Lớp học hiện trường, thiết thực cho người nông dân
HGĐT- Từng chiếc quẩy tấu nhuộm vàng những bắp ngô chắc hạt được người dân thôn Nà Sát, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) nối bước nhau theo đường mòn, gùi về sân phơi... Bên bãi ngô ven bờ sông Lô, nhiều cặp vợ chồng sôi nổi luận bàn về mùa ngô năng suất mà chưa bao giờ họ có được. Niềm vui ấy chính là thành quả quan trọng từ lớp học hiện trường (
Mùa ngô vàng năng suất – hiệu quả của lớp học FFS tại thôn Nà Sát.
Từ bao đời, cây ngô đã gắn bó đặc biệt với đồng bào Nùng, thôn Nà Sát. Bởi nơi ấy không chỉ có lợi thế về soi, bãi khá bằng phẳng mà nguồn đất giàu giá trị dinh dưỡng ven bờ sông Lô còn ưu ái cho cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, để trở thành một trong những cây trồng chủ lực của thôn. Tuy nhiên, việc phát triển cây ngô chưa tương xứng với tiềm năng của thôn. Do người dân ít chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cũng như chăm sóc cây trồng nên năng suất ngô bình quân chỉ đạt mức dưới 35 tạ/ha. Cùng với đó, việc trồng ngô luôn chậm khung lịch thời vụ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng. Trước thực tế trên, để giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, Trạm Khuyến nông huyện Vị Xuyên đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” – huấn luyện nông dân trên đồng ruộng, tạo nên bước chuyển quan trọng cho mùa ngô vàng ở Nà Sát.
Trên diện tích đất chuyên trồng ngô của gia đình ông Nùng Chẩn Thàng, vụ Xuân năm 2014, 30 học viên là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, khuyến nông thôn và hộ nông dân tiêu biểu đã tham gia lớp học đặc biệt mang tên: “Huấn luyện nông dân trồng và chăm sóc giống ngô lai NK4300 trên đồng ruộng”. Với phương pháp này, tại lớp học, các học viên không chỉ nghe cán bộ Trạm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật mà còn ghi chép cụ thể nội dung bài giảng, làm “cẩm nang” cho các mùa vụ sau. Trên đồng ruộng, họ được hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô từ khâu làm đất, tra hạt, chăm sóc đến khâu thu hoạch và bảo quản. Chị Tạ Thanh Mai chia sẻ: “Lớp học FFS mang lại cho tôi nhiều kiến thức bổ ích để tăng năng suất cây trồng. Nếu như trước đây, tôi chỉ cuốc hố tra hạt ngô thì nay, tôi biết đến phương pháp mới hiệu quả hơn là cày rạch hàng. Sau đó là các bước bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, lấp một lớp đất mỏng rồi mới tra hạt cạnh phân và lấp kín đất, chờ hạt nảy mầm... Đặc biệt, thay bằng việc chỉ chăm sóc ngô một lần duy nhất từ khi tra hạt đến khi ngô cho thu hoạch, tôi đã biết cách chăm sóc ngô giai đoạn xoáy nõn, trỗ cờ và biết kiểm tra sâu, bệnh hại ngô. Các cán bộ của Trạm Khuyến nông vừa hướng dẫn, vừa thực hành để chúng tôi làm theo nên kiến thức mới trở nên đơn giản và dễ thực hành lắm”.
Sau gần 100 ngày trồng và chăm sóc, những diện tích ngô lai NK4300 của lớp học FFS cho kết quả vượt trội hơn ngô trồng đại trà, với năng suất lần lượt là: 67,5 tạ và 50 tạ/ha. Kết quả quan trọng này là minh chứng cho hiệu quả của lớp học FFS, đã giúp người dân thôn Nà Sát biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trồng ngô vụ Xuân đúng khung lịch thời vụ. Đồng thời, từ những ưu điểm chính của giống ngô NK4300 như: Cây sinh trưởng, phát triển khỏe, ít nhiễm bệnh; tỉ lệ hạt/bắp đạt trên 78%; lá bi bao kín bắp hạn chế được sâu đục bắp, nấm mốc, cho màu vàng cam đẹp mắt đã mang đến cho người dân thôn Nà Sát mùa bắp vàng năng suất...
Qua cách thức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây ngô, Trạm Khuyến nông huyện Vị Xuyên đã góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi phương pháp đào tạo mới, thay thế phương pháp cũ – nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân ngay trên đồng ruộng của họ. Hơn nữa, với mùa ngô vàng năng suất cùng “cẩm nang” từ lớp FFS và sự quyết tâm thực hành, nhân rộng kiến thức đã học của các học viên đang hứa hẹn sự đổi thay tích cực, để những mùa ngô tiếp theo, thôn biên giới Nà Sát thêm no ấm.
Ý kiến bạn đọc