Triển khai Dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt đến năm 2020
HGĐT- Sáng 23.6, tại huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh; lãnh đạo các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình…
Những năm qua, vùng sản xuất cam sành và thương hiệu cam sành Hà Giang ngày càng được thị trường trong nước biết đến. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của cây cam sành vẫn chưa được khai thác hết. Điều này xuất phát từ việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất, vấn đề xây dựng thương hiệu và bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành còn hạn chế. Với sự quan tâm mạnh mẽ của tỉnh cho cây chủ lực cam sành, từ năm 2013 đến nay, chúng ta đã và đang triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và xây dựng vườn cam theo tiêu chuẩn VietGAP cùng nhiều biện pháp và nỗ lực để không ngừng củng cố uy tín, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt Hà Giang.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến chủ trì Hội nghị.
Để khai thác hiệu quả giá trị của cây cam sành của Hà Giang, tỉnh đã xây dựng, triển khai Dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt đến năm 2020. Mục tiêu của Dự án là tăng giá trị thu nhập bình quân 1ha cam từ 120 – 150 triệu đồng/ha như hiện nay lên 250 triệu đồng/ha đến năm 2015 và 300 – 400 triệu đồng/ha đến năm 2020; tăng mức đầu tư thâm canh, củng cố uy tín, xây dựng thương hiệu sản phẩm cam sành; tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung hàng hóa, có sự liên kết “4 nhà”, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nhỏ; trồng mới quy mô hàng năm hợp lí, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; bảo tồn các cây giống đầu dòng với cam sành và các giống quýt Hà Giang, xây dựng các cơ sở sản xuất giống tập trung; phấn đấu đến năm 2015, diện tích cây cam, quýt đạt 5.000ha và xây dựng chỉ dẫn địa lí cho sản phẩm canh sành Hà Giang. Từ năm 2016 – 2020, mỗi năm phát triển thêm 350ha cam tại 3 huyện vùng cam. Đồng thời, nâng năng suất cam sành bình quân từ 60 tạ/ha lên 120 – 150 tạ/ha. Cùng với việc đề ra các giải pháp thực hiện, với sự đóng góp của các ngành, các địa phương, các chuyên gia, Dự án còn xây dựng một số chính sách hỗ trợ cho việc phát triển các diện tích cam sành như các chính sách về giống, vốn, dạy nghề, hỗ trợ xây dựng thương hiệu…
Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã thảo luận, tập trung vào nhiều vấn đề trong triển khai Dự án như về giống, về vấn đề xây dựng vùng chuyên canh tập trung, có lựa chọn, về công tác dạy nghề, cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng cam, vấn đề thị trường và thương hiệu cam sành Hà Giang, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai phát triển cây cam, quýt…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến cho rằng, sau khi Dự án được ban hành, vẫn còn có những hạn chế đặt ra trong quá trình triển khai. Do đó, đồng chí nhấn mạnh, sau hội nghị này, đề nghị các huyện, các ngành cần tiếp tục xác định rõ vai trò chủ lực của cây cam trong phát triển kinh tế hiện nay; cần tập trung triển khai việc phát triển cây cam trên tinh thần tự nguyện của người dân và cần coi đây là cây làm giàu. Đối với 3 huyện vùng cam, từng huyện cần rà soát và xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể việc phát triển cây cam, quýt trên địa bàn một cách tập trung, tránh dàn trải và triển khai có chất lượng; cần lựa chọn cây bố mẹ để sản xuất giống; chú trọng dạy nghề cho người trồng cam. Thống nhất với ngân hàng NN&PTNT trong việc cho vay vốn phát triển cam. Đồng chí cũng lưu ý các ngành LĐTB&XH, ngành NN&PTNT, Ngân hàng NN&PTNT, Tài chính cần tiếp tục có sự phối hợp, thống nhất và tham mưu cho tỉnh trong việc thực hiện Dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam sành Hà Giang…
Ý kiến bạn đọc