Toàn tỉnh thiệt hại gần 100 tỷ đồng do nắng nóng

08:24, 26/06/2014

HGĐT- Vụ Xuân năm nay được triển khai trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, trong tháng 5, thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí thấp ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng chính.


Vụ Xuân năm nay, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt trên 95.000 ha. Trong đó diện tích lúa trên 9.500 ha; ngô trên 42.000 ha; còn lại là diện tích đậu tương, lạc và một số cây trồng khác... Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, ngay từ đầu vụ sản xuất đã gặp khó khăn do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, thiếu nước nên một số chân ruộng lúa 2 vụ không chủ động nguồn nước phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất đến sản xuất toàn vụ là ảnh hưởng từ đợt nắng nóng xảy ra trong tháng 5 vừa qua. Cụ thể, từ ngày 1 đến ngày 21.5, nhiệt độ ban ngày ngoài trời luôn ở mức cao trên 36,50c, đỉnh điểm là từ ngày 13 đến 21.5 nhiệt độ ngoài trời từ 39 đến 400c. Do điều kiện thời tiết nắng nóng cộng với độ ẩm không khí thấp nên diện tích trồng ngô, lúa, đậu tương ở một số huyện vùng cao đang trong giai đoạn làm đòng, phun râu nên năng suất, sản lượng giảm.


Tính đến ngày 9.6, tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh bị ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng, hạn hạn gây ra là trên 8.000 ha tại 7 huyện, trong đó tập trung chính ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì. Tổng giá trị thiệt hại ước gần 100 tỷ đồng. Diện tích ngô bị thiệt hại nặng nhất, tổng diện tích bị thiệt hại trên 6.200 ha. Trong đó có gần 2.000 ha, giảm trên 70% sản lượng; trên 1.700 ha, giảm từ 30 đến 70% sản lượng; gần 200 ha giảm dưới 30% sản lượng. Ngoài ra, diện tích ngô có từ 5 đến 6 lá phải trồng lại là trên 2.300 ha. Ước sản lượng ngô bị giảm là trên 9.000 tấn, giá trị thiệt hại trên 64 tỷ đồng. Ngoài ra, diện tích lúa ở một số huyện cũng bị ảnh hưởng, tổng diện tích lúa xuân bị thiệt hại trên 500 ha. Trong đó có trên 80 ha bị giảm trên 70% sản lượng; gần 260 ha giảm từ 30 đến 70% sản lượng, diện tích còn lại giảm dưới 30% sản lượng. Ước tổng sản lượng lúa bị giảm trên 1.000 tấn, giá trị thiệt hại trên 7 tỷ đồng. Bên cạnh diện tích ngô, lúa, một số loại cây trồng khác như đậu tương, lạc, mía cũng bị ảnh hưởng.


Ngay trong đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài, Sở NN - PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục. Đồng thời thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn hán tại các huyện, thành phố. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của các huyện là tập trung toàn bộ lực lượng cán bộ phối hợp cùng các xã, thị trấn tổ chức họp dân, chỉ đạo nhân dân đầu tư phân bón để chăm sóc các loại cây trồng nhằm đảm bảo năng suất. Đồng thời ngăn cấm tình trạng đốt nương rẫy và thành lập các lực lượng tại thôn bản sẵn sàng ứng cứu khi cháy rừng xảy ra... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp khắc phục. Cụ thể, đối với những diện tích cây ngô bị hạn không có khả năng khắc phục (bị mất trắng, bị ảnh hưởng lớn đến năng suất) cần tiến hành nhổ bỏ, tận dụng thân cây làm thức ăn chăn nuôi hoặc sử dụng ủ phân xanh làm phân hữu cơ. Thu dọn đồng ruộng, triển khai làm đất ngay, với những huyện điều kiện thời tiết chưa có mưa, hướng dẫn nhân dân tiến hành gieo trồng lại sau ngày 20.6 (khi có mưa tiến hành gieo trồng ngay). Sử dụng các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu được với điều kiện khô hạn. Đội ngũ cán bộ nông nghiệp thường xuyên bám sát đồng ruộng theo dõi tình hình sâu bệnh hại cây trồng, dự tính, dự báo diễn biết sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Thu hoạch vụ Xuân tới đâu tiến hành gieo cấy lúa vụ Mùa tới đó để tiết kiệm nước tưới triệt để, đồng thời tránh lũ lụt cuối vụ. Chủ động chuyển đổi những diện tích không đủ nước cho việc gieo cấy lúa sang gieo trồng các cây rau màu khác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế tối đa diện tích bỏ hoang. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động, sẵn sàng các phương án đối phó với thời tiết bất thường, chuẩn bị sẵn sàng hạt giống dự phòng để khắc phục khi cần thiết (sử dụng các giống dự phòng có thời gian sinh trưởng ngắn ngày). Đồng thời đề xuất, kiến nghị tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ khắc phục hạn hán (chủ yếu là hỗ trợ 100% giống cho diện tích ngô khô héo), tổng số tiền cần hỗ trợ trên 5,6 tỷ đồng.


