... Theo đó, mỗi xã cử cán bộ phụ trách theo nhóm để hướng dẫn nhân dân thống nhất thời gian thực hiện theo đúng khung thời vụ. Sau đó, theo dõi đánh giá kết quả trồng, kết quả đầu tư phân bón, chăm sóc của từng hộ, nhóm hộ và năng suất thu hoạch; đôn đốc thu hồi vốn tái đầu tư...
Việc trồng đậu theo nhóm sở thích có nhiều lợi ích là đôn đốc được người dân thực hiện các khâu sản xuất theo đúng khung thời vụ, giảm tình trạng trồng rải rác gây khó khăn cho việc chăm sóc các khâu về sau như phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch. Từ đó, tiến tới việc thực hiện cánh đồng mẫu, nâng cao trình độ sản xuất của người dân và tăng năng suất cây trồng. Với những ưu điểm của chương trình đầu tư, tái đầu tư có thu hồi và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tin rằng vụ Hè - thu năm nay ở Đồng Văn sẽ đạt hiệu quả cao.
Ý kiến bạn đọc