Vì sao các doanh nghiệp thủy điện chậm nộp tiền dịch vụ môi trường rừng

07:54, 09/07/2014

HGĐT- 84.554 hộ dân tham gia bảo vệ trên 180 nghìn ha rừng thuộc lưu vực các nhà máy thủy điện đã góp phần điều tiết, cung cấp nước sản xuất điện với sản lượng mỗi năm hàng tỷ KWh, đem lại nguồn lợi lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các công ty sản xuất điện lại nợ của người dân gần 34 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ảnh hưởng đến quyền lợi hàng chục nghìn hộ dân cung cấp dịch vụ làm giàu cho doanh nghiệp.



       Người dân xã Tân Nam (Quang Bình) phát thực bì chuẩn bị trồng rừng.


Thôn Thống Nhất và Nà Sài xã Đông Hà, huyện Quản Bạ có trên 1.700 ha rừng thuộc lưu vực vùng lòng hồ Nhà máy Thủy điện Thái An. Toàn bộ diện tích rừng được người dân chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt. Cộng đồng dân cư nơi đây nhận thức rõ ý nghĩa của việc bảo vệ, phát triển rừng, họ đã xây dựng quy ước, hương ước cùng nhau thực hiện, đồng thời thành lập các tổ, đội luân phiên bảo vệ rừng. Đến thôn Nà Sài vào đúng thời gian cao điểm nắng nóng vừa qua, nhưng khi tách khỏi con đường nhựa, men theo lối mòn dẫn lên những khu rừng xanh ngắt, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí trong lành, mát mẻ, cái oi bức không còn hiện hữu.


Ông Dương Đức Thắng, Trưởng thôn Nà Sài - người được gần 150 hộ dân trong thôn tín nhiệm, cử làm đại diện nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng đưa chúng tôi đi thực tế và cho biết: Người dân Nà Sài không ai tự ý vào rừng chặt gỗ, màu xanh của cây cối ngày càng lan rộng trên những quả đồi. Rừng Nà Sài được đánh giá chất lượng tốt nhất huyện Quản Bạ, ngay cả những ngày cao điểm mùa khô, nguồn nước từ rừng dẫn về khu dân cư vẫn rồi rào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Bà con thôn Nà Sài biết Nhà nước có chính sách chi trả tiền DVMTR ngay từ khi mới được ban hành, tâm lý chung rất phấn khởi. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, đã nhiều đợt tập huấn được tiến hành, nhưng người dân chưa biết “mặt mũi” tiền DVMTR như thế nào! Không có tiền, người dân vẫn bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, nhưng đã có quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng nghĩa vụ, chi trả tiền cho người cung cấp dịch vụ giúp sinh lời thông qua hoạt động sản xuất điện. Trưởng thôn Dương Đức Thắng cho biết thêm: Hàng nghìn ha rừng thôn Nà Sài và Thống Nhất đã góp một phần quan trọng trong quá trình cung cấp, điều tiết nước cho vùng lòng hồ Thủy điện Thái An. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, vùng lòng hồ luôn ăm ắp nước, góp phần sinh lời cho chủ đầu tư, nhưng người dân chưa nhận được thiện tình của doanh nghiệp. Ngay cả tiền DVMTR thu được thông qua hoạt động bán điện, họ cũng cố tình chậm trả nên ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.


Người dân thôn Thống Nhất, Nà Sài chỉ là phần nhỏ trong số hơn 9 nghìn hộ dân huyện Quản Bạ, Yên Minh đang tham gia bảo vệ trên 25,3 nghìn ha rừng thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Thái An vẫn chưa nhận được tiền chi trả DVMTR. Số tiền DVMTR chi trả trong 2 năm 2012-2013 của Công ty Cổ phần Thủy điện Thái An lên tới gần 15 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp mới trả được 1 tỷ đồng, còn nợ gần 14 tỷ đồng. Làm việc với phóng viên Báo Hà Giang, ông Nguyễn Quang Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy điện Thái An trần tình: Nhà máy Thủy điện Thái An công suất lắp máy 82MW đã đi vào hoạt động từ nhiều năm trước, sản lượng điện mỗi năm đạt hàng trăm triệu KWh. Tuy nhiên, do suất đầu tư lớn, lãi vay ngân hàng cao, có năm phải trả trên 200 tỷ đồng tiền lãi nên doanh nghiệp chưa có lãi, các cổ đông chưa được chia lợi tức. Ông Đạo khẳng định: Việc chi trả DVMTR là nghĩa vụ, trách nhiệm doanh nghiệp phải thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua tình hình tài chính quá khó khăn nên số tiền DVMTR doanh nghiệp nợ đọng lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người cung cấp dịch vụ. Năm nay, giá mua bán điện có khả quan hơn, bên cạnh đó doanh nghiệp đang chuẩn bị phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ, khi nguồn tài chính cải thiện, tiền DVMTR sẽ được cắt dần vào quý tới.


Một đại gia khác trong lĩnh vực thủy điện cũng đang ôm khoản nợ tiền DVMTR lên tới trên chục tỷ đồng đó là Công ty Cổ phần Bitexco Nho Quế. Phục vụ cho hoạt động của đại gia này, có trên 11,5 nghìn hộ dân của huyện Mèo Vạc, Đồng Văn tham gia bảo vệ hơn 16 nghìn ha rừng thuộc lưu vực Nhà máy Thủy điện Nho Quế III. Thủy điện Nho Quế III được xây dựng tại xã Khau Vai (Mèo Vạc), công suất lắp máy 110 MW, cung cấp sản lượng điện hàng năm đạt 500 triệu KWh, chính thức hòa điện lên lưới Quốc gia từ năm 2012. Số tiền bán điện mỗi năm đem lại cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng, nhưng mới chỉ có số ít hộ dân được nhận tiền DVMTR khi Công ty nộp gần 2 tỷ trong tổng số hơn 6,1 tỷ đồng của năm 2012. Số tiền nợ đọng trên 12,7 tỷ đồng luôn được doanh nghiệp viện dẫn lý do gặp nhiều khó khăn nên không biết bao giờ mới chi trả!


Cùng hoạt động trong lĩnh vực thủy điện với hai đại gia trên, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Á Châu hiện sở hữu 3 nhà máy thủy điện gồm suối Sửu I, suối Sửu II (Phương Tiến - Vị Xuyên) và Hạ Thành (Phương Độ - thành phố Hà Giang) với công suất rất nhỏ, nhưng doanh nghiệp lại thực hiện rất tốt nghĩa vụ chi trả DVMTR. Ông Vũ Thanh Liên, Giám đốc Chi nhánh công ty khẳng định, không có rừng, sẽ không có nguồn nước cho các thủy điện. Nhận thức rõ điều đó, Công ty luôn cam kết, thực hiện chi trả đúng, đủ tiền DVMTR nhằm tạo thêm lực để người dân chăm sóc, bảo vệ rừng.


Vì sao một số doanh nghiệp cố tình nộp chậm tiền DVMTR, lý do họ viện dẫn do gặp khó khăn, thực chất là hành động chây ỳ, thoái thác trách nhiệm. Bởi lẽ, nguồn kinh phí chi trả DVMTR của các nhà máy thủy điện được Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đưa vào giá mua, bán điện áp dụng với những nhà máy công suất dưới 30MW. Những nhà máy công suất trên 30MW, tiền DVMTR được đưa vào hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngay khi phát điện, hòa vào lưới Quốc gia. Như vậy, tiền chi trả DVMTR là yếu tố được cấu thành trong giá bán sản phẩm, không liên quan đến lợi nhuận nên các doanh nghiệp sản xuất điện phải có trách nhiệm chi trả cho chủ rừng.


Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR nhằm tạo thu nhập cho người làm nghề rừng và các chủ rừng, xã hội hóa nghề rừng để khuyến khích, thúc đẩy việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Theo Nghị định, các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền cho chủ các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng. Sau 3 năm triển khai, nhìn chung các công ty sản xuất điện đều đồng tình, cam kết thực hiện đúng quy định. Nhưng, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình, chưa nộp tiền sử dụng DVMTR theo hợp đồng ủy thác về Quỹ Bảo vệ phát triển rừng để chi trả người dân cung cấp dịch vụ.


Kết thúc bài viết này, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp sản xuất thủy điện nhớ và suy ngẫm lời ông Vũ Thanh Liên, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Á Châu: Không có rừng, sẽ không có nguồn nước cho các thủy điện!


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang thành vùng trọng điểm, giai đoạn 2015 - 2020
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh phát biểu tại hội thảo. HGĐT- Sáng 27.6, tại khách sạn Hà An, tỉnh ta phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức hội thảo “Xây dựng chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang thành vùng trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020”.
27/06/2014
Toàn tỉnh có trên 22 cửa hàng kinh doanh vàng, đồ trang sức mỹ nghệ trái phép
HGĐT - “Hiện nay tỉnh ta quản lý mặt hàng vàng bạc, đồ trang sức mỹ nghệ còn lỏng lẽo, chưa đồng bộ, quyết liệt”, đó là ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Giang, tại Phiên họp UBND tỉnh ngày 26.6 vừa qua.
27/06/2014
Thài Phìn Tủng trồng xen canh đậu tương trên đất ngô kém hiệu quả
HGĐT- Đến xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) vào thời điểm này, ta sẽ thấy một màu xanh mơn mởn trên những diện tích đậu tương được trồng xen kẽ các nương ngô. Đậu tương là một loại cây trồng quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người dân và một phần làm hàng hóa. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa quen với việc chuyển đổi trồng đậu tương trên đất
09/07/2014
Lớp học hiện trường, thiết thực cho người nông dân
HGĐT- Từng chiếc quẩy tấu nhuộm vàng những bắp ngô chắc hạt được người dân thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) nối bước nhau theo đường mòn, gùi về sân phơi... Bên bãi ngô ven bờ sông Lô, nhiều cặp vợ chồng sôi nổi luận bàn về mùa ngô năng suất mà chưa bao giờ họ có được. Niềm vui ấy chính là thành quả quan trọng từ lớp học hiện trường (Farmer Field School – viết tắt là
09/07/2014