Trong đợt nắng nóng vừa qua, huyện Xín Mần là địa phương bị thiệt hại lớn nhất tỉnh. Toàn huyện có trên 730 ha ngô xuân xuống ruộng, trên 3.350 ha ngô soi bãi trồng muộn bị ảnh hưởng do nắng nóng. Trong đó có 1.400 ha ngô soi bãi bị khô héo phải trồng lại. Ngoài cây ngô, phần lớn diện tích lúa xuân, đậu tương cũng giảm năng suất, sản lượng. Đồng chí Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: “Để giúp bà con nông dân phục hồi sản xuất, huyện trưng tập cán bộ các cơ quan khối nông, lâm nghiệp, khuyến nông cùng một số ngành chức năng khác xuống từng xã để phối hợp với cơ sở chỉ đạo bà con thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả do nắng hạn đối với cây trồng. Trong đó, đầu tháng 6, đội ngũ cán bộ huyện, xã cùng bà con bắt đầu triển khai trồng lại trên 1.400 ha ngô soi bãi bị khô héo, đến nay đã thực hiện đạt khoảng 60% diện tích. Bên cạnh đó, huyện cũng trích ngân sách 2,7 tỷ đồng phục vụ công tác khắc phục hạn hán”.


Trước tình hình nắng nóng, hạn hán trong vụ Xuân ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng cây trồng trong vụ nói riêng và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp năm 2014 nói chung. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm đó là: Các ngành, các cấp cần tập trung sản xuất nông nghiệp với chủ trương “Lấy mùa bù xuân” và đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông nhằm đảm bảo sản xuất năm 2014.


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Yên Minh thành lập 36 Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp thôn bản
HGĐT- Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện Yên Minh ban hành kế hoạch và hướng dẫn các xã, thị trấn về việc thành lập các Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp thôn bản. Đến nay, trên địa bàn đã thành lập, ra mắt được 36 Tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp thôn bản ở 18 xã, thị trấn (mỗi xã 2 tổ, mỗi tổ có 3 thành viên, có quy chế hoạt động cụ thể).
26/06/2014
Cần tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi
HGĐT- Trong những năm gần đây, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi do Sở Công thương Hà Giang tổ chức ở các huyện trên địa bàn tỉnh ta đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa. Với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu do Việt Nam sản xuất, các phiên chợ đã thu hút đông đảo người dân đến mua hàng. Đây
26/06/2014
Công tác quản lý và đặt in hóa đơn của doanh nghiệp
HGĐT- Trong những năm qua, qua công tác kiểm tra, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đều thực hiện nghiêm túc các quy định về việc sử dụng, tự in, đặt in hóa đơn, thông báo phát hành hóa đơn và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo định kỳ, đúng quy định.
25/06/2014
Khởi công Dự án xây dựng Nhà máy chì kim loại tại Khu Công nghiệp Bình Vàng
HGĐT- Sáng 25.6, tại Khu Công nghiệp Bình Vàng, Công ty CP Luyện kim màu Hà Giang thuộc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chì kim loại. Đến dự có đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban ngành của tỉnh, huyện
25/06/2